Tắm nước nóng có tốt không? Tác dụng của tắm nước nóng đối với sức khỏe đã được chứng minh như giúp cơ thể thư giãn, cải thiện giấc ngủ, giảm đau nhức đầu và giảm nghẹt mũi, giảm đau xương khớp, hỗ trợ kích thích tuần hoàn máu,... Nhưng một số người lại bị tim đập nhanh, chóng mặt sau khi tắm nước nóng. Vậy nguyên nhân do đâu? Chóng mặt sau khi tắm nước nóng có nguy hiểm không?
Tắm nước nóng là thói quen được nhiều người ưa thích, đặc biệt là trong những ngày thời tiết trở lạnh vào buổi tối và sáng sớm như hiện tại. Nhiệt độ tắm có thể ảnh hưởng tới cơ thể theo nhiều cách, đặc biệt khi nhiệt độ nước tắm hay nhiệt độ phòng xông hơi quá cao, có thể dẫn tới nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm - đặc biệt là khi đang sẵn có các bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tim mạch.
Theo Healthline, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt, tim đập nhanh sau khi tắm hoặc buồn nôn sau khi tắm mà bạn có thể tham khảo:
- Nhiệt độ nước tắm đang quá nóng
Nhiệt độ nước tắm quá nóng khiến thân nhiệt của chúng ta tăng lên và để phản ứng lại, mạch máu sẽ mở rộng hơn để giải phóng nhiệt dư thừa. Quá trình này có thể gây giảm huyết áp nhanh chóng và lưu lượng máu không cung cấp đủ oxy cho não dẫn tới chóng mặt sau khi tắm xong.
Đọc thêm:
+ 3 thời điểm không nên tắm nếu không muốn đột quỵ, mất mạng, nhất là khi giao mùa trở lạnh
+ Sự thật việc tắm nước đá giúp phục hồi cơ bắp và giảm cân
Để tránh tình trạng này, nên chọn nhiệt độ nước tắm phù hợp, không quá nóng cũng không nên quá lạnh bởi nước tắm quá lạnh cũng có thể gây hạ thân nhiệt, tăng huyết áp - điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới người có tiền sử bệnh tim hay huyết áp, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới vỡ mạch máu, đột quỵ, thậm chí là mất mạng.
Nhiệt độ nước tắm được khuyến nghị là từ 37 - 40 độ C và cao nhất là khoảng 44 độ C để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Đứng tắm quá lâu
Đứng trong thời gian dài, đặc biệt là trong môi trường nhà tắm ẩm nóng có thể dẫn tới ngất xỉu do phản xạ thần kinh phế vị (vasovagal syncope). Đây là hiện tượng mất ý thức ngắn gây ra do sự giảm đột ngột của nhịp tim và huyết áp, khiến lưu lượng tới máu giảm.
Đứng tắm quá lâu khiến máu ứ lại ở chân và bàn chân, lưu lượng máu lên não tạm thời giảm dẫn tới buồn nôn, choáng váng, mờ mắt hoặc chóng mặt sau khi tắm nước nóng.
Bản thân tình trạng ngất xỉu do phản xạ thần kinh phế vị không phải là một hiện tượng nguy hiểm hay cho thấy bạn đang có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, nhưng do nó gây ngất xỉu nên có thể dẫn tới các rủi ro về chấn thương thể chất khi đang tắm.
Để giảm nguy cơ này, khi tắm hãy di chuyển chân nhẹ nhàng hoặc chỉ đơn giản là thỉnh thoảng nhấc chân lên xuống để quá trình lưu thông máu được diễn ra bình thường mà không bị gián đoạn cũng như giảm tình trạng chóng mặt nhẹ. Nếu điều này không giúp ích gì, tốt nhất bạn nên ngồi xuống ngay khi có thể và đặt đầu vào giữa hai đầu gối để giúp đưa nhiều máu trở lại não hơn, giảm sự choáng váng khó chịu.
- Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là tình trạng đường (hoặc glucose) trong máu giảm xuống dưới mức bình thường. Hạ đường huyết có thể xảy ra ở bất cứ thời gian nào, kể cả khi đang tắm. Ngoài cảm giác tim đập nhanh, chóng mặt thì người bị hạ đường huyết cũng có thể có cảm giác run rẩy, đổ mồ hôi lạnh, cảm giác lú lẫn, khó tập trung và thậm chí là tình trạng mất ý thức nếu hạ đường huyết nghiêm trọng.
Rủi ro này thường phổ biến hơn ở người mắc bệnh tiểu đường (cả type 1 và type 2). Khi gặp các triệu chứng hạ đường huyết, người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu và nhanh chóng bổ sung các thức ăn hoặc đồ uống có đường để cải thiện.
- Tình trạng sức khỏe
Theo Healthline, những người có vấn đề tiềm ẩn về tim, thần kinh hoặc tuần hoàn máu có thể gặp phải các triệu chứng đáng lo ngại như tim đập nhanh, chóng mặt nếu như nước tắm quá nóng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tắm nước nóng có thể khiến nhịp tim tăng lên 32% và lượng máu tim bơm trong mỗi nhịp đập tăng tới 44%. Những con số này nghe có vẻ tốt nhưng nếu cơ thể bạn không chịu được sự thay đổi lớn về nhịp tim hoặc huyết áp bạn có thể bị chóng mặt hoặc thậm chí là mất ý thức khi tắm.
Ngoài ra, người bị rối loạn chức năng thần kinh tự chủ có thể dễ bị ảnh hưởng tới tác động của nhiệt độ nước tắm do sự "giao tiếp" sai lệch ở đâu đó trong hệ thần kinh kết hợp với các rối loạn chức năng sẵn có trong hệ thần kinh của bạn, từ đó nhanh chóng dẫn tới các phản ứng nguy hiểm khi mạch máu giãn nở hơn.
Tình trạng chóng mặt có thể tiến triển thành ngất xỉu nếu không được di chuyển tới môi trường có nhiệt độ mát mẻ hơn. Như đã nói ở trên, ngất xỉu trong khi tắm có thể dẫn tới các rủi ro về thể chất do té ngã.
- Tác dụng phụ của thuốc
Choáng váng, chóng mặt có thể là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamin, thuốc an thần hoặc thuốc điều hòa nhịp tim, thuốc huyết áp,...
Nếu cảm thấy bản thân bị chóng mặt sau khi tắm sau khi bắt đầu dùng các loại thuốc mới, hãy nói chuyện với bác sĩ để được hỗ trợ thay thế loại thuốc khác hoặc có các biện pháp kiểm soát tác dụng phụ phù hợp.
Đột quỵ là tình trạng xảy ra do nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm đột ngột. Do não bị thiếu oxy và máu mang dinh dưỡng nên các tế bào não bắt đầu chết trong vài phút, chính vì vậy mà đột quỵ là một biến cố sức khỏe có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, kể cả trong khi tắm.
Tim đập nhanh, chóng mặt sau khi tắm nước nóng có phải dấu hiệu đột quỵ? Câu trả lời là có thể, nếu như các triệu chứng này kéo dài và có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn kèm theo các triệu chứng đột quỵ khác như: Đau thắt ngực, tức ngực, khó thở, méo mặt, tê liệt một bên cơ thể (thường là tay và chân), khó nói, nói lắp, khó khăn trong việc đứng vững, đau đầu đột ngột và nghiêm trọng, buồn nôn và nôn mửa, suy giảm thị lực, hoa mắt, tầm nhìn song thị, lú lẫn,..
Nhìn chung, buồn nôn, tim đập nhanh hay chóng mặt sau khi tắm nước nóng thường là do sự giãn nở của mạch máu và huyết áp giảm tạm thời do cơ thể đang cố gắng điều chỉnh thân nhiệt và phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ môi trường. Tuy nhiên nếu các triệu chứng xảy ra đột ngột, kéo dài hoặc kèm theo các biểu hiện bất thường khác, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Why Do Hot Showers Make Me Dizzy?
2. Dizzy and Nauseous in the Shower? Here's What Your Body's Trying to Tell You