Acid uric là một chất thải trong cơ thể. Đôi khi, acid uric có thể tích tụ trong các khớp và mô, gây ra một loạt vấn đề về sức khỏe.
Trong hầu hết các trường hợp, nồng độ acid uric cao trong máu, được gọi là tăng acid uric máu, không gây ra triệu chứng và chỉ được xác định khi xét nghiệm máu. Nồng độ acid uric được coi là có khi giá trị vượt quá 7mg/dL ở nam giới và 6mg/dL ở nữ giới.
Hầu hết các triệu chứng acid uric cao xuất hiện là dấu hiệu của các bệnh như bệnh gút hoặc sỏi thận. Chúng có thể xuất hiện do sự tích tụ acid uric trong máu hoặc sự giảm đào thải acid uric qua thận.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo acid uric trong máu của bạn cao và có thể bạn đang gặp tình trạng sức khoẻ liên quan.
- Đau khớp và sưng tấy
Đau và sưng khớp là các triệu chứng phổ biến của bệnh gút, có thể xuất hiện khi acid uric dư thừa trong máu lắng đọng ở khớp dưới dạng tinh thể. Những tinh thể này có thể khiến khớp bị viêm và gây ra các triệu chứng đau và sưng tây ở ngón chân hoặc các ngón tay. Cơn đau thường rất dữ dội và có thể hạn chế khả năng vận động và các hoạt động hàng ngày.
Đọc thêm:
+ Các tiêu chí chẩn đoán gout: Có phải cứ tăng acid uric máu là bị bệnh gout?
+ Thuốc hạ acid uric trong máu được FDA thông qua hiện nay (Phần 1)
- Xuất hiện các cục cứng nhỏ trên khớp
Một triệu chứng khác của acid uric cao là sự hình thành những cục cứng nhỏ trên khớp. Những cục này, được gọi là các hạt tophi, phát triển khi tinh thể acid uric lắng đọng trong các mô mềm. Các cục nhỏ này có thể cứng và đau khi chạm vào.
- Khó cử động ở khớp bị ảnh hưởng
Mức acid uric cao cũng có thể gây khó khăn trong việc cử động, di chuyển khớp bị ảnh hưởng. Điều này có thể do đau, cứng khớp, hoặc sưng. Bạn có thể thấy việc thực hiện những công việc đơn giản như đi lại, cúi người, hoặc nắm vật thể cũng trở nên khó khăn.
- Da mẩn đỏ
Da mẩn đỏ là một triệu chứng dễ nhận biết khi mức acid uric cao. Khu vực bị ảnh hưởng có thể trở nên đỏ, ấm khi chạm vào và nhạy cảm. Da mẩn đỏ thường gặp trong bệnh gout, tình trạng này xảy ra là bởi vì viêm do tích tụ của tinh thể acid uric trong khớp.
- Đau lưng dưới dữ dội
Đau dữ dội ở lưng dưới có thể xuất hiện khi tinh thể acid uric tích tụ trong thận, gây cơn đau ở thận và ảnh hưởng đến lưng dưới hoặc một bên của cơ thể.
Nói chung, cơn đau này xuất hiện khi các tinh thể rất lớn và bị mắc kẹt trong thận hoặc khi chúng rời khỏi thận và bắt đầu đi xuống niệu quản hoặc bàng quang.
Cơn đau này thường được mô tả là tương tự như cơn đau khi chuyển dạ và cũng có thể gây khó khăn cho việc di chuyển cơ thể.
- Đau thận dữ dội
Cơn đau quặn thận có thể xảy ra một cách dữ dội đến rồi đi, kéo dài khoảng 20 đến 60 phút. Tình trạng này thường xuất hiện khi viên sỏi hình thành do acid uric dư thừa bị mắc kẹt hoặc chặn một phần nào đó của đường tiết niệu, chẳng hạn như thận, niệu quản hoặc bàng quang.
- Buồn nôn và nôn
Sỏi thận hình thành do dư thừa acid uric có thể gây buồn nôn và nôn, đây là một triệu chứng rất phổ biến. Điều này xảy ra do sự kích thích của dây thần kinh nội tạng, một dây thần kinh được chia sẻ bởi màng lót của thận và dạ dày.
