Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi ngày càng tăng. Cụ thể, thống kê của Tổ chức Đột quỵ Mỹ vào năm 2019 cho thấy, số lượng bệnh nhân trẻ mắc đột quỵ tăng hơn 44%, trong đó có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi từ 18-50.
Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
PV: Thưa Giáo sư Trần Bình Giang, mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện nay đang có sự thay đổi như thế nào?
GS. Trần Bình Giang: Mô hình bệnh tật của Việt Nam hiện đang thay đổi. Trước đây mô hình bệnh tật của một nước đói nghèo, nhiễm trùng, nhiệt đới thì bây giờ chúng ta bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới với mô hình bệnh tật mới, trong đó chiếm chủ yếu là bệnh về chuyển hóa như cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipit. Một trong hệ quả của mô hình bệnh tật này là các bệnh lý về mạch máu não, đột quỵ đang ngày càng tăng lên và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
PV: Vậy hiện nay các trung tâm chuyên khoa điều trị đột quỵ của Việt Nam liệu đã đáp ứng đủ nhu cầu hay chưa thưa Giáo sư?
GS Trần Bình Giang: Hiện nay các trung tâm chuyên khoa điều trị đột quỵ và cả các chuyên gia của chúng ta đang rất ít. Trong khi đó với người bệnh đột quỵ, nếu điều trị không tốt sẽ để lại hậu quả vô cùng nặng nề thậm chí tử vong. Những người may mắn thoát khỏi cơn đột quỵ có khả năng trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội vì họ có thể bị liệt, mất khả năng lao động. Vì vậy việc điều trị là nhiệm vụ rất quan trọng.
Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các phương tiện và thuốc men thế hệ mới được đưa vào điều trị đã cứu sống được nhiều bệnh nhân và giúp người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Việc điều trị đột quỵ đòi hỏi sự tiếp cận đa chuyên ngành như nội thần kinh, mạch máu thần kinh, hồi sức thần kinh, các bệnh lý tim mạch và các bệnh chuyển hóa, phẫu thuật, can thiệp mạch máu đặc biệt là chuyên ngành về phục hồi chức năng sau đột quỵ.
Chính vì vậy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có quá trình chuẩn bị lâu dài, công phu và bài bản để ra đời Đơn vị Đột quỵ. Bệnh viện đã xây dựng một đội ngũ về vấn đề chẩn đoán và điều trị bệnh lý thần kinh, những kỹ thuật lớn vi phẫu, mổ thức tỉnh, mổ với trợ giúp của tay máy robot hiện đại nhất đều được triển khai. Người bệnh đột quỵ khi vào viện được chăm sóc điều trị bởi những chuyên gia giỏi nhất về mổ phẫu thuật thần kinh, những kỹ thuật hiện đại nhất. Việc xây dựng các đơn vị chữa bệnh đột quỵ chuyên sâu sẽ cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục tốt cho người bệnh đột quỵ não.
PV: Giáo sư đánh giá như thế về xu hướng trẻ hóa của các bệnh nhân mắc đột quỵ?
GS. Trần Bình Giang: Ngoài những trường hợp bị dị dạng mạch máu bẩm sinh thì còn một vấn đề đáng quan ngại đó là lối sống đang bị thay đổi theo chiều hướng không tốt. Nhiều người trẻ hiện nay uống rượu bia, ăn nhiều đồ ăn chứa lipit, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, chất kích thích làm tình trạng xơ vữa mạch máu tiến triển rất nhanh. Các bệnh cảnh như rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa lipit, rối loạn chuyển hóa các men của gan đều gây nguy cơ xơ vữa mạch máu. Khi mạch máu bị xơ vữa là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tổn thương mạch máu não.
PV: Đối với đột quỵ, thời gian vàng đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời có ý nghĩa quyết định trong quá trình điều trị đúng không thưa Giáo sư?
GS. Trần Bình Giang: Đúng là như vậy! Nếu có đầy đủ phương tiện, đầy đủ con người nhưng người bệnh có đến được đúng lúc hay không mới là vấn đề. 6h đầu tiên là thời gian vô cùng quý giá để chúng ta có thể chữa và phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ. Do vậy việc nâng cao hiểu biết cộng đồng về đột quỵ cách từ đó cố gắng đưa người bệnh đến các trung tâm đột quỵ nhanh nhất và an toàn nhất là vô cùng quan trọng.
PV: Giáo sư có khuyến cáo như thế nào đối với người dân trong việc phòng tránh đột quỵ?
GS.Trần Bình Giang: Người dân cần giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá. Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Tập thể dục đều đặn hàng ngày. Bên cạnh đó người dân, đặc biệt những người có nguy cơ mắc đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ./.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não. Trong đó có khoảng 5 triệu người tàn phế vĩnh viễn và 5 triệu trường hợp tử vong.