TS. Nguyễn Anh Tuấn: "Với đột quỵ, mỗi giây đều quý như vàng"

TS. Nguyễn Anh Tuấn: "Với đột quỵ, mỗi giây đều quý như vàng"
Để rõ hơn về bệnh lý này, đặc biệt là những dấu hiệu nhận biết để đưa bệnh nhân đến các trung tâm đột quỵ trong "thời gian vàng", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Nội Hồi Sức thần kinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Nhiệt độ giảm mạnh, có nơi rét đậm, rét hại trong những ngày gần đây làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Đặc biệt đối với người cao tuổi, nguy cơ đột quỵ sẽ gia tăng mạnh. Đáng lưu ý nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về bệnh lý nguy hiểm này và vẫn có những cách sai cứu sai lầm, làm mất đi "thời gian vàng" can thiệp cho bệnh nhân.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Nội Hồi Sức thần kinh –  Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, với bệnh nhân bị đột quỵ, mỗi giây đều quý như vàng. Các chuyên gia cho biết, những người sớm hơn sẽ có kết quả tốt hơn, thậm chí có thể trở lại gần như bình thường.

Vậy, làm thế nào để phát hiện sớm và đưa người bệnh đi cấp cứu trong thời gian vàng, và cần giúp bệnh nhân đột quỵ phục hồi chức năng như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Nội Hồi Sức thần kinh –  Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. 

Đột quỵ tăng cao khi trời giá rét, bác sĩ cảnh báo những sai lầm cần tránh - Ảnh 1.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn. (Ảnh: BS cung cấp)

PV: Xin BS cho biết đột quỵ não là gì và dấu hiệu để có thể nhận biết sớm bệnh nhân đột quỵ não?

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một dạng bệnh lý của mạch máu não. Bệnh lý này thường xảy ra đột ngột và gây nên các triệu chứng về thần kinh, có thể biểu hiện các mức độ khác nhau từ nhẹ như nói khó, tê bì chân tay đến mức độ nặng hơn như hôn mê, liệt các dây thần kinh sọ thậm chí tử vong.

Biểu hiện đột quỵ thực ra rất đơn giản, người dân có thể nhận biết được. Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:

F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi.

A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.

 S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.

T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán ngay.

PV: Khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ tại nhà cần phải làm gì thưa BS?

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn:  Như tôi đã nói ở trên, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ cần liên hệ tới cơ sở y tế gần nhất để bệnh nhân được thăm khám một cách kỹ lưỡng và can thiệp kịp thời. Bởi vì, đối với đột quỵ thời gian là yếu tố quyết định, càng đưa bệnh nhân đến sớm bao nhiêu thì cơ hội để bệnh nhân phục hồi cũng như tránh được các biến chứng, nguy cơ lại càng tốt bấy nhiêu.

PV: Những sai lầm gì thường gặp phải khi sơ cứu cho bệnh nhân?

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Nói thực, tôi đã gặp rất nhiều bệnh nhân sai lầm trong xử trí đột quỵ. Có hai sai lầm mà người dân hay mắc phải đó là:

Thứ nhất: Trên các trang mạng xã hội và các kênh không chính thức thì rất nhiều người tư vấn phương pháp xử lý sai lầm như như uống An cung, trích đầu ngón tay... Những phương pháp này đều chưa được chứng minh là có hiệu quả.

Hội Đột quỵ Thế giới cũng như Hội Đột quỵ Việt Nam đều khuyến cáo là phải điều trị một cách nhanh nhất bằng các phương tiện theo y học hiện đại như tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch thậm chí trường hợp nặng phải phẫu thuật.

Thứ hai, nhiều người vẫn nghĩ đột quỵ là bệnh lý nhẹ vì người ta thấy những biểu hiện ban đầu rất nhẹ như yếu nhẹ tay, hoặc hơi nói khó một chút hoặc thấy chóng mặt. Những biểu hiện thoáng qua khiến nhiều người nghĩ nó không phải bệnh nguy hiểm nên nằm ở nhà và tự theo dõi. Ví thế khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã qua mất "thời gian vàng" có thể can thiệp gần như phục hồi hoàn toàn cho bệnh nhân. Nếu bị lỡ thời gian vàng khi bệnh nhân đến thì chúng tôi cũng không làm được gì nhiều.

PV: Thời gian gần đây, Bác sĩ đã gặp tình trạng nào sai lầm trong sơ cứu đột quỵ khiến tình trạng bệnh nhân nặng hơn?

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Gần đây chúng tôi có đón tiếp 1 bệnh nhân gần 60 tuổi có bệnh lý nền như đái tháo đường và tăng huyết áp hiện đang uống thuốc. Bệnh nhân đã có tiền sử tai biến. Khi người nhà thấy bệnh nhân có các hiện như yếu dần đi nhưng lại chủ quan cho rằng không có vấn đề gì nghiêm trọng.

Nhưng sau đó, triệu chứng ngày càng nặng dần lên và khi đến với chúng tôi thì chụp phim thấy tắc hoàn toàn một nhánh của động mạnh não giữa. Tình trạng lúc đấy rất nặng, các phương pháp điều trị nội khoa. Tiêu sợi huyết không thể áp dụng được nữa, lỡ mất cơ hội để can thiệp kịp thời, bệnh nhân diễn biến rất xấu và để lại di chứng nặng nề.

TS. Nguyễn Anh Tuấn: "Với đột quỵ, mỗi giây đều quý như vàng" - Ảnh 3.