- Đau hoặc rát khi đi tiểu
Đau hoặc rát khi đi tiểu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, nguyên nhân có thể là do sự di chuyển của sỏi acid uric trong niệu đạo để đào thải qua nước tiểu hoặc do chặn đường đi của nước tiểu. Ngoài ra, bạn có thể gặp thêm các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
Khi sỏi acid uric trong thận di chuyển, chúng có thể gây tổn thương cho các tế bào lót đường tiết niệu, dẫn đến xuất hiện một lượng nhỏ máu trong nước tiểu. Tuy nhiên, triệu chứng này nhìn chung liên quan nhiều hơn đến sỏi đi qua niệu đạo được đào thải qua nước tiểu hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Sốt hoặc ớn lạnh
Sốt hoặc ớn lạnh cũng có thể xuất hiện như một dấu hiệu của nhiễm trùng thận do sự hiện diện của sỏi acid uric trong thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm acid uric, giảm nguy cơ mắc bệnh gút hoặc thận. Những người bị bệnh gút cũng có thể áp dụng các biện pháp này:
- Hạn chế thực phẩm giàu purine
Quá trình chuyển hóa thực phẩm giàu purine khiến cơ thể sản sinh ra lượng acid uric dư thừa, có thể dẫn đến bệnh gút hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng có sẵn. Vì vậy, khi có nồng độ acid uric cao, bạn nên hạn chế những loại thực phẩm này.
Các thực phẩm có hàm lượng purine cao như thịt xông khói, nội tạng, thực phẩm và đồ uống có đường, một số loại hải sản (cá hồi, cá ngừ, cá tuyết chấm đen, cá mòi),... Thực phẩm có hàm lượng purine vừa phải như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, vịt, động vật có vỏ,...
Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, những loại rau có hàm lượng purin cao, chẳng hạn như như măng tây, rau bina và súp lơ không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric hoặc làm tăng nguy cơ bị bệnh gút tấn công. Vì vậy, những người bị gút hoặc có hàm lượng acid uric cao vẫn có thể bổ sung những thực phẩm này.
- Duy trì cân nặng vừa phải
Duy trì cân nặng vừa phải có thể giúp giảm nồng độ acid uric trong máu và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Các chuyên gia khuyên mọi người nên tập trung vào việc thực hiện những thay đổi lâu dài, bền vững để kiểm soát cân nặng của mình, chẳng hạn như trở nên năng động hơn, ăn uống cân bằng và lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và lành mạnh.
- Tránh rượu và đồ uống có đường
Tiêu thụ nhiều rượu và đồ uống có đường, chẳng hạn như soda và nước trái cây có đường có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh gút.
Rượu và đồ uống ngọt cũng bổ sung lượng calo không cần thiết vào chế độ ăn, có khả năng gây tăng cân và các vấn đề về trao đổi chất, dẫn đến tăng nồng độ acid uric.
- Bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C
Trong một đánh giá năm 2021, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy mối liên hệ tích cực giữa lượng vitamin C hấp thụ và nồng độ acid uric trong máu. Tuy nhiên, trong khi ghi nhận tác dụng này, họ cũng tuyên bố rằng không có nghiên cứu nào tìm thấy bằng chứng thuyết phục rằng vitamin C có thể ngăn ngừa hoặc giảm các cơn gút.
Nhưng vitamin C là loại vitamin "vàng" đối với cơ thể, có nhiều lợi ích như chống viêm, tăng cường miễn dịch,... Vì vậy, bạn vẫn nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày như trái cây họ cam quýt, ớt chuông,...
- Bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ
Một chế độ ăn nhiều chất xơ có thể giúp giảm nồng độ acid uric trong máu. Mọi người có thể tìm thấy chất xơ trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm: các loại ngũ cốc, trái cây, rau.
- Tránh dùng thuốc làm tăng nồng độ acid uric
Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric. Bao gồm các:
+ Thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như furosemide (Lasix) và hydrochlorothiazide
+ Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch
+ Aspirin liều thấp
Điều quan trọng là liên hệ với bác sĩ trước khi dừng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào.
Ngoài các biện pháp tự nhiên trên, nếu thông qua xét nghiệm, nồng độ acid uric của bạn quá cao và bạn xuất hiện các triệu chứng thì cần điều trị thêm các chỉ định từ bác sĩ. Chẳng hạn, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc chống viêm hoặc corticosteroid để giảm đau hoặc sưng khớp hoặc thuốc để giảm nồng độ acid uric. trong máu.
Nguồn tham khảo:
1. High Uric Acid Symptoms: 10 Common Signs
2. How to lower uric acid levels naturally and manage gout