Mùa nắng nóng, ghi nhớ cách phân biệt nhanh sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7

Mùa nắng nóng, ghi nhớ cách phân biệt nhanh sốc nhiệt, đột quỵ và  liệt dây thần kinh số 7
Khi thời tiết nắng nóng, nguy cơ kiệt sức do nhiệt, say nắng (sốc nhiệt) cũng tăng lên. Cả hai tình trạng rất dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng cần chăm sóc y tế khẩn cấp khác là đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7. Vậy phân biệt sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7 như thế nào?

Trước khi tìm hiểu về cách phân biệt các tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7 theo triệu chứng, bạn cần nắm rõ sốc nhiệt là gì, đột quỵ là gì và liệt dây thần kinh số 7 là gì.

- Sốc nhiệt: Còn gọi là say nắng, là tình trạng cần chăm sóc y tế khẩn cấp xảy ra khi cơ thể không thể kiểm soát nhiệt độ từ bên trong ở mức an toàn (mất cân bằng giữa sản sinh và giải phóng nhiệt) hay có thể hiểu là mất khả năng tự làm mát. Lúc này thân nhiệt tăng quá cao (thường tới 40 độ C) khi tiếp xúc với nhiệt độ cao từ môi trường trong thời gian dài. Có hai dạng sốc nhiệt gồm: Sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức.

- Đột quỵ: Còn gọi là tai biến mạch máu não, đây cũng là bệnh lý cấp tính nguy hiểm cần được phát hiện và cấp cứu khẩn cấp. Đột quỵ xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não đột ngột bị tắc nghẽn, gián đoạn và giảm lưu lượng. Khi đó, não bị thiếu oxy và nguồn cung dinh dưỡng dẫn tới sự chết dần của các tế bào não chỉ trong vài phút. Có hai phân loại đột quỵ bao gồm: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (đột quỵ do huyết khối, đột quỵ do thuyên tắc) và đột quỵ do xuất huyết não (chảy máu não).

- Liệt dây thần kinh số 7: Còn gọi là liệt mặt ngoại biên hay liệt mặt Bell, là một bệnh lý thần kinh ngoại biên có thể gặp ở bất cứ ai khiến một người bị mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt. Liệt dây thần kinh số 7 chưa xác định được cụ thể nguyên nhân gây ra chính xác là gì nhưng một vài tình trạng như tai biến mạch máu não, u hệ thần kinh trung ương, thời tiết lạnh bệnh tự miễn hay nhiễm virus như virus herpes có thể liên quan tới tình trạng này.

Mùa nắng nóng, ghi nhớ cách phân biệt nhanh sốc nhiệt, đột quỵ và  liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh 1.

Hình ảnh bệnh nhân bị méo miệng (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

+ 3 triệu chứng ở tai có thể là dấu hiệu báo trước cơn đột quỵ

+ Các triệu chứng say nắng ở trẻ và cách xử trí khẩn cấp

Cách phân biệt sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7

Dưới đây là một số cách phân biệt cả 3 hiện tượng cần được điều trị kịp thời này:

1. Phân biệt dựa trên triệu chứng

Tùy từng mức độ bệnh mà triệu chứng khi bị sốc nhiệt, đột quỵ hay liệt dây thần kinh số 7 sẽ có một số khác biệt, nhưng nhìn chung thường thì bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng phổ biến gồm:

- Triệu chứng sốc nhiệt: Người bị sốc nhiệt thường có các biểu hiện như nhiệt độ cơ thể tăng cao tới 40 độ C hoặc hơn kèm theo đổ mồ hôi quá mức, da khô nóng và ửng đỏ, nhịp tim nhanh, nhịp thở nông, đau đầu và có những thay đổi trạng thái tinh thần và hành vi như lú lẫn, kích động, co giật, hôn mê.

- Triệu chứng đột quỵ: Yếu hoặc tê liệt một bên mặt, một bên tay và một bên chân; đột nhiên đi lại khó khăn hay khó giữ thăng bằng, phối hợp chi kém; nói lắp, khó khăn trong diễn đạt bằng ngôn ngữ; khó nuốt; suy giảm nhận thức; đau đầu dữ dội; suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ, nhìn đôi (song thị).

