Bên cạnh việc đem lại những lợi ích sức khoẻ nếu uống ở mức vừa phải như tốt cho tim mạch, giảm nguy cơ bị đái tháo đường hay sỏi thận thì thói quen uống bia mùa hè có thể gây những tác động tiêu cực nếu như uống không đúng cách.
ThS. Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, không ít người có quan niệm về việc uống bia mùa hè là để giải khát, giải nhiệt nhất là những ngày nắng nóng cao. Theo ông đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Ông Bảo cho biết, tác hại của bia không phụ thuộc vào nồng độ cồn mà bạn hấp thụ vào cơ thể bao nhiêu chứ không phụ thuộc vào việc bạn uống loại bia gì, bằng hình thức nào.
Cụ thể, theo ông: "Cứ uống 330 ml bia hơi với độ cồn 4%, nghĩa là cơ thể đã nạp 10 gram cồn. Số lượng cồn này cũng tương tự uống 1 ly rượu vang 13,5 độ hay tương tự như khi uống 1 chén rượu mạnh (30 ml). Rõ ràng không có ngoại lệ nào quy định về tiếp thụ rượu, bia trên các loại hình đồ uống... Uống bia không thể giải được nhiệt, uống bia vào sẽ khiến cơ thể bốc hỏa…".
Cùng quan điểm uống bia mùa hè không phải để giải khát với ông Bảo, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cũng cho biết: "Đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu, bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng)".
Theo bà Hạnh, ngưỡng an toàn khi uống bia là không có. Nếu bạn uống bia vượt quá mức cho phép có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư vòm họng, ung thư vú, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày,... Ngoài ra uống bia quá độ cũng có thể gây ra các rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường, mỡ máu huyết áp.
Theo TS Heather Mangieri, phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng Mỹ cho biết, trong rượu bia thực chất là chất gây lợi tiểu, khi uống quá nhiều nó khiến bạn đi tiểu liên tục dẫn tới nguy cơ bị mất nước cao. Đặc biệt là thói quen uống bia mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt vốn dĩ đã tăng nguy cơ bị mất nước rồi.
Do vậy, việc uống bia mùa hè thực chất không phải là thói quen giải khát hay giải nhiệt mà nó còn khiến bạn "bốc hoả" hơn và có nguy cơ đối mặt với các vấn đề tiêu cực tới sức khoẻ nếu uống quá nhiều.
Dưới đây là một số cấm kỵ cho người uống bia cần lưu ý:
- Không dùng bia để xoa dịu cơn khát, cơn nóng
Như đã nói ở trên, việc uống bia mùa hè, đặc biệt là bia lạnh có thể giúp bạn cảm nhận ngay sự mát mẻ mà nó đem lại nhưng sau khi đi vào cơ thể, chất cồn trong bia kích thích sự tiết ra hormone của tuyến thượng thận, từ đó khiến tim đập nhanh hơn, mạch máu bị giãn nở gia tăng quá trình bốc hơi nước gây ra cảm giác khô miệng.
Ngoài ra bia là chất gây lợi tiểu nên cũng khiến cơ thể nhanh chóng mất nước hơn.
- Uống bia cùng đồ nướng
Các thực phẩm được sử dụng để nướng thường là hải sản, thịt động vật hoặc nội tạng động vật. Khi kết hợp với bia - loại đồ uống gây cuyển hoá purine cao - sẽ thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh gout.
Bên cạnh đó đồ nướng có thể sản sinh ra các benzopyrene có thể gây ra ung thư ví dụ như acid nucleic có trong thịt gây đột biến gen. Mặt khác, bia một khi được đưa vào cơ thể sẽ khiến chất nhầy tại niêm mạc dạ dày bị hoà tan làm cho protein dễ dàng hấp thụ hơn, nguy cơ ung thư cũng sẽ cao hơn.
- Uống bia quá lạnh
Uống bia mùa hè thường được ưu tiên là bia lạnh. Tuy nhiên nếu bạn uống bia để ở nhiệt độ quá thấp lại có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Nguyên nhân là do nhiệt độ của bia là suy giảm đột ngột nhiệt độ cơ thể của người uống, gây rối loạn tiêu hoá, co thắt bụng hay tiêu chảy. Nặng hơn còn có thể gặp vấn đề về tăng nhãn áp hay kích thích mạnh tuyến tuỵ gây chứng viêm tuỵ cấp tính.
Hơn nữa bia để quá lạnh cũng khiến thành phần dinh dưỡng trong bia bị phân rã hết.
- Uống quá nhiều
Như đã nói ở trên, việc uống bia quá nhiều gây ra rất nhiều hệ luỵ xấu cho sức khoẻ, tổn thương cơ quan nội tạng như gan, thận, tim, dạ dày,... Vì thế nếu như trong suốt mùa hè ngày nào bạn cũng uống bia quá nhiều sẽ khiến sức khoẻ bị suy giảm.