3 bước trong quy trình chẩn đoán ung thư máu

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 bước trong quy trình chẩn đoán ung thư máu
Ung thư máu là căn bệnh nguy hiểm với nhiều phân loại. Do vậy, quy trình chẩn đoán ung thư máu khá phức tạp, bao gồm nhiều loại xét nghiệm. Nắm rõ được quy trình chẩn đoán ung thư máu sẽ giúp cho mọi người có sự chuẩn bị tốt hơn.

1. Bước 1: Thăm hỏi và khám lâm sàng

Bước đầu tiên trong quy trình chẩn đoán ung thư máu là bác sĩ sẽ xem xét hồ sơ y tế, thăm hỏi và khám sức khỏe tổng quát cho người bệnh.

- Dựa vào hồ sơ y tế, bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trong quá khứ, các bệnh từng mắc, các loại thuốc và phương pháp điều trị từng trải qua. 

- Bác sĩ sẽ thăm hỏi tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, những triệu chứng gặp phải nếu có. Thăm hỏi cũng bao gồm sức khỏe của các thành viên trong gia đình, có tiền sử bị ung thư máu hay không.

- Sau khi xem hồ sơ y tế và thăm hỏi, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe tổng thể. Bác sĩ thường quan sát và sờ nắn để phát hiện bất thường, nghe tim phổi để kiểm tra cơ thể bệnh nhân xem có dấu hiệu bệnh tiềm ẩn nào không. 

Trong quy trình chẩn đoán ung thư máu bằng kiểm tra trực quan, bác sĩ sẽ tìm kiếm các dấu hiệu như chảy máu bất thường, vị trí cứng - mềm hoặc đau khi chạm vào, sưng, bầm tím hoặc bất kỳ thay đổi nào trên da.

2. Bước 2: Khám cận lâm sàng

Sau bước 1, nếu như không có gì bất thương, bác sĩ có thể kết thúc quy trình chẩn đoán ung thư máu. Nhưng nếu bác sĩ có nghi ngờ và phát hiện một số triệu chứng của ung thư máu thì cần thực hiện khám cận lâm sàng. Quy trình chẩn đoán ung thư máu qua khám cận lâm sàng bao gồm các xét nghiệm:

2.1. Xét nghiệm máu

- Xét nghiệm công thức máu để đo số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu và lượng huyết sắc tố trong máu (lượng protein trong các hồng cầu có mang oxy).

- Nếu công thức máu có bất thường, phết máu ngoại biên sẽ được tiến hành để kiểm tra rõ hơn về hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu cũng như bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

- Nếu bệnh nhân bị chảy máu bất thường hoặc bị bầm tím không rõ nguyên do, quy trình chẩn đoán ung thư máu sẽ bao gồm xét nghiệm đông máu để xác định xem vết bầm tím và chảy máu là do ung thư hay nguyên nhân khác. 

2.2. Phân tích nước tiểu

Phân tích nước tiểu có thể được thực hiện song song cùng xét nghiệm máu trong quy trình chẩn đoán ung thư máu. Bác sĩ sẽ xác định nồng độ acid uric trong nước tiểu. Nếu nồng độ này tăng cao bất thường thì bệnh nhân có thể có nguy cơ bị ung thư máu.

2.3. Sinh thiết

Nếu sau khi xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ có nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư máu nhưng chưa rõ ràng, thì bác sĩ có thể chỉ định làm sinh thiết để đưa ra kết luận chính xác nhất. Sinh thiết trong quy trình chẩn đoán ung thư máu có thể là sinh thiết hạch hoặc chọc hút và sinh thiết tủy xương.

- Một số bệnh ung thư máu đòi hỏi phải sinh thiết hạch để xác định chẩn đoán. Trong sinh thiết hạch, một hạch bạch huyết hoặc một phần của hạch bạch huyết được lấy ra thông qua một thủ tục phẫu thuật để đưa đến phòng thí nghiệm. Trong một số trường hợp, một mẫu sinh thiết có thể được lấy bằng kim.

- Ung thư máu thường ảnh hưởng đến cả máu và tủy xương nên việc chọc hút và sinh thiết tủy sống là cần thiết trong quy trình chẩn đoán ung thư máu. Mẫu tủy xương sẽ được lấy từ xương chậu bằng 1 cây kim lớn. Mặc dù có thuốc tê, nhưng bệnh nhân chọc hút tủy xương thường phải trải qua một số cơn đau trong thời gian ngắn.

2.4. Chẩn đoán hình ảnh

Xét nghiệm hình ảnh là phương pháp phổ biến trong quy trình chẩn đoán ung thư máu khi bệnh nhân đã có các dấu hiệu như sưng đau hạch bạch huyết. Xét nghiệm hình ảnh cũng sẽ được thực hiện sau khi sinh thiết để xác định phân loại và sự phát triển của ung thư máu.

Các xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm chụp X-quang, chụp CT, chụp MRI và siêu âm. 

3. Bước 3: Đọc kết quả

Thông thường, bệnh nhân phải đợi từ 1 - 2 tuần mới có kết quả của các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ hẹn lịch chính xác để bạn quay lại nhận và nghe giải thích kết quả. 

Quy trình chẩn đoán ung thư máu có thể phức tạp và kéo dài gây lo lắng cho người bệnh. Điều quan trọng là mọi người cần báo lại chi tiết tình trạng sức khỏe của bản thân, và tuân theo sự chỉ định của bác sĩ để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất. 

Nguồn dịch : https://blood-cancer.com/diagnosis/


Tác giả: Mai Nhung