Phân biệt bệnh gout và bệnh giả gout

Tham vấn chuyên môn:
Phân biệt bệnh gout và bệnh giả gout
Với những cơn đau dễ bị hiểu lầm là triệu chứng bệnh khớp thông thường, bệnh gout rất dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh xương khớp khác. Bệnh gout và giả gout có những điểm giống và khác nhau như thế nào?

Bệnh gout và bệnh giả gout là bệnh lý do ứ đọng tinh thể muối tại khớp và mô liên kết. Đây đều là hai bệnh có những biểu hiện lâm sàng giống nhau, dễ bị chẩn đoán nhầm với các hội chứng viêm hoặc thoái hóa khớp. Bệnh gout và giả gout nghe có vẻ giống nhau tuy nhiên nguyên nhân và cách điều trị cũng hoàn toàn khác nhau. 

Để phân biệt bệnh gout và giả gout, cần căn cứ vào một số yếu tố:

- Tinh thể gây viêm khớp

- Nguyên nhân gây bệnh

- Dấu hiệu của từng thể bệnh

- Tính chất của các cơn đau

1. Tinh thể gây viêm khớp

Bệnh gout là căn bệnh do rối loạn chuyển hóa chất purin, làm tăng cao lượng acid uric trong máu, gây lắng đọng thành tinh thể urat, hình kim tại khớp và các mô mềm.

Trong khi đó, bệnh giả gout hay còn gọi là bệnh vôi hóa do lắng đọng tinh thể muối calcium pyrophosphate dihydrate tại các khớp. Khác với bệnh gout là tinh thể hình kim, bệnh giả gout với tinh thể muối calcium có hình thoi.

Do vậy dể chẩn đoán bệnh gout, ngoài xét nghiệm acid uric trong máu, bệnh nhân cần thực hiện thêm một số xét nghiệm lâm sàng khác như soi kính hiển vi tinh thể gây viêm khớp...

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh Gout là do rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Bệnh gout có mối quan hệ mật thiết đến chế độ ăn uống. Nhữn người thường xuyên tiêu thụ thịt đỏ, đạm động vật, nội tạng động vật, rượu bia nhiều, nguy cơ mắc bệnh gout càng cao. 

Mặt khác, bệnh giả gout lại là do lắng đọng muối canxi tại khớp. Bệnh thường phối hợp với một bệnh khác như: nhiễm sắc tố sắt, cường cận giáp trạng, nhiễm sắc tố ochronose, đái tháo đường, thiểu năng giáp trạng, bệnh Wilso. Khi mắc bệnh giả gout, bệnh nhân không cần chế độ ăn nghiêm ngặt như bệnh gout. 

3. Dấu hiệu nhận biết

Mặc dù bệnh gout và bệnh giả gout có một số triệu chứng giống nhau và cơn đau dữ dội tuy nhiên vẫn có những dấu hiệu lâm sàng khác nhau:

- Bệnh gout thường khởi phát ở các ngón khớp cái (75% các trường hợp). Ngoài ra, cũng có biểu hiện ở mu bàn chân, cổ gân, gót chân, đầu gối, cẳng tay và khuỷu tay. Thường gặp ở nam giới độ tuổi trung niên, phụ nữ ít gặp hơn nhưng nguy cơ cao sau tuổi tiền mãn kinh.

- Bệnh gout thường khởi phát ngón chân cái trong khi đó giả gout hay gặp ở khớp gối và khớp lớn, khớp ngón tay, ngón chân, gây viêm khớp gối. 

- Bệnh gặp đồng thời ở nam giới và nữ giới, người trên 65 tuổi. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh tăng.

 - Cơn đau gout cấp tính thường xảy ra ở buổi đêm, đột ngột và sưng đau dữ dội trong khoảng 12-24 giờ. Bệnh giả gout đau từ từ, đau trong nhiều ngày, đau âm ỉ và mức độ trầm trọng cũng ít hơn so với cơn gout cấp. 

Bệnh gout gây lắng đọng acid uric dưới da và hình thành các hạt tophi, trong khi bệnh giả gout không tạo hạt tophi.

4. Điều trị

Nguyên tắc điều trị bệnh gout là hạ acid uric trong máu và thực hiện chế độ ăn uống, kiêng khem nghiêm ngặt. Bởi bệnh gout và giả gout khác nhau do vậy cách điều trị cũng sẽ khác nhau.  Điều trị giảm đau trong cơn gout cấp tính thường dùng colchicine và các thuốc giảm đau NSAID. Colchicine đáp ứng tốt với bệnh nhân gout và thường giảm đau nhanh. 

Trong khi đó bệnh giả gout thường đáp ứng kém hơn với colchicine và thường được điều trị bằng thuốc giảm đau NSAID và corticoid.

Bệnh gout và giả gout đều hai căn bệnh không chừa bất kỳ một đối tượng nào, do vậy cần thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, hạn chế các thực phẩm giàu đạm, nội tạng động vật và bia rượu. Người bước sang giai đoạn trung niên cần chú ý chăm sóc xương khớp, hạn chế vận động mạnh, gây tổn thương các khớp, thực hiện khám sức khỏe định kỳ để phát hiện kịp thời các vấn đề sức khỏe. 



Tác giả: TMH