- Triệu chứng liệt dây thần kinh số 7: Triệu chứng của bệnh liệt đây dây thần kinh số 7 chủ yếu ở mặt, khá đa dạng, chẳng hạn như cơ mặt xệ xuống và cứng cơ mặt đột ngột; không thể nhắm một bên mắt; miệng xệ xuống, cười nói hay uống nước gặp khó khăn; thay đổi vị giác; nhạy cảm với âm thanh và ù tai; tăng tiết nước bọt; đau tai và đau đầu.

Xét về bản chất, sốc nhiệt là một tình trạng khác hẳn so với đột quỵ hay liệt dây thần kinh số 7 do liên quan tới trung tâm điều hòa nhiệt của cơ thể, trong khi đó đột quỵ có liên quan tới sự tham gia của não chi phối các triệu chứng cơ thể, bao gồm cả chức năng thần kinh mặt còn liệt dây thần kinh số 7 lại chỉ ảnh hưởng tới dây thần kinh mặt.

Nhưng cần lưu ý rằng, triệu chứng đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7 đều bắt đầu đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước. Còn sốc nhiệt có thể bắt đầu với các triệu chứng kiệt sức do nhiệt về mặt thể chất xảy ra khi nhiệt độ cơ thể dưới mức 40 độ C trước khi tiến triển nghiêm trọng hơn dẫn tới các thay đổi hành vi và nhận thức, chẳng hạn: Chuột rút hoặc co thắt cơ ở chân/tay/bụng, mệt mỏi, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, cáu kỉnh, khó khăn trong phối hợp tay chân, buồn nôn và nôn mửa, ngất xỉu, yếu ớt mệt mỏi quá mức.

Mùa nắng nóng, ghi nhớ cách phân biệt nhanh sốc nhiệt, đột quỵ và  liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh 3.

Tùy từng mức độ bệnh mà triệu chứng khi bị sốc nhiệt, đột quỵ hay liệt dây thần kinh số 7 sẽ có một số khác biệt (Ảnh: ST)

Ngoài ra có thể thấy, bệnh nhân sốc nhiệt có thể có các biểu hiện như lơ mơ, kém tỉnh táo thậm chí là hôn mê gần giống với các dấu hiệu đột quỵ nhưng bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 lại không có các triệu chứng này mà thường ở trạng thái tỉnh táo. Đột quỵ cũng có thể gây ra các triệu chứng khác không điển hình ở bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 gồm: Tầm nhìn mờ, chóng mặt, đau đầu, khó khăn khi phối hợp tay chân, vấn đề rối loạn ngôn ngữ.

Tình trạng tay chân yếu ở bệnh nhân sốc nhiệt mức độ từ trung bình tới nặng diễn ra đồng đều ở cả hai bên cơ thể, nghĩa là ở cả tay chân bên phải và tay chân bên trái - điều này thường khác với triệu chứng đột quỵ là tê yếu, liệt ở một bên cơ thể. Trong khi đó, bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 vẫn có thể cử động tay chân bình thường, tương tự như ở bệnh nhân bị sốc nhiệt mức độ nhẹ.

Thêm vào đó, người bệnh sốc nhiệt cũng không có các dấu hiệu ở mặt như lệch, xệ mặt như ở hai tình trạng đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7. Tuy nhiên, mắt của bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 xảy ra tình trạng không nhắm lại được (Charles bell, không thể nhắm kín mắt) và lòng đen có xu hướng trôi ra phía ngoài chỉ nhìn thấy lòng trắng mắt, hướng lên trên kèm theo phần cơ trán bị xóa so với nửa trán đối diện, cung mày rũ xuống và nhiều vùng cơ khác trên khuôn mặt bị thay đổi. Điều này khác với bệnh nhân bị đột quỵ, phần cơ trán, cung mày hay phần cơ nửa trên mặt không bị ảnh hưởng quá nhiều mà thường chỉ lệch ở phần cơ dưới.

Mùa nắng nóng, ghi nhớ cách phân biệt nhanh sốc nhiệt, đột quỵ và  liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh 4.

