Đối phó với tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Đối phó với tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu
Tùy vào từng phương pháp trị liệu mà bệnh nhân sẽ xuất hiện các tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu khác nhau. Dưới đây là một số cách giúp bạn vượt qua các triệu chứng khó chịu.

Tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu có thể nhẹ hoặc nặng, tùy thuộc vào phương pháp điều trị bạn đã trải qua. Nếu bạn đang gặp nhiều triệu chứng khó chịu, đừng có gắng chịu đựng 1 mình. Các bác sĩ luôn có cách để giảm bớt các tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu.

Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu sẽ phụ thuộc vào phác đồ trị liệu và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Phác đồ điều trị ung thư máu phụ thuộc vào một số yếu tố bao gồm: mức độ xâm lấn của bệnh bạch cầu (cấp tính hoặc mãn tính), loại ung thư cụ thể và tuổi của bạn. 

Các phương pháp điều trị có thể bao gồm: hóa trị, xạ trị, thuốc nhắm mục tiêu, phẫu thuật, ghép tủy xương, ghép tế bào gốc.

Đối phó với các tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu:

1. Mệt mỏi

Mệt mỏi là tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu hầu hết các bệnh nhân đều gặp phải. Bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước để đào thải thuốc, ăn uống tốt nhất có thể để ngăn ngừa giảm cân, nghỉ ngơi nhiều. Tập các bài thể dục nhẹ cũng sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy sức sống hơn.

2. Nhiễm trùng

Giữ vệ sinh nơi ở và môi trường sống sạch sẽ. Thường xuyên rửa tay để loại bỏ virus, vi khuẩn. Tránh xa người mắc các bệnh truyền nhiễm. Hạn chế đến những nơi đông người. 

Không ăn trái cây hoặc rau sống, cần ăn chín uống sôi. Hạn chế tiếp xúc với hoa khô lẫn hoa tươi, bởi chúng chứa nhiều vi trùng và nấm mốc. 

Với những trường hợp có hệ thống miễn dịch suy yếu nhiều, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc phòng ngừa nhiễm trùng. Gọi cho bác sĩ nếu bạn bắt đầu bị sốt, đó là dấu hiệu nhiễm trùng nặng.

3. Chảy máu

Chảy máu cam, chảy máu nướu và máu trong phân hoặc nước tiểu là những tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu thường gặp.

Sử dụng bàn chải đánh răng mềm. Dùng dao cạo điện thay vì lưỡi dao cạo thủ công. Ăn nhiều chất xơ để giảm táo bón. 

4. Buồn nôn và nôn

Luôn mang theo bánh mì khô hoặc bánh quy giòn, đồ ăn vặt để nhấm nháp mỗi khi xuất hiện cảm giác buồn nôn. Nếu triệu chứng nặng thì bạn nên hỏi bác sĩ về thuốc chống buồn nôn. Bởi nôn quá nhiều sẽ khiến cơ thể bạn thiếu năng lượng và dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

5. Loét miệng

Loét miệng không chỉ gây đau, chúng có thể gây nhiễm trùng, vì vậy điều quan trọng là giữ cho miệng của bạn sạch sẽ. Có thể vệ sinh miệng bằng nước muối sinh lý, hoặc nước baking soda pha loãng. Tránh rượu và thức ăn cay.

6. Tiêu chảy hoặc táo bón

Thay đổi chế độ ăn uống, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ. Tăng cường uống nước. Nếu cần, bạn có thể sử dụng thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc làm mềm phân.

7. Rụng tóc

Không phải ai cũng gặp phải tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu này. Nhưng nếu bạn tự ti khi bị rụng tóc, thì có thể trang bị một bộ tóc giả. 

Y học ngày càng phát triển, các tiến bộ điều trị bệnh đã cách mạng hóa việc điều trị bệnh bạch cầu cho nhiều người. Ví dụ, đối với bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính, việc sử dụng các thuốc ức chế tyrosine kinase như imatinib mesylate đã giúp bệnh nhân tăng đáng kể tuổi thọ mà không phải chịu nhiều tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu.

Hãy nhớ rằng hầu hết các tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu là tạm thời. Vì vậy bạn không nên quá lo lắng, bi quan, ảnh hưởng đến sự hồi phục sau trị liệu. Hãy cố gắng nâng cao sức khỏe và tìm kiếm sự giúp đỡ khi các tác dụng phụ sau điều trị ung thư máu khiến bạn khó chịu, gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống. 

Nguồn dịch: https://www.everydayhealth.com/leukemia/coping-with-leukemia-treatment-side-effects.aspx


Tác giả: Mai Nhung