Thoát khỏi cửa tử và chữa khỏi ung thư máu sau 8 năm, cậu bé 14 tuổi ước mơ làm bác sĩ

Thoát khỏi cửa tử và chữa khỏi ung thư máu sau 8 năm, cậu bé 14 tuổi ước mơ làm bác sĩ
Câu chuyện về cậu bé Phạm Quang Phong (SN 2002, trú tại xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã chữa khỏi ung thư máu hoàn toàn sau 8 năm ròng rã điều trị đã và đang gây xôn xao dư luận.

“Có lần, tôi cho cháu đi ra công viên chơi, đến khi tôi bế lên thì cháu nôn, máu tung tóe ra khắp nơi. Lúc ấy, gia đình tôi hoảng sợ và đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, chứ không dám nghĩ là cháu có thể chữa khỏi ung thư máu và sống đến ngày hôm nay”, chị Nguyễn Thị Phương Tảo, mẹ cháu Phong nghẹn ngào chia sẻ.

3000 ngày vật lộn để chữa khỏi ung thư máu

Câu chuyện kỳ tích chữa khỏi ung thư máu của cậu bé quê lúa đã trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm và chia sẻ trên khắp các mạng xã hội. Nó là minh chứng cho những thành tựu của y học hiện đại, là tia hi vọng và động lực giúp cho những người đang bị ung thư tiếp tục chiến đấu khi không may mắc phải căn bệnh nan y quái ác này. Nhưng để làm được điều này, còn là cả một hành trình bền bỉ, quyết tâm chữa trị của Phong và người thân trong gia đình.

Trước nay, cứ nhắc tới ung thư, lại là ung thư máu thì ai cũng ngao ngán lắc đầu, bởi gần như người bệnh đang nắm chắc trong tay cái chết. Vậy nên, câu chuyện của cậu bé 14 tuổi suốt 8 năm ròng rã chiến đấu bền bỉ và chiến thắng cái chết, chữa khỏi ung thư máu đã trở nên nổi tiếng khắp xã Vũ Đoài. 

Khi hỏi về xóm 1, nơi Phong cùng gia đình đang sinh sống, ai cũng bày tỏ sự vui mừng và chúc phúc cho cậu bé may mắn này. Khi chúng tôi đến nhà, cũng vừa khi Phong đi học về. Nhìn Phong khỏe mạnh, vui vẻ chơi đùa cùng em nhỏ và phụ giúp bố mẹ việc nhà, không ai nghĩ rằng đây là cậu bé đã từng phải trải trải qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.

Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Văn Tiên, 47 tuổi, bố cháu Phong cho biết những ngày đầu, những người nông dân như họ không biết đến bệnh ung thư máu là gì, họ chỉ nghe đến bệnh ung thư khi xem trong những bộ phim hay chương trình truyền hình trên ti vi. 

“Khi bệnh bất ngờ xảy đến với chính con trai tôi, cả gia đình tôi thực sự sốc và suy sụp tinh thần. Ngày vào viện, vợ chồng tôi như chết đứng khi Phong được bác sĩ chuẩn đoán cháu bị ung thư máu, cụ thể là bạch cầu cấp dòng lymphô”, anh Tiên kể.

Phong là con thứ 2 trong gia đình có 3 anh chị em. Khi sinh ra, Phong hoàn toàn bình thường khỏe mạnh, nhưng đến năm 4 tuổi thì phát bệnh. 

“Ngày đó, tự nhiên gia đình phát hiện cháu có triệu trứng xuất huyết dưới da. Ban đầu gia đình tôi cứ nghĩ là do cháu chơi đùa bất cẩn, bị ngã nên trên người cháu xuất hiện những chỗ thâm tím như vậy. Nhưng nhiều lần để ý, thấy cháu không hề ngã, người vẫn xuất hiện những vết thâm tím khắp chân, tay, mồm, miệng… nên gia đình tôi đứa cháu đi khám”, anh Tiên cho biết.

