Gout là một loại viêm khớp, xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu cao khiến các tinh thể hình thành và tích tụ trong và xung quanh khớp. Các triệu chứng của bệnh như đau cấp tính, nóng, đỏ và sưng.
Những người có triệu chứng gout khởi phát trước 30 tuổi và có nồng độ uric máu nền 9.0 mg/dL (> 0,5 mmol/L) thường nghiêm trọng hơn.
Nếu người bệnh không duy trì chế độ ăn uống cân đối, lối sống khoa học có thể làm tái phát hoặc khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt, vào dịp cuối năm, các sự kiện, tiệc tùng diễn ra thường xuyên.
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến người bị gout, một số loại thực phẩm có thể kích hoạt cơn đau bằng cách làm tăng nồng độ axit uric.
Theo các chuyên gia, ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều purin có thể khiến axit uric tích tụ và gây ra cơn gout cấp. Những thực phẩm chứa một lượng purin cao như thịt đỏ, nội tạng, hải sản, rượu bia…
Mà trong các buổi tiệc tùng cuối năm, các món ăn được chế biến từ thịt đỏ, hải sản… được ưa chuộng, chẳng hạn như lẩu, nướng... Thêm nữa, rượu, bia là những đồ uống không thể thiếu trong các buổi tiệc này. Trong khi đó, rượu làm tăng chuyển hóa purin ở gan và làm tăng hình thành axit lactic, chất ngăn cản sự bài tiết urat (axit uric) bởi các ống thận, dẫn tới tình trạng tăng axit uric.
Đọc thêm:
- Dấu hiệu cơn đau gout cấp tính và cách điều trị giảm đau
- Làm thế nào để phòng tránh những biến chứng của bệnh gout?
Ngoài ra, đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và các cơn gout cấp, mặc dù chúng không giàu purin. Các loại đồ uống này cũng được rất nhiều người lựa chọn trong các bữa tiệc như coca, nước ép có nhiều đường, …
Bằng một số biện pháp sau, những người bị bệnh gout vẫn có thể tham dự các buổi tiệc và hạn chế sự ảnh hưởng của chế độ ăn uống đến tình hình sức khỏe, cụ thể:
- Hạn chế những thực phẩm có lượng purin cao như thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn), hải sản (tôm, cua, ghẹ…). Các bạn vẫn có thể ăn những thực phẩm này nhưng lưu ý ăn với lượng vừa phải. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý, những loại rau có hàm lượng purin cao, chẳng hạn như như măng tây, rau bina và súp lơ không ảnh hưởng đến nồng độ axit uric hoặc làm tăng nguy cơ bị bệnh gout tấn công. Vì vậy, những người bị gout vẫn có thể bổ sung những thực phẩm này.
Bên cạnh đó, các bạn có thể lựa chọn những thực phẩm ít purin trong các bữa tiệc như trái cây họ cam quýt, rau, các loại đậu, các loại hạt, trứng, sản phẩm từ bơ sữa…
- Hạn chế những thực phẩm có hàm lượng đường cao như nước ngọt, nước ép trái cây nhiều đường, bánh mì ngọt, bánh quy…
- Uống nhiều nước lọc để giúp thận lọc axit uric trong máu tốt hơn.
- Tránh xa rượu, bia vì khi uống rượu, bia, cơ thể sẽ ưu tiên việc đào thải các loại nước uống này thay vì axit uric, từ đó khiến axit uric tích tụ và hình thành tinh thể. Thay vào đó, các bạn có thể uống nước lọc hoặc trà để thay thế.
- Nên ưu tiên những món luộc, hấp thay vì những món chiên, xào.
Ngoài chế độ ăn uống, người bị gout có thể áp dụng thêm một số biện pháp khác để ngăn ngừa và kiểm soát các triệu chứng:
- Giữ cân nặng hợp lý: Cân nặng được cho là có liên quan và làm tăng nguy cơ, khiến bệnh gout trầm trọng hơn. Vì trọng lượng dư thừa có thể dẫn tới tình trạng kháng insulin. Khi này, cơ thể không thể sử dụng insulin đúng cách để loại bỏ đường khỏi máu, thúc đẩy nồng độ axit uric tăng cao.
Do đó, người bị gout nên kiểm soát cân nặng phù hợp, với những trường hợp béo phì nên có chế độ giảm cân.
- Tập thể dục đều đặn: giúp duy trì cân nặng hợp lý và làm giảm nồng độ axit uric. Theo một nghiên cứu trên 228 người đàn ông cho thấy những người chạy hơn 8 km mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gout thấp hơn 50%.
Người bị gout có thể thực hiện các bài tập giãn cơ, đi bộ, yoga, bơi lội, aerobic…
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng khiến nồng độ axit uric tăng cao. Do đó, mọi người nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ hoặc lựa chọn các bài tập như yoga, thiền…
Có thể nói, gout là căn bệnh phổ biến nhiều người gặp phải, chế độ ăn uống là một trong những biện pháp kiểm soát bệnh hiệu quả. Ngoài ra, người bệnh nên tuân thủ những loại thuốc được bác sĩ chỉ định để ngăn ngừa các cơn bộc phát tái phát.
Lưu ý, việc chẩn đoán và điều trị sớm ở những người bị gout có thể giúp người bệnh có cuộc sống bình thường. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, mọi người nên đến bệnh viện thăm khám sớm và có hướng điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo:
1. Best Diet for Gout: What to Eat, What to Avoid