Cần làm gì với tình trạng nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cần làm gì với tình trạng nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu?
Hóa xạ trị thường làm tổn thương các tế bào máu, làm thiếu hụt các tế bào bạch cầu, khiến cho mọi người dễ bị nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu. Cùng học cách nhận biết và đối phó với tác dụng phụ nguy hiểm này.

1. Nguyên nhân

Khi bị ung thư máu, tế bào máu vốn đã bất thường. Sau khi trải qua các phương pháp điều trị, các tế bào máu càng suy yếu và giảm sút hơn. Đặc biệt phương pháp hóa - xạ trị thường ức chế sản sinh các tế bào bạch cầu khỏe mạnh.

Bạch cầu lại có chức năng quan trọng trong hệ thống miễn dịch, giúp bệnh nhân phòng tránh khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus và nấm. Chính vì vậy, sự thiếu hụt bạch cầu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu hơn.

Nếu bệnh nhân được điều trị qua đường tiêm tĩnh mạch thì thông thường, bác sĩ sẽ tạo một đường trung tâm, gắn đầu kim cố định trên da để tránh việc chọc kim lặp đi lặp lại khiến bệnh nhân đau đớn và khó chịu.

Mặc dù được vệ sinh thường xuyên và kỹ lưỡng, nhưng vị trí đặt kim và đường trung tâm có thể là nguồn lây nhiễm phổ biến, gây ra các triệu chứng nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu.

2. Nhận biết 

Nhiễm trùng thường gặp ở những bệnh nhân tiếp nhận điều trị bằng hóa trị và xạ trị. Các loại nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu bao gồm: cúm, viêm phổi, nhiễm trùng máu, bệnh zona,....

Các dấu hiệu của nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu thường bao gồm:

- Sốt.

- Phát ban.

- Áp xe ở chân.

- Tiêu chảy.

- Khó thở, đau ngực, đau lưng (đối với nhiễm trùng dạng viêm phổi).

- Lở loét miệng.

3. Đối phó với nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu

Mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu ở mỗi bệnh nhân khác nhau là khác nhau. Một số người chỉ cần vệ sinh sạch sẽ để đẩy lùi nhiễm trùng, trong khi số khác cần đến thuốc kháng sinh. Đôi khi, nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ cần phải làm xét nghiệm để xác định chính xác loại vi trùng gây nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu. Sau đó, thuốc kháng sinh (có thể là thuốc chống vi khuẩn, chống vi rút, chống nấm hoặc chống nguyên sinh) được chỉ định cho bệnh nhân sử dụng. Tùy vào tình trạng mà bệnh nhân có thể dùng thuốc tại nhà dưới dạng uống, hoặc cần ở bệnh viện để bác sĩ tiêm/truyền và theo dõi. 

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm thuốc gọi là CSFs để kích thích tăng số lượng bạch cầu, giúp cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng tốt hơn.

Mỗi loại nhiễm trùng sẽ được điều trị bằng các loại thuốc khác nhau và trong khoảng thời gian khác nhau. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc y tá của bạn.

4. Ngăn ngừa

- Vệ sinh thân thể và môi trường sống sạch sẽ.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. có thể mang theo dung dịch khử trùng để làm sạch tay khi ra ngoài.

- Sử dụng khăn ướt để làm sạch các bề mặt và những thứ bạn chạm vào, chẳng hạn như tay nắm cửa, ATM hoặc bàn phím thẻ tín dụng và bất kỳ vật dụng nào được người khác sử dụng.

- Tránh xa những người bị sốt, cúm hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Hạn chế đến những nơi đông người.

- Nên tiêm phòng cúm để tránh nguy cơ mắc bệnh. Khuyến khích các thành viên khác trong gia đình cùng tiêm phòng.

- Nên ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm tươi mới và có nguồn gốc rõ ràng.

- Nếu tình trạng của bệnh nhân quá yếu, hệ miễn dịch quá kém, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngăn ngừa nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu. Các loại thuốc đó thường là thuống kháng sinh dự phòng, hoặc thuốc tăng trưởng kích thích các tế bào máu phát triển.

Nhiễm trùng sau điều trị ung thư máu là tác dụng phụ phổ biến, có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần hết sức lưu ý, nhận biết triệu chứng sớm, liên hệ với bác sĩ kịp thời.

Nguồn tham khảo: http://www.healthtalk.org/peoples-experiences/cancer/leukaemia/infections-and-other-treatment-complications


Tác giả: Mai Nhung