Những đối tượng nào có nguy cơ mắc ung thư máu cao?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Những đối tượng nào có nguy cơ mắc ung thư máu cao?
Trong khi nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư máu vẫn chưa được biết đến, thì các nhà khoa học đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây ung thư máu. Những đối tượng đáp ứng các yếu tố này thường có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn bình thường.

1. Dựa vào yếu tố sinh học

- Tuổi là một yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu). Tuy nhiên, mỗi loại ung thư máu khác nhau lại phổ biến ở 1 độ tuổi khác nhau.

Bệnh bạch cầu lymphocytic cấp tính (ALL) và bệnh bạch cầu nguyên bào tủy cấp tính (AML) chiếm 30% các bệnh ung thư ở trẻ em. Không những được coi là bệnh ung thư trẻ em, AML cũng phổ biến ở người lớn (độ tuổi trung bình khi chẩn đoán là 68). Khoảng 40% trường hợp mắc ALL là ở người lớn; khi được chẩn đoán ở thời thơ ấu, nó phổ biến nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ em có cân nặng khi sinh lớn hơn 4kg cũng có nguy cơ mắc ung thư máu dạng ALL.

Trong khi đó, bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL) và bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML) phổ biến hơn ở người lớn tuổi, rất hiếm gặp ở những người dưới 40 tuổi.

- Thông thường, nam giới là đối tượng có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn nữ giới, nhưng không rõ nguyên nhân của tình trạng này.

- Đối tượng có người thân trong gia đình bị ung thư máu cũng có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn.

2. Đối tượng có lối sống kém lành mạnh có nguy cơ mắc ung thư máu cao

- Theo thống kê, sử dụng thuốc lá làm nguy cơ mắc ung thư máu tăng cao đáng kể. Có khoảng 20% trường hợp mắc ung thư máu có liên quan đến hút thuốc. Có một số bằng chứng cho thấy bệnh ung thư máu ở trẻ em có thể có liên quan đến việc hút thuốc của cha mẹ

- Mặc dù rượu là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh ung thư. Nhưng 1 nghiên cứu năm 2014 cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng rượu với bệnh ung thư máu. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng lưu ý, những bà mẹ có uống rượu khi mang thai thì đứa trẻ sinh ra có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn.

- Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy, những người thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất  có nguy cơ mắc ung thư máu thấp hơn khoảng 20% so với những người ít hoạt động.

- Một nghiên cứu năm 2015 của các nhà khoa học Thụy Điển đã công bố trên tạp chí Cancer Cell kết luận rằng, béo phì làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư máu, đặc biệt là ung thư máu dạng u đa tủy.

3. Những đối tượng khác

- Những người chịu ảnh hưởng bức xạ tự bom nguyên tử hoặc tai nạn hạt nhân.

- Những người thường xuyên phải sử dụng các xét nghiệm phóng xạ y tế như chụp X-quang, quét CT, quét PET,.... có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn, đặc biệt là trẻ em.

- Đối tượng đã từng xạ trị và hóa trị các bệnh ung thư trước đây.

- Bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, bệnh nhân ghép tạng, người thường xuyên bị các bệnh nhiễm trùng cũng có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn đáng kể.

- Làm việc trong môi trường phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại như công ty sản xuất dung môi, sơn, nhựa, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa, xăng không chì, gỗ ép, keo và chất kết dính....

- Trẻ em sống ở gần đường điện cao thế, sống trong ngôi nhà mới sơn sửa cũng có nguy cơ mắc ung thư máu cao do ảnh hưởng của trường điện từ và hóa chất độc hại.

Mặc dù bạn thuộc đối tượng có nguy cơ mắc ung thư máu cao, nhưng cũng không nên quá lo lắng. Bởi các yếu tố có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển bệnh nhưng không nhất thiết sẽ gây ra bệnh. Điều quan trọng là bạn cần thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe, chú ý đến những thay đổi nhỏ của bản thân, đi khám và tầm soát định kỳ sẽ giúp bạn đối phó được với nguy cơ mắc ung thư máu tiềm ẩn.

Nguồn dịch: https://www.verywellhealth.com/leukemia-causes-risk-factors-2252385


Tác giả: Mai Nhung