Một số câu hỏi thường gặp về bệnh bạch cầu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Một số câu hỏi thường gặp về bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là bệnh lý ác tính về máu, có tỷ lệ mắc khá phổ biến hiện nay. Vậy bệnh bạch cầu là gì? Thể cấp tính và mạn tính có gì khác nhau? Bệnh bạch cầu có chữa được không?

1. Bệnh bạch cầu là gì?

Bệnh bạch cầu là một bệnh lý ác tính về máu do sự sản xuất quá mức các tế bào bạch cầu trong cơ thể và do sự rối loạn quá trình biệt hóa các tế bào bạch cầu gây nên. Bệnh bạch cầu có thể xuất hiện ở mọi đối tượng khác nhau, không phân biệt tuổi tác và giới tính.

Khi bệnh bạch cầu xuất hiện tại tủy được gọi là bệnh bạch cầu dòng tủy, khi bệnh xuất hiện tại các hạch lympho sẽ được gọi là bệnh bạch cầu dòng lympho. Các tế bào bạch cầu có thể di chuyển vào máu và đi đến nhiều nơi trong cơ thể theo sự di chuyển của dòng máu. Vì vậy mặc dù bệnh bạch cầu cũng là một bệnh lý ung thư nhưng sẽ có các giai đoạn khác với các loại ung thư rắn.

2. Có thể phòng tránh bệnh bạch cầu được không?

Cho đến hiện nay, vẫn còn có rất nhiều vấn đề chưa thực sự được làm rõ về nguyên nhân gây nên bệnh. Tuy nhiên người ta có thể xác định được một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó bao gồm các nhóm nguy cơ không thay đổi được (tuổi tác, giới tính, di truyền từ cha hoặc mẹ,...) và những yếu tố thay đổi được (phơi nhiễm hóa chất, bức xạ, lối sống thiếu hợp lý,...).

Vì vậy, khi bệnh xảy ra ở trẻ em thường rất khó để phòng tránh do căn nguyên gây bệnh thường là yếu tố di truyền. Tuy nhiên đối với bệnh bạch cầu ở người lớn, các biện pháp phòng tránh lại rất có giá trị trong hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

3. Các triệu chứng của bệnh là gì?

Khi mắc bệnh bạch cầu, bệnh nhân có thể có nhiều biểu hiện triệu chứng khác nhau như:

- Tình trạng nhiễm trùng xảy ra thường xuyên hơn và dễ dàng hơn.

- Các biểu hiện thiếu máu như tóc, móng yếu và dễ gãy, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu,...

- Đau đớn tại các cơ quan như xương hay các tạng trong ổ bụng.

- Đổ mồ hôi về ban đêm.

- Sốt, lạnh run.

- Sưng các hạch bạch huyết bất thường.

- Các biểu hiện xuất huyết như chảy máu dưới da, bầm tím da, chảy máu mũi,...

Bệnh nhân cần phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh và tiến hành thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bằng những phương pháp thích hợp.

4. Thể bệnh cấp tính và mãn tính khác nhau như thế nào?

Bệnh bạch cầu có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau, trong đó có phân loại theo thời gian biểu hiện bệnh bao gồm thể bệnh cấp tính và mãn tính.

- Bệnh bạch cầu cấp tính: Là thể bệnh có sự bùng nổ rất nhanh chóng số lượng bạch cầu trong cơ thể do tăng sản xuất đột biến. Tuy nhiên hầu hết các bạch cầu này lại bị rối loạn ngay từ giai đoạn đầu của biệt hóa vì vậy chúng hầu như chưa thể đảm bảo chức năng của bạch cầu. Do đó, bệnh nhân mắc thể bệnh cấp tính thường có các biểu hiện rầm rộ và cần được điều trị ngay lập tức.

- Bệnh bạch cầu mãn tính: Khác với thể bệnh cấp tính, bệnh nhân bị bệnh mãn tính mặc dù cũng có sự gia tăng số lượng bạch cầu nhưng ở mức ít hơn, đồng thời sự rối loạn biệt hóa cũng xảy ra muộn hơn dẫn đếncác bạch cầu trong cơ thể người bệnh vẫn có thể đảm nhận được một số chức năng cơ bản.

Vì vậy, bệnh nhân thể bệnh mãn tính thường ít có biểu hiện rầm rộ. Bệnh nhân có thể điều trị hoặc không tùy tình trạng bệnh,nhiều bệnh nhân mắc bệnh thể mãn tính có thể sống đến cuối đời mà không cần điều trị.

5. Điều trị bệnh bằng những phương pháp nào?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng để điều trị bệnh bạch cầu như hóa trị, xạ trị, ghép tế bào mầm, các liệu pháp sinh học,...Những phương pháp điều trị bệnh có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với nhau nhằm gia tăng hiệu quả điều trị.

Mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng phù hợp với từng tình trạng bệnh riêng biệt. Sự lựa chọn phương pháp điều trị cần được dựa trên nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tình trạng bệnh của bệnh nhân, tuổi tác, sức khỏe của người bệnh, khả năng chi trả kinh tế, trình độ điều trị tại cơ sở y tế,...

Trên đây là giải đáp sơ lược về một số thắc mắc thường gặp của bệnh nhân và người nhà đối với bệnh bạch cầu. Để hiểu rõ nhất về bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên thực hiện thăm khám và nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực.

Nguồn dịch: 

https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=35&contentid=FAQLeukemia

Tác giả: QN