3 phương pháp chính trong điều trị đột quỵ não

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
3 phương pháp chính trong điều trị đột quỵ não
Đột quỵ não không chỉ xảy ra ở người già mà hiện nay có rất nhiều người trẻ cũng mắc căn bệnh này. Phương pháp điều trị đột quỵ não cũng khác nhau tùy theo mức độ và loại đột quỵ mà bệnh nhân gặp phải.

Ti lệ người trẻ bị tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, lối sống ít vận động, rối loạn lipid máu ngày càng tăng. Chính vì vậy, đột quỵ đang ngày càng bị trẻ hóa nhanh chóng.

Ngày nay các phương tiện kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán chính xác bệnh nhân đột quỵ, thậm chí đột quỵ không có triệu chứng. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu về phương pháp điều trị đột quỵ não, ta cần tìm hiểu về nguyên nhân đột quỵ.

1. Nguyên nhân đột quỵ là gì?

Đột quỵ não thường chia thành 2 loại là nhồi máu não và xuất huyết não:

- Nhồi máu não là tình trạng tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông hay mảng xơ vữa, gây ra vùng hoại tử và thiếu máu não.

- Xuất huyết não là tình trạng vỡ mạch máu não gây chảy máu trong não.

- 80% trường hợp đột quỵ xảy ra là nhồi máu não, 20% là xuất huyết não.

Nguyên nhân nhồi máu não chia làm 5 nhóm:

- Tắc hẹp động mạch lớn.

- Tổn thương các động mạch nhỏ thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.- Nguyên nhân từ tim như rối loạn nhịp tim, bệnh hẹp hở van tim, suy tim… tạo cục máu đông đi đến não.

- Nguyên nhân tạo cục máu đông khác như bệnh lý đông máu, bệnh tế bào máu, bất thường bẩm sinh của mạch máu… 

- Có khoảng 1/4 trường hợp là không tìm thấy nguyên nhân.

Nguyên nhân xuất huyết não: 

- Thường gặp nhất là xuất huyết não do tăng huyết áp, ngoài ra có thể do u não xuất huyết, dị dạng mạch máu, do thuốc kháng đông làm loãng máu.


2. Các phương pháp điều trị đột quỵ não

Phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết não là kiểm soát huyết áp và điều trị nguyên nhân. Trong khi đó, phương pháp điều trị đột quỵ do nhồi máu não là  làm tan cục máu đông do cục máu đông làm tắc mạch.

Điều trị rtPA tĩnh mạch:

- Bơm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch làm tan cục máu đông, giúp tái lập lại dòng máu. Điều đó sẽ cứu được vùng thiếu máu não. 

- Thời gian cho phép điều trị từ lúc có triệu chứng đến lúc điều trị là 0-4,5 giờ.

Điều trị can thiệp động mạch:

- Chỉ làm khi có tắc động mạch lớn. Bác sĩ luồn dụng cụ can thiệp từ động mạch đùi lên não để lấy cục máu đông, giúp tái lập dòng máu. 

- Thời gian cho phép điều trị từ lúc có triệu chứng đến lúc điều trị là 0-6 giờ. Tuy nhiên, hiện nay với nhiều nghiên cứu đáng tin cậy, thời gian cho phép can thiệp có thể kéo dài đến 24 giờ từ lúc khởi phát triệu chứng.

Điều trị các nguyên nhân từ tim:

- Một số trường hợp hẹp hở van tim phải phẫu thuật, 1 số trường hợp phải dùng thuốc kháng đông, làm giảm hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ nhồi máu não nhưng làm tăng nguy cơ xuất huyết não.

- Nếu không thể can thiệp được bằng các phương pháp trên, chúng ta điều trị đột quỵ bằng các thuốc kháng kết tập tiểu cầu, giảm nguy cơ tái phát nhồi máu não.

-  Điều trị đột quỵ cần chú ý điều trị các nguyên nhân, bệnh lý đi kèm.

3. Các triệu chứng cảnh báo đột quỵ

- Có rất nhiều triệu chứng cảnh báo đột quỵ ví dụ như chóng mặt, đau đầu, tê yếu tay chân, méo miệng, nói đớ, hôn mê, co giật…

- Khi thấy các dấu hiệu trên, cần đưa bệnh nhân vào viện sớm để điều trị. Quá thời gian cửa sổ điều trị, bệnh nhân không được điều trị các phương pháp kể trên, dẫn đến tàn phế nặng nề

- F.A.S.T (tiếng Anh): méo miệng, tay chân yếu, thay đổi giọng nói, đưa ngay vào bệnh viện

4. Phòng ngừa tái phát đột quỵ

- Bên cạnh điều trị đột quỵ, cần điều trị các nguyên nhân gây ra đột quỵ: các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu

- Ăn uống chế độ hợp lý: giảm chất béo, giảm mặn (THA), giảm tinh bột, đường (ĐTĐ), ăn nhiều rau xanh, thể thao mỗi ngày 30 phút, ngưng thuốc lá, rượu bia, tránh béo phì.

- Tái khám định kỳ và điều trị đột quỵ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhập viện ngay lập tức.


Tác giả: LPA