Những lưu ý quan trọng trong điều trị đột quỵ não

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Những lưu ý quan trọng trong điều trị đột quỵ não
Đột quỵ có thể điều trị được nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, mọi người cần biết một số những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị đột quỵ não để giảm thiểu những di chứng về sau.

Đột quỵ được chia làm 2 loại, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh như:

- Xuất huyết não: Xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu thoát khỏi thành mạch chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất...

- Nhồi máu não hoặc thiếu máu não cục bộ : Xảy ra khi một nhánh mạch bị tắc nghẽn, khiến não thiếu máu và gây hoại tử tại mạch máu não.

Trong vòng vài phút, nếu không có các biện pháp tái lập tuần hoàn não để cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác qua đường máu cho các tế bào não, chúng sẽ bắt đầu chết (trung bình 1,9 triệu nơ-ron bị chết/phút).

Đột quỵ là trường hợp cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt – điều trị đột quỵ não càng sớm, càng giảm thiểu tổn thương não. Đối với bệnh nhân đột quỵ não do huyết khối, việc điều trị đột quỵ não phải được tiến hành trong vòng 1 giờ đầu tiên.

1. Lưu ý khi điều trị đột quỵ não 

- Điều trị sớm sau đột quỵ là rất quan trọng, vì nếu bệnh nhân được đưa vào điều trị càng nhanh thì não càng được cứu nhiều hơn.

- Không có bất kì phương pháp điều trị đột quỵ não nào có thể sửa chữa hoàn toàn các tổn thương não.

- Để giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi đột quỵ do thiếu máu cục bộ, một số phương án điều trị có thể thích hợp cho việc làm tan huyết khối và cắt bỏ cục máu đông.

- Tan huyết khối là quá trình sử dụng rt-PA. rt-PA là một loại thuốc làm tan cục máu đông, phá vỡ cục máu đông, cho phép lưu lượng máu trở lại não.

- Thu hồi cục máu đông hoặc cắt bỏ huyết khối trong động mạch là một phương pháp điều trị khác được sử dụng để trả lại lưu lượng máu đến não, thường được kết hợp với làm tan huyết khối. Sau khi cục máu đông được xác định chính xác bằng hình ảnh chụp não, một ống nhỏ được đưa vào mạch máu bị chặn, sử dụng stent hoặc thiết bị hút giữ cục máu đông và kéo ra ngoài.

- Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều phù hợp với phương pháp điều trị đột quỵ não này. Bởi vì:

+ Chúng chỉ có thể được thực hiện nếu bạn bị đột quỵ do tắc mạch máu não (đột quỵ thiếu máu cục bộ). Cần chụp CT khẩn cấp để kiểm tra loại đột quỵ bệnh nhân đang mắc phải.

+ Tan huyết khối và cắt bỏ cục máu đông phải được thực hiện trong vòng vài giờ sau đột quỵ. Các bác sĩ và chuyên gia sẽ quyết định xem bệnh nhân có khả năng thực hiện phương pháp điều trị đột quỵ não này hay không và sẽ hỏi ý kiến bệnh nhân.

- Mặc dù phương pháp điều trị đột quỵ não này có thể cải thiện tình trạng của bệnh nhân sau đột quỵ, nhưng chúng cũng có thể có rủi ro là gây chảy máu trong não. 

- Tan huyết khối và cắt bỏ cục máu đông nên được thực hiện bởi một bác sĩ được đào tạo về các kỹ thuật này. Do đó, các thủ tục này không được thực hiện đại trà tại tất cả các bệnh viện.

2. Lưu ý trong giảm thiểu độ nghiêm trọng của đột quỵ

- Có những phương pháp điều trị đột quỵ não sớm khác mà bệnh nhân có thể nhận được để giúp phục hồi. Ví dụ, với những người bị đột quỵ do tắc mạch máu não (đột quỵ thiếu máu cục bộ) nên dùng aspirin trong 48 giờ đầu sau đột quỵ. Aspirin cũng có thể được dùng lâu dài để ngăn ngừa đột quỵ khác.

- Các bác sĩ sẽ làm việc để đảm bảo bệnh nhân phục hồi tốt nhất có thể. Những bệnh nhân khác nhau sẽ có những tiến triển khác nhau trong vài ngày đầu sau đột quỵ.

- Một số người sẽ phục hồi tốt khá sớm trong khi những người khác có thể tiến triển chậm hơn. Một số người sẽ bị biến chứng, tuy nhiên hầu hết mọi người sẽ tiếp tục cải thiện các chức năng sau đột quỵ.

https://strokefoundation.org.au/About-Stroke/Treatment-for-stroke/Early-treatment-after-a-stroke



Tác giả: LPA