Người bị gout có nên ăn đồ chua không?

Tham vấn chuyên môn:
Người bị gout có nên ăn đồ chua không?
Bị bệnh gout có nên ăn đồ chua không? Ăn gì tốt cho người bệnh gout đó là thắc mắc của nhiều người trong thời đại "căn bệnh nhà giàu, vua chúa" ngày càng phổ biến này. Bạn muốn tìm câu trả lời thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây.

Bị bệnh gout, ngoài việc phải chịu đựng những cơn đau gout cấp khủng khiếp thì người bệnh còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. Ngoài chế độ ăn ít đạm, purine thì người bị bệnh gout có cần kiêng đồ chua không? ăn gì tốt cho người bệnh gout đó là thắc mắc của độc giả gửi đến chúng tôi thời gian qua.

1. Bị bệnh gout có nên ăn đồ chua không?

Hỏi: Tôi bị bệnh gout, đang điều trị. Xin hỏi bệnh này phải kiêng ăn những gì, có ăn đồ chua được không?

Hữu Tuấn (iphon4s@...)

Trả lời: (PGS.TS.BS Nguyễn Văn Quýnh, thầy thuốc nhân dân, nguyên trưởng khoa nội cán bộ A1, bệnh viện Trung ương quân đội 108):Ở bệnh nhân gút, người ta đưa ra "bốn không" trong chế độ điều trị là:

- Không ăn thức ăn giàu nhân purin

- Không sử dụng thức uống có cồn và chất kích thích

- Không quên uống nhiều nước

- Không dùng các thuốc làm tăng axit uric. Bạn không nên dùng đồ chua vì đồ chua thường làm toan hoá nước tiểu, tăng khả năng lắng đọng ở thận và hạn chế việc đào thải axit uric.

2. Ăn gì tốt cho người bị bệnh gout?

- Ăn gì tốt cho người bị bệnh gout? Người bị bệnh gout nên ăn nhiều thực phẩm có carbohydrat cao như bánh mỳ, ngũ cốc, gạo, mì. Các loại thức ăn này có thể làm giảm nồng độ acid uric trong nước tiểu, huyết thanh và tăng khả năng hòa tan acid uric trong nước tiểu.

- Nên cung cấp đủ lượng vitamin B và vitamin C, ăn nhiều các thức ăn kiềm tính như rau xanh, hoa quả. Mỗi ngày bệnh nhân gout nên ăn khoảng 1000g rau xanh, 4-5 quả các loại nhưng nên tránh các loại quả chua, dưa muối, các loại nấm, măng, giá đỗ trong thực đơn bởi chúng có thể làm tăng tốc độ tổng hợp acid uric trong cơ thể.

- Khi chế biến nên ưu tiên các món hấp, luộc, hạn chế tối đa các món ăn chiên, xào. Tránh các gia vị như ớt, hạt tiêu,… bởi chúng có thể gây hưng phấn thần kinh tự chủ làm tái phát bệnh gout cấp tính.

- Uống ít nhất 8 cốc chất lỏng mỗi ngày, trong đó ít nhất một nửa là nước. Nước có tác dụng hạn chế sự ứ đọng của tinh thể urat trong thận. Nên uống nước khoáng không ga có độ kiềm cao để đào thải acid uric.

- Ngoài lưu ý về thực đơn, những người bị bệnh gout nên chú ý đến chế độ sinh hoạt, vận động hàng ngày. Nên vận động thường xuyên, vừa sức với các động tác nhẹ nhàng. Bệnh nhân có thể chơi một số môn thể thao như cầu lông, bơi lội, chạy bộ. Tuy nhiên, khi bị các cơn gout cấp tấn công thì tốt nhất không nên vận động mạnh.

- Chú ý tránh làm việc nặng, quá sức, luôn giữ ấm cơ thể, tránh để lạnh; giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng.

- Người bị bệnh gout nên thực hiện ăn uống lành mạnh theo thực đơn, tránh những thực phẩm có nguy cơ tái phát bệnh.


Tác giả: Lan Dương