Những điều cần biết về ghép tủy điều trị ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những điều cần biết về ghép tủy điều trị ung thư máu
Ghép tủy là phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến, cho hiệu quả cao và tối ưu hơn so với các phương pháp khác như hóa - xạ trị.

Ghép tủy điều trị ung thư máu hoạt động bằng cách thay thế các tế bào gốc tạo máu bị ung thư bằng các tế bào gốc tạo máu khỏe mạnh. Trong phẫu thuật ghép tủy, tế bào tủy xương bị ung thư sẽ bị phá hủy, nhường chỗ cho các tế bào gốc khỏe mạnh được truyền vào để phục hồi tủy xương, và cuối cùng là tạo ra các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu khỏe mạnh.

1. Phân loại phương pháp ghép tủy điều trị ung thư máu

Trong khi cấy ghép tủy xương (thu thập tế bào gốc từ tủy xương) ngày càng phổ biến, thì cấy ghép tế bào gốc từ máu ngoại vi (thu thập tế bào gốc từ máu của người hiến) cũng đang được nhân rộng. 

Các loại ghép tủy điều trị ung thư máu bao gồm:

- Ghép tủy tự thân: Cấy ghép tế bào gốc của chính bệnh nhân.

- Ghép tủy đồng loại (dị ghép): Cấy ghép tế bào gốc từ người hiến khác, chẳng hạn như anh chị em ruột, hoặc từ người hiến không rõ danh tính nhưng có tế bào gốc phù hợp với bệnh nhân.

- Cấy ghép từ máu cuống rốn.

- Ghép tế bào gốc không cắt bỏ: Hay còn được gọi là cấy ghép mini, là phương pháp ghép tủy điều trị ung thư máu ít xâm lấn, không cần cắt bỏ tủy xương trước khi cấy ghép. Cấy ghép mini là ghép song song tế bào của người hiến, thay vì thay thế chúng. Các tế bào của người hiến sẽ chống lại và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Cấy ghép không cắt bỏ có thể được sử dụng cho những người không chịu được hóa trị liệu liều cao cần thiết cho cấy ghép tế bào gốc truyền thống (ví dụ, những người trên 50 tuổi). Chúng cũng có thể được sử dụng khi bệnh ung thư máu tái phát sau khi đã điều trị bằng cấy ghép tế bào gốc trước đó.

2. Quy trình ghép tủy điều trị ung thư máu

Quy trình ghép tủy điều trị ung thư máu có 3 giai đoạn:

- Điều trị trước khi ghép tủy: Sử dụng hóa trị liệu để giảm số lượng bạch cầu và thuyên giảm tình trạng bệnh.

- Điều hòa: Sử dụng hóa trị liều cao, có thể kết hợp xạ trị để phá hủy tủy xương, tiêu diệt các tế bào gốc bị ung thư, chuẩn bị chỗ cho tế bào gốc mới.

- Cấy ghép: Truyền tế bào gốc vào tủy xương của bệnh nhân. Sau khi ghép, thường mất từ 2 - 6 tuần để các tế bào gốc được hiến phát triển trong tủy xương và tạo ra các tế bào máu khỏe mạnh, hoạt động bình thường.

3. Tác dụng phụ và biến chứng

Ghép tủy điều trị ung thư máu là phương pháp điều trị chính, mang lại khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng lại có tỷ lệ tử vong đáng kể. Nguyên nhân chính là do trong thời gian chờ các tế bào gốc được hiến tặng phát triển trong tủy, thì cơ thể bệnh nhân không có đủ bạch cầu để chống lại nhiễm trùng.

Tác dụng phụ sớm:

- Nôn và buồn nôn.

- Mệt mỏi

- Viêm loét niêm mạc miệng, đau họng.

- Tiêu chảy.

Biến chứng lâu dài:

- Ức chế miễn dịch: Hệ thống miễn dịch bị ức chế có thể dẫn đến nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

- Bệnh ghép chống lại vật chủ: Các tế bào gốc được hiến tặng tấn công tế bào của bệnh nhân, gây ra nhiều phản ứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở da và đường tiêu hóa.

- Ảnh hưởng đến tuyến sinh dục, có thể gây mãn kinh sớm, vô sinh.

- Đục thủy tinh thể, hạn chế tầm nhìn, mắt mờ hơn.

- Tổn thương phổi hoặc xương.

- Có nguy cơ phát triển các loại ung thư khác.

Ghép tủy điều trị ung thư máu hiện nay vẫn là phương pháp mũi nhọn, được ưu tiên mặc dù tiềm ẩn nhiều biến chứng, vì nó có khả năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn, hiệu quả trong việc kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt các biến chứng có thể xảy ra.

Nguồn dịch: https://www.verywellhealth.com/leukemia-treatment-2252240


Tác giả: Mai Nhung