TS Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra phim chụp của một bệnh nhân mắc đột quỵ. (Ảnh: BS cung cấp)

PV: Bác sĩ có thể cho biết, đối với bệnh nhân đột quỵ thì nguy cơ tái phát như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn: Nguy cơ tái phát của đột quỵ cao gấp nhiều lần so với người bình thường, nhất là trong những tháng đầu tiên và năm đầu tiên thì nguy cơ tái phát rất cao. Vì vậy khi bệnh nhân mắc đột quỵ rồi thì chúng ta phải theo dõi hết sức chặt chẽ, tầm soát các yếu tố nguy cơ, điều trị các yếu tố nguy cơ, sai đó dự phòng tái phát.

PV: Thưa Bác sĩ! Mọi người vẫn hay nhắc đến thời gian vàng trong việc cấp cứu đột quỵ não. Bác sĩ có thể giải thích rõ về điều này?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Đột quỵ có hai dạng là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ chảy máu não.

- Đối với đột quỵ nhồi máu não: mạch máu bị tắc lại có thể do tại chỗ hoặc do huyết khối từ nơi khác đưa đến gây tắc mạch.

Phương pháp điều trị có thể dùng tiêu sợi huyết, dùng các thuốc làm tan cục máu đông.

Thời gian điều trị tiêu sợi huyết vào khoảng 4 tiếng rưỡi. Hoặc dùng phương pháp can thiệp nội mạch: dùng dụng cụ luồn trong mạch máu để kéo lấy huyết khối ra ngoài làm tái thông mạch. Thời gian cho phương pháp can thiệp nội mạch khoảng 6 tiếng. Một số nghiên cứu gần gây, người ta có thể mở rộng thời gian can thiệp nội mạch dài hơn, tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ có các chỉ định khác nhau.

Như vậy chúng ta có 4 tiếng rưỡi để làm mọi việc từ chẩn đoán đến việc dùng thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Tất cả phải làm rất nhanh. Tỷ lệ được điều trị tiêu sợi huyết ở các nước khác nhau tùy thuộc vào trình độ y tế cũng như hiểu biết của người dân.

Ở Việt Nam còn khá thấp, ở các nước như châu Âu, Mỹ và một số nước phát triển khác thì tỷ lệ này cao hơn. Nguyên nhân là các trung tâm điều trị đột quỵ có năng lực điều trị tiêu sợi huyết ở Việt Nam còn ít (tại Hà Nội hiện có khoảng hơn 10 đơn vị). Bên cạnh đó, do sự hiểu biết của người dân nên người ta không đến kịp thời trong thời gian vàng. 

TS. Nguyễn Anh Tuấn: "Với đột quỵ, mỗi giây đều quý như vàng" - Ảnh 4.

Người thân và gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với các bệnh nhân bị đột quỵ. (Ảnh: BS cung cấp)

PV: Thưa Bác sĩ! Việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ thường kéo dài trong bao lâu?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Điều trị cho bệnh nhân theo từng giai đoạn. Nếu ở giai đoạn tối cấp như điều trị tiêu sợi huyết thì chúng ta phải làm ngay. Trong những ngày đầu, chúng ta có lộ trình điều trị riêng và những ngày tiếp theo và kể cả khi bệnh nhân ra viện trở về cộng đồng thì vẫn phải tiếp tục theo dõi và điều trị.

PV: Vấn đề phục hồi chức năng sau đột quỵ có ý nghĩa như thế nào? Vai trò của người thân trong gia đình đối với bệnh nhân ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là nên phục hồi chức năng sớm. Nếu như trước đây người ta cho rằng chỉ phục hồi chức năng cho bệnh nhân đã tương đối ổn định. Nhưng, các nghiên cứu gần đây đã khả định nên phục hồi chức năng sớm sau 24h là bệnh nhân có thể phục hồi đột quỵ, tất nhiên là mỗi bệnh nhân lại có mức độ tập luyện khác nhau. Khi bệnh nhân trở về cộng đồng và trở lại với công việc thì bệnh nhân vẫn phải tập phục hồi chức năng, khám định kỳ và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

Người thân và gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Người thân cần có những kiến thức nhất định để biết nên đưa bệnh nhân đến đâu, áp dụng phương pháp gì, càng sớm càng tốt. Khi bệnh nhân về với gia đình, hòa nhập cộng đồng rất cần được người thân tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Đa phần bệnh nhân không thể duy trì tập phục hồi chức năng tại bệnh viện mà phải về nhà tập luyện dưới sự hỗ trợ của người thân.

PV: BS có thể tư vấn một số phương pháp để người nhà bệnh nhân có thể giúp bệnh nhân phụ hồi chức năng nhận thức, vận động...

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Có 3 nhóm tập: tập cơ (vận động tinh, vận động thô), tập làm các việc hàng ngày, tập ngôn ngữ trị liệu. Tùy từng bệnh nhân lại có các bài tập khác nhau.

PV: Đột quỵ có thể dự phòng bằng cách nào thưa BS?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Đột quỵ hoàn toàn có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ và dự phòng đột quỵ. Khi mình thay đổi các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu bia và kiểm soát các bệnh lý nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, stress… sẽ làm giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.

PV: BS có khuyến cáo gì đối với những người trẻ bởi hiện nay đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa?

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Ngày nay rất nhiều người trẻ mắc đột quỵ không chỉ xuất huyết não mà cả nhồi máu não. Nhồi máu não liên quan nhiều đến các bệnh rối loạn chuyển hóa và sinh hoạt thiếu lành mạnh như tôi vừa nói. Vấn đề này chúng ta có thể đi khám định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ.

Dạng thứ 2 là xuất huyết não hay gặp ở những người bị dị dạng mạch máu não hoặc là tăng huyết áp gây vỡ mạch. Vì thế khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu đau đầu, các cơn động kinh hoặc gia đình có người bị dị dạng mạch máu não thì chúng ta nên đi khám, kiểm tra loại trừ các nguy cơ xuất huyết não.

PV: Vâng! Xin trân trọng cảm ơn BS./.

Tác giả: Bình An