Chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm tăng cường miễn dịch, thực phẩm "bổ phổi" kết hợp với tập thể dục thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với chất gây ô nhiễm là những cách tốt nhất để hỗ trợ phục hồi và chăm sóc sức khỏe lá phổi.
Ngược lại, chế độ ăn nhiều thực phẩm gây viêm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể, trong đó có nguy cơ làm tăng rủi ro mắc bệnh phổi như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính,... với các triệu chứng bệnh phổi đặc trưng gồm: Thường xuyên khó thở, thở ngắn, thở khò khè, thở dốc; ho kéo dài trên 8 tuần và thường xuyên tái phát; ho ra máu; các cơn đau vai bất thường; đau tức ngực; có sự thay đổi trong giọng nói như khàn hơn; giảm cân không rõ nguyên nhân; da xanh xao, nhợt nhạt; kiệt sức; kém tập trung, dễ buồn ngủ;...
Đọc thêm:
+ Trường học cần làm gì để dự phòng tác hại của ô nhiễm không khí?
+ 8 loại thảo dược bổ phổi, giúp phòng ngừa các bệnh hô hấp khi vào mùa
Phổi là cơ quan chính trong hệ thống hô hấp của cơ thể. Chức năng chính của phổi là trao đổi khí, nơi oxy từ không khí được hấp thụ vào máu và carbon dioxide từ máu được thải ra ngoài qua hơi thở. Phổi cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng axit- ba zơ của cơ thể đồng thời với hệ miễn dịch phổi cũng giúp bảo vệ cơ thể chống lại các mầm bệnh và tác nhân gây hại khác từ môi trường như ô nhiễm không khí: Khói, bụi, các chất độc hại,...
Theo WHO, ô nhiễm không khí là sự hiện diện của một hoặc nhiều chất gây ô nhiễm trong khí quyển, chẳng hạn như bụi, khói, khí, sương mù, mùi với số lượng và thời gian có thể gây hại cho sức khỏe con người. Các nguồn gây ô nhiễm không khí chính bao gồm các phương tiện giao thông kém hiệu quả (nhiên liệu và phương tiện gây ô nhiễm), quá trình đốt cháy nhiên liệu không hiệu quả để nấu ăn, thắp sáng và sưởi ấm, nhà máy điện chạy bằng than, nông nghiệp và đốt chất thải,...
Con đường tiếp xúc chính từ ô nhiễm không khí là thông qua đường hô hấp. Hít phải những chất gây ô nhiễm này dẫn đến tình trạng viêm, stress oxy hóa, ức chế miễn dịch và gây đột biến ở các tế bào trên khắp cơ thể chúng ta, ảnh hưởng đến phổi, tim, não cùng các cơ quan khác và cuối cùng dẫn đến bệnh tật.
Hầu như mọi cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí. Do kích thước nhỏ, một số chất ô nhiễm không khí có thể xâm nhập vào máu qua phổi và lưu thông khắp cơ thể dẫn đến tình trạng viêm toàn thân và gây ung thư. Các bệnh cụ thể có liên quan chặt chẽ nhất với việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí bao gồm đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, viêm phổi và đục thủy tinh thể (chỉ ô nhiễm không khí trong nhà).
Nhóm dễ bị chịu tác động tiêu cực do ô nhiễm không khí bao gồm: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi; người già; phụ nữ mang thai; người có tiền sử mắc các bệnh phổi/hô hấp/tim mạch mạn tính; người nghiện rượu bia, thuốc lá; người đang sống tại khu vực có môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng;...
Như đã nói, ngoài các thói quen lành mạnh như vận động thể chất thường xuyên, tránh các tác nhân kích thích, hạn chế ra ngoài khi chỉ số ô nhiễm tăng cao, sử dụng khẩu trang, uống đủ nước mỗi ngày, tăng cường lưu thông gió trong gia đình thì chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng đối với hệ miễn dịch và chức năng phổi.
Theo Very Wel Health, một số loại thực phẩm tốt cho phổi nên được thêm vào chế độ ăn hàng ngày nếu bạn thường xuyên cảm thấy ốm yếu, bệnh vặt nhiều lần trong tháng, nhất là các bệnh hô hấp - phổi. Đây là các thực phẩm có chứa chất béo lành mạnh, protein và carbohydrate phức hợp cùng trái cây và rau củ tươi, có thể giúp phổi của bạn khỏe mạnh hơn.
