Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau ghép tế bào gốc tại nhà

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau ghép tế bào gốc tại nhà
Sau khi phẫu thuật ghép tế bào gốc, bệnh nhân còn rất yếu, chịu nhiều ảnh hưởng từ các tác dụng phụ và biến chứng của ghép tủy. Do vậy, bệnh nhân rất cần sự giúp đỡ và chăm sóc của người thân sau khi thực hiện ghép tế bào gốc.

1. Khi nào bệnh nhân ghép tế bào gốc được về nhà?

Sau khi thực hiện ghép tế bào gốc, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ở lại viện 1 thời gian để bác sĩ theo dõi hiệu quả ghép tủy và kiểm soát các biến chứng có thể xảy ra. Chỉ khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau, bệnh nhân mới được xuất viện trở về nhà:

-  Không sốt trong 48 giờ.

- Có thể uống và hấp thụ thuốc (không bị nôn, tiêu chảy) trong 48 giờ.

- Có thể kiểm soát nôn và buồn nôn bằng thuốc.

- Số lượng bạch cầu trung tính đạt ít nhất là 500 đến 1.000 / mm 3

- Số lượng tiểu cầu ít nhất là 15.000 đến 20.000 / mm 3

2. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân sau ghép tế bào gốc tại nhà

- Giúp đỡ bệnh nhân trong việc ghi nhớ và thực hiện đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Uống đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ. 

- Đảm bảo dinh dưỡng khoa học, hợp lý để bệnh nhân đủ sức khỏe chiến đấu với bệnh tật. Đặc biệt lưu tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng và tiêu chảy, do hệ miễn dịch của người bệnh sau khi ghép tế bào gốc còn khá yếu.

Sử dụng thức ăn giàu dinh dưỡng, xuất xứ rõ ràng. Ưu tiên các loại trái cây có vỏ dày. Ưu tiên sữa tiệt trùng. Thức ăn cần được nấu chín kỹ. Uống nước đã đun sôi. Không nên ăn đồ tái, đồ chưa chín kỹ, đồ không rõ nguồn gốc. Tránh ăn thức ăn vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh.

- Giúp bệnh nhân vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Lưu ý sử dụng xà phòng tắm và dầu gội dịu nhẹ. Đặc biệt lưu ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bởi răng miệng là nơi rất dễ nhiễm khuẩn. Nếu miệng còn bị lở loét do tác dụng phụ của ghép tế bào gốc thì nên dùng betadin pha loãng để súc miệng.

- Chuẩn bị quần áo dài, khẩu trang, nón mũ cho bệnh nhân trước khi ra đường. Hạn chế đến nơi đông người, có thể mắc các bệnh truyền nhiễm. Không đi bơi ở hồ bơi công cộng.

- Thường xuyên dọn dẹp phòng ốc, giữ môi trường sống của bệnh nhân sạch sẽ, trong lành, thoáng đãng. Không nuôi thú cưng trong nhà nhằm hạn chế nguồn vi trùng và nguồn gây dị ứng.

- Cùng bệnh nhân tập luyện nhẹ nhàng, vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe.

- Bệnh nhân sau khi ghép tế bào gốc thường lo âu, mất ngủ, có cảm giác mặc cảm, tự ti. Do vậy, người nhà bệnh nhân cần hỗ trợ tâm lý, giúp bệnh nhân nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống thường nhật. Giúp bệnh nhân lạc quan hơn, vui vẻ, cởi mở, chia sẻ về những lo lắng cũng như tình trạng của bản thân để mọi người có thể hỗ trợ kịp thời.

- Luôn theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân sau ghép tế bào gốc. Báo bác sĩ điều trị ngay khi thấy có xuất hiện những bất thường. Đặc biệt lưu ý nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng như sốt cao, chân ống sonde sưng đỏ và đau.

- Đưa bệnh nhân đi tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá hiệu quả ghép tế bào gốc, cũng như can thiệp kịp thời những nguy cơ biến chứng.

Bệnh nhân ghép tế bào gốc phải chịu nhiều biến chứng và tác dụng phụ, nên thời gian phục hồi kéo dài, có thể lên đến 1 năm. Do vậy, người nhà bệnh nhân cần chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như sức khỏe để có thể hỗ trợ người bệnh sau ghép tế bào gốc tốt nhất có thể.

Nếu cảm thấy quá khó khăn, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và các chuyên gian để có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân hiệu quả hơn. Bạn cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của các trung tâm điều dưỡng, hội nhóm cộng đồng để giảm bớt gánh nặng chăm sóc người bệnh.


Tác giả: Mai Nhung