Sinh thiết hạch bạch huyết là phương pháp lấy toàn bộ hoặc một phần hạch bạch huyết để đưa tới phòng thí nghiệm kiểm tra.
Có ba cách để thực hiện sinh thiết hạch bạch huyết là:
- Sinh thiết kim
Sinh thiết kim sẽ lấy 1 mẫu tế bào nhỏ khỏi hạch bạch huyết.
Bệnh nhân cần nằm trên bàn mổ, bác sĩ làm sạch vị trí sinh thiết và bôi thuốc làm tê khu vực này. Bác sĩ sẽ đưa 1 cây kim vào hạch bạch huyết và lấy ra 1 mẫu mô nhỏ. Sau đó, kim được rút ra, vị trí đặt kim được băng lại. Quá trình này mất khoảng 15 phút.
- Sinh thiết mổ
Sinh thiết mổ sẽ lấy 1 phần hoặc toàn bộ hạch bạch huyết làm mẫu xét nghiệm.
Bác sĩ thường gây tê tại vị trí thực hiện sinh thiết hạch bạch huyết, hoặc gây mê toàn thân để bệnh nhân ngủ trong suốt qua trình diễn ra thủ thuật. Quy trình sinh thiết hạch bạch huyết qua vết mổ hở bao gồm:
- Bước 1: Phẫu thuật mở vị trí cần sinh thiết để tiếp cận mẫu mô.
- Bước 2: Lấy toàn bộ hoặc 1 phần hạch bạch huyết.
- Bước 3: Khâu lại vết mổ.
- Bước 4: Băng vết mổ lại.
Toàn bộ quá trình trên mất khoảng 45 phút.
Sau sinh thiết mổ, bệnh nhân có thể thấy đau nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Mất khoảng 10 đến 14 ngày để vết mổ lành lại. Trong thời gian này, bệnh nhân cần tránh tập thể dục và hoạt động nặng.
- Sinh thiết hạch cửa
Nếu bạn được chẩn đoán mắc ung thư, bác sĩ có thể chỉ định làm sinh thiết hạch cửa để xác định nơi ung thư có khả năng lây lan sang.
Với sinh thiết hạch cửa, bác sĩ sẽ ẽ tiêm thuốc nhuộm màu xanh lam, còn được gọi là chất đánh dấu, vào cơ thể bạn gần vị trí ung thư. Thuốc nhuộm đi đến các nút hạch cửa, đó là một vài hạch bạch huyết đầu tiên mà khối u thoát ra.
Sau đó bác sĩ sẽ lấy mẫu các hạch cửa này để gửi đến phòng thí nghiệm kiểm tra. Bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị điều trị dựa trên kết quả sinh thiết hạch cửa.
Sinh thiết hạch bạch huyết thường cho kết quả sau 5 - 7 ngày. Nhờ sinh thiết hạch bạch huyết, bác sĩ có thể tìm được các dấu hiệu nhiễm trùng, rối loạn miễn dịch hoặc ung thư.
Nếu các tế bào ung thư được phát hiện trong sinh thiết, đó có thể là dấu hiệu của một trong những bệnh lý sau:
- Ung thư gan.
- Ung thư hạch không Hodgkin.
- Ung thư vú.
- Ung thư phổi.
- Ung thư miệng.
- Ung thư máu.
Nếu sinh thiết loại trừ ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây ra sưng đau hoặc gây ra các bất thường ở hạch bạch huyết. Kết quả bất thường của sinh thiết hạch cũng có thể có nghĩa là bạn bị nhiễm trùng hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như:
- Nhiễm HIV hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như giang mai hoặc chlamydia.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Bệnh lao.
- Bạch cầu đơn nhân.
- Nhiễm trùng da.
- Lupus ban đỏ hệ thống.
Sinh thiết hạch bạch huyết cũng có những rủi ro tương tự như những thủ tục phẫu thuật khác. Các rủi ro đáng chú ý bao gồm:
- Đau quanh khu vực sinh thiết hạch bạch huyết.
- Nhiễm trùng. Nhiễm trùng tương đối hiếm và có thể được điều trị bằng kháng sinh.
- Chảy máu.
- Tê do tổn thương dây thần kinh trong quá trình sinh thiết hạch bạch huyết. Tê có thể xảy ra nếu sinh thiết được thực hiện gần dây thần kinh. Thông thường cảm giác tê thường biến mất trong vòng một vài tháng.
Nếu bác sĩ lấy toàn bộ hạch bạch huyết để sinh thiết, bạn có thể bị một số tác dụng phụ khác như phù bạch huyết.
Sinh thiết hạch bạch huyết là một thủ tục tương đối nhỏ có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các bất thường trên hạch bạch huyết. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn có câu hỏi về sinh thiết hạch hoặc kết quả của sinh thiết.
Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/lymph-node-biopsy#takeaway