Ngoài bị xuất huyết dưới da, Phong còn có các triệu trứng khác nặng hơn như hội chứng lá lách to, hội chứng gan và nguy hiểm hơn là nôn ra máu. 

“Khi chúng tôi đưa cháu lên bệnh viện huyện, vì tình trạng bệnh của cháu nguy hiểm lên chúng tôi được giới thiệu đưa lên bệnh viện Trung ương. Tại đây, các bác sĩ đã kết luận con tôi bị ung thư máu và cần nhập viện điều trị gấp”, người cha kể lại.

chua-khoi-ung-thu-mau-4_1

Phác đồ điều trị của y học hiện đại giúp Phong chữa khỏi ung thư máu

Suốt 8 năm gia đình chị Tảo cùng các bác sĩ nhiều lần giành giật lại mạng sống của cháu Phong từ tay “thần chết”, giờ nhìn con được điều trị khỏi hoàn toàn bệnh ung thư máu, chị Tảo vẫn thấy kỳ diệu như một phép màu. Vất vả nhất là 3 năm đầu tiên đưa Phong đi điều trị tại Bệnh viện K ở cơ sở Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội). 

Chị Phương Tảo chia sẻ: “Đã nhiều lần, gia đình tôi nghĩ đến cái chết. Lúc đến viện K, được sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ, sau nhiều lần xét nghiệm máu thì bệnh tình của cháu cũng dần có tiến triển hơn. Gia đình cũng bắt đầu ổn định tinh thần lại”.

Một điều may mắn nữa là, gia đình phát hiện ra bệnh của cháu Phong khi đang còn ở những giai đoạn đầu, nên việc tích cực chữa trị cho Phong gặp nhiều thuận lợi và có hi vọng. 3 năm liền, Phong phải nhập viện điều trị liên tục. Suốt thời gian này, Phong được tiến hành điều trị bằng cách truyền hóa chất với mong muốn chữa khỏi ung thư máu.

“Gia đình tôi cũng không ngờ, Phong lại dũng cảm và rắn rỏi đến vậy. Những đợt truyền hóa chất đau đớn và mệt là vậy nhưng cháu không kêu than dù chỉ một lời. Thương nhất là những lần cháu phải chọc tủy để làm xét nghiệm, thấy con đau đớn mà vợ chồng tôi thương con đến trào nước mắt. Giá như có thể, tôi có thể gánh bệnh cho con, vì cháu còn quá nhỏ để phải chịu căn bệnh quái ác hành hạ”, anh Tiên chia sẻ. 

Trong suốt quá trình điều trị, việc chăm sóc cũng như ăn uống của Phong cũng không gặp quá nhiều khó khăn. “Cháu không phải kiêng khem gì trong ăn uống. Theo lời bác sĩ, ngoài việc vẫn cho cháu ăn chế độ bình thường, gia đình tôi luôn chú trọng chế biến cho cháu ăn thêm những món từ lươn, ếch, thịt bò, các loại rau rền đỏ… để tốt hơn cho máu rồi căn bệnh của cháu”. Cũng nhờ vậy mà Phong có sức khỏe, sức đề kháng tốt để chống chọi với căn bệnh.

Những ngày đó, có thời gian, gia đình và nhất là người thân, những người có cùng nhóm máu với Phong luôn phải túc trực để sẵn sàng truyền máu cho em. “May mắn rằng tôi cùng nhóm máu với con, nên việc truyền máu cho cháu tôi luôn sẵn sàng.

Cùng với đó là sự giúp đỡ của mọi người. Cho đến khi khỏi bệnh, con tôi đã phải truyền tới 26 bịch máu ngoài. Nếu không có sự giúp đỡ và hiến máu của người thân và mọi người, thì nguồn kinh phí mua máu đó đối với vợ chồng tôi là rất khó khăn”, anh Tiên cho biết. 

