Các bài tập giúp phục hồi chức năng ở bệnh nhân đột quỵ và tai biến mạch máu não (Phần 2)

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Các bài tập giúp phục hồi chức năng ở bệnh nhân đột quỵ và tai biến mạch máu não (Phần 2)
Việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ và tai biến mạch máu não cần toàn diện, thời gian thích hợp. Gia đình cần hỗ trợ để người bệnh tự làm các hoạt động chăm sóc bản thân nhằm tăng khả năng phục hồi, tránh những di chứng nặng nề

Nội dung các hoạt động phục hồi chức năng ở bệnh nhân đột quỵ và tai biến mạch máu não bao gồm: giữ tư thế tốt và đúng để tránh cứng khớp và biến dạng khớp, tập luyện để duy trì và tăng cường sức mạnh cơ, giúp người bệnh độc lập tối đa trong sinh hoạt hàng ngày nhờ dụng cụ trợ giúp.

*Lưu ý:  Khi cho người đột quỵ và tai biến mạch máu não tập các bài tập phục hồi chức năng cần chú ý quan sát sắc thái của họ. Khi thấy người bệnh toát mồ hôi và tỏ ra mệt mỏi, người nhà cần cho họ nghỉ ngơi ngay

6. Tập phục hồi các cơ bên liệt ở bệnh nhân đột quỵ và tai biến mạch máu não

Chú ý rằng trước khi tập các bài tập cho người bệnh cần đảm bảo rằng bệnh nhân đang không ở trong tình trạng co cứng trước, đối với các trường hợp liệt cứng và có tăng trương lực cơ.

Có thể áp dụng các cách đơn giản sau để ức chế trương lực cơ ở tay và chân:

Ức chế trương lực cơ ở tay: 

- Để người bệnh ngồi, tay bị liệt duỗi thẳng (khuỷu duỗi), bàn tay và các ngón tay mở xòe ra đặt trên mặt giường, chống tay cạnh thân mình. Giữ ở tư thế đó 5 – 10 phút.

Ức chế trương lực cơ chân:

- Để người bệnh ở tư thế ngồi, gối chân liệt vuông góc, bàn chân liệt đặt sát trên nền nhà. 

- Người bệnh bắt chéo chân lành sang bên chân liệt, cẳng chân bên lành tì đầu gối chân bên liệt xuống. 

- Nếu người bệnh không làm được thì người giúp đỡ có thể dùng tay của mình để tì ấn gối bên liệt của người bệnh xuống. 

- Giữ tư thế đó 5-10 phút hoặc tới khi chân liệt của người bệnh không run, giật nữa thì ngừng lại.

Để nửa người bên liệt có thể cử động và phục hồi trở lại, người bị bệnh đột quỵ và tai biến mạch máu não cần cố gắng vận động