Sốc nhiệt, đột quỵ hay liệt dây thần kinh số 7 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính (Ảnh: ST)

2. Yếu tố nguy cơ

Mặc dù sốc nhiệt, đột quỵ hay liệt dây thần kinh số 7 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, ở cả nam giới và nữ giới, ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhưng có một số yếu tố có thể liên quan tới yếu tố nguy cơ cao hơn gặp phải các tình trạng sức khỏe này.

- Sốc nhiệt và kiệt sức do nhiệt:

+ Tuổi tác: Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 4 tuổi và người già trên 65 tuổi có nguy cơ gặp phải các tình trạng sức khỏe liên quan tới nhiệt cao hơn do khả năng điều chỉnh nhiệt độ khó khăn.

+ Thuốc theo đơn: Một số loại thuốc điều trị huyết áp cao hoặc bệnh tim có thể làm giảm khả năng giữ nước của cơ thể, trong khi đó - mất nước lại là nguyên nhân dẫn tới kiệt sức do nhiệt và say nắng.

+ Béo phì: Theo Healthline, người thừa cân hay béo phì thường "tích nhiệt" nhiều hơn, ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát của cơ thể.

+ Nhiệt độ cao: Tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao thường xuyên kèm theo đọ ẩm cao khiến mồ hôi bốc hơi chậm hơn, tác động tới tốc độ làm mát cơ thể bị chậm hơn.

- Đột quỵ:

+ Lịch sử bệnh lý: Từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua trước đó.

+ Tình trạng sức khỏe: Đang mắc các bệnh gồm huyết áp cao, cholesterol cao, các rối loạn tim, bệnh tiểu đường, bệnh hồng cầu hình liềm hay thừa cân, béo phì.

+ Lối sống kém lành mạnh: Chẳng hạn ăn quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa; kém hoặc không vận động thể chất; nghiện rượu, thường xuyên hút thuốc lá (bao gồm cả chủ động và thụ động).

+ Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm kể từ tuổi 55.

+ Giới tính: Đột quỵ phổ biến ở phụ nữ hơn ở nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ tử vong do đột quỵ cao hơn nam giới. Việc sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.

Mùa nắng nóng, ghi nhớ cách phân biệt nhanh sốc nhiệt, đột quỵ và  liệt dây thần kinh số 7 - Ảnh 5.

Cả sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7 đều là tình trạng cần được chăm sóc sức khỏe càng sớm càng tốt (Ảnh: ST)

- Liệt dây thần kinh số 7:

+ Bệnh lý: Bị nhiễm trùng do virus như herpes simplex, thủy đậu, virus Epstein Barr, rubella, quai bị, cúm B, virus gây bệnh tya chân miệng, HIV; có tiền sử bệnh xơ vữa động mạch, bệnh huyết áp, tiểu đường.

+ Phụ nữ mang thai, đặc biệt liệt mặt bell ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu - cuối của thai kỳ hoặc tuần đầu tiên sau sinh. Được giải thích là có liên quan tới một số thay đổi thể chất trong quá trình mang thai.

+ Hệ miễn dịch suy giảm, sức khỏe yếu.

+ Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, gió lạnh, trúng gió.

+ Lối sống kém lành mạnh: Thường xuyên căng thẳng, thức khuya, uống rượu bia thường xuyên.

+ Tuổi tác: Thường gặp nhất ở những người dưới 40 tuổi và những người trên 60 tuổi.

Nhìn chung, cả sốc nhiệt, đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7 đều là tình trạng cần được chăm sóc sức khỏe càng sớm càng tốt để tránh tiến triển không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, thậm chí đe dọa tới tính mạng. Nếu phát hiện ra các bất thường về thể chất, tinh thần và hành vi thì cần nhanh chóng kiểm tra và thăm khám sớm để được can thiệp y tế kịp thời, tránh biến chứng nghiêm trọng và lâu dài.

**Bài viết có tham khảo thông tin từ Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga.

Nguồn dịch tham khảo:

1. How to tell the difference between Bell’s palsy and stroke symptoms

2. Do You Have Heat Stroke or Heat Exhaustion? Learn the Signs

3. Bell's Palsy vs. Stroke: What Are the Differences?


Tác giả: Allen