“Thật ra khi bác sĩ cho xuất viện, gia đình tôi cũng chưa dám tin con khỏi bệnh. Nhưng về nhà thấy con càng ngày càng khỏe mạnh hơn, đi khám lại lúc nào cũng thấy cháu ổn định nên gia đình cũng yên tâm”, mẹ Phong chia sẻ. 

Trở lại cuộc sống bình thường sau khi chữa khỏi ung thư máu, Phong cũng đến trường đi học như bao bạn bè khác. Niềm vui được cắp sắp đến trường cũng là một phần động lực giúp Phong thêm mạnh mẽ trong suốt quá trình điều trị. 

“Những ngày nằm viện, cứ nghe con nhắc muốn đi học rồi khóc mà vợ chồng tôi chỉ biết an ủi con, vì không biết ngày nào con được ra viện. Hiện tại, sức khỏe của cháu ổn định. Cháu vẫn tới lớp học bình thường, do từ nhỏ vừa đi học lại vừa phải đi viện điều trị, nên lực học của Phong chỉ dừng lại ở mức khá”, anh Tiên chia sẻ.

Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương, Khoa Nhi - Bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội) cho biết: “Tất cả các cháu bị mắc bệnh bạch cầu cấp khi nhập viện đều được chúng tôi áp dụng phác đồ điều trị cập nhật nhất mà thế giới hiện nay đang ưa dùng, là phác đồ CCG 1991. Bệnh bạch cầu lympho cấp là bệnh ác tính hay gặp nhất, chiếm 30 – 35% ung thư trẻ em. Và tuổi thường gặp mắc bệnh là từ 4- 6 tuổi.

Áp dụng phác đồ CCG – 1991 đạt kết quả đáp ứng hoàn toàn cao, 97% sau pha cảm ứng kéo dài 4 tuần. Phác đồ CCG – 1991 bước đầu cho kết quả đáp ứng cao, tỷ lệ sống ổn định cao, dễ áp dụng, đủ thuốc, thời gian nằm viện ngắn. Từ lúc đáp ứng hoàn toàn không bệnh thì cháu Phong đã được 8 năm. 

“Ngoài ra chúng tôi có rất nhiều cháu đã ra viện được hơn 10 năm. Đây chính là minh chứng cho thành tựu Y học hiện đại đối với bệnh ung thư. Với việc áp dụng phác đồ điều trị tiên tiến hiện nay, những trường hợp khỏi bệnh như Phong giờ không phải là hiếm, nhất là khi được phát hiện sớm thì kết quả càng khả quan”, bác sĩ Hương cho hay.

Ước mơ lớn lên làm bác sĩ sau hành trình chữa khỏi ung thư máu

Được biết trong suốt quá trình trị bệnh của mình, Phong đã nhận được sự giúp đỡ và chữa trị nhiệt tình của tập thể các bác sĩ trong bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội). Có bác sĩ cùng nhóm máu đã tình nguyện hiến máu cho Phong khi em thiếu máu. Và niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và tập thể bác sĩ khi biết bệnh tình của phong đã ổn định và được xuất viện ra về.

Chia sẻ về những kỷ niệm những ngày điều trị bệnh, Phong cho biết: “Rời viện, mà em nhớ mãi lời bác sĩ Hương nói: “Phong là một cậu bé may mắn và dũng cảm. Khi nào lấy vợ nhớ mời cô tới dự lễ cưới và chúc phúc cho em nhé”.

Những ngày tháng nằm viện, những lời động viên từ các bác sĩ giúp em rất có niềm tin để chiến đấu với bệnh tật, bởi vậy em ước mơ học tập thật tốt, để sau này lớn lên có thể làm bác sĩ. Và hơn nữa Phong ước mơ làm bác sĩ, để cứu chữa cho những người bệnh không được may mắn như mình trong suốt thời gian qua.

Thu Hoa

Tác giả: TH