- Nguồn chất béo lành mạnh
Ăn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh sẽ giúp bạn cảm thấy "dễ thở" hơn do khi cơ thể chuyển hóa chất béo sẽ đồng thời sản xuất ra ít carbon dioxide hơn để lấy oxy. Một nghiên cứu năm 2018 trên American Journal of Epidemiology thì chế độ ăn có tỷ lệ axit béo omega-3 cao hơn trong máu sẽ giúp giảm nguy cơ suy giảm chức năng phổi. Chất béo lành mạnh cũng giúp cải thiện hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cải thiện mức cholesterol trong máu, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Theo đó. các nguồn thực phẩm giàu omega-3 bao gồm: Dầu cải, hạt chia, dầu cá, dầu đậu nành, hạt lanh, dầu hạt lanh, cá trích, cá thu, cá hồi, cá mòi, hàu, tôm, cá ngừ, hạt óc chó; trứng, sữa chua, sữa bò, sữa đậu nành.
- Chất đạm
Protein giúp hình thành các globulin miễn dịch, hay còn gọi là kháng thể, để chống lại nhiễm trùng do xâm nhập của vi khuẩn hay virus gây ra. Hơn nữa, một nghiên cứu năm 2020 trên Tạp chí Nutrients cho thấy, chế độ ăn giàu protein có liên quan tới chức năng phổi tốt hơn. Ngược lại, chế độ ăn thiếu protein làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi như bệnh khí phế thũng.
Nguồn thực phẩm giàu protein có thể kể đến như: Hải sản, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt vịt, trứng, các loại đậu, các loại hạt.
- Chất xơ
Theo WebMD, nghiên cứu cho thấy những người có chế độ ăn nhiều chất xơ hơn có chức năng phổi tốt hơn, nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thấp hơn và số ca tử vong do bệnh đường hấp thấp hơn 40 - 50% so với nhóm không có thói quen thêm chất xơ vào chế đọ ăn hàng ngày.
Điều này được giải thích có thể là nhờ đặc tính chống viêm mạnh mẽ của chất xơ giúp củng cố hàng rào miễn dịch liên quan tới lợi khuẩn trong đường ruột, từ đó bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và giải phóng các tác nhân giúp bảo vệ phổi, bao gồm cả bạch cầu trung tính.
Các thực phẩm giàu chất xơ có thể kể đến như: Quả mâm xôi, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu đen, lúa mì nguyên cám, hạt chia, hạt diêm mạch, yến mạch, quả lê, bông cải xanh.
- Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm gạo lứt , bánh mì nguyên cám, mì ống nguyên cám, yến mạch, hạt diêm mạch và lúa mạch. Chúng không chỉ giàu chất xơ hòa tan mà còn có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ cùng lượng lớn vitamin E, selen và các axit béo thiết yếu tốt cho hệ miễn dịch và chức năng phổi.
- Quả mọng
Các loại quả mọng với màu sắc sặc sỡ như việt quất, dâu tây chứa một hợp chất flavonoid gọi là anthocyanin có tác dụng chống oxy hóa mạnh, làm chậm quá trình suy giảm chức năng tự nhiên của phổi do tuổi tác. Hơn nữa, anthocyanin và vitamin C cao trong quả mọng cũng đặc biệt tốt cho người cần tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng hô hấp như cảm lạnh, cúm bằng cách tăng số lượng tế bào bạch cầu.
Ngoài các nhóm thực phẩm tốt cho phổi và miễn dịch kể trên thì bạn nên tăng cường ăn thêm các loại rau xanh và trái cây tươi hay nấm giàu vitamin A, B, C, D, E cũng có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Đồng thời cần tránh xa các thực phẩm có hại cho miễn dịch và phổi, nhất là khi đang sẵn có bệnh phổi như thức ăn nhiều muối, thịt đỏ chế biến sẵn, nước ngọt, thực phẩm chiên rán.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Air quality, energy and health (WHO)
2. Dietary fiber and lung health: eat well, breathe easy
3. The Best and Worst Foods for Healthy Lungs
4. Best and Worst Foods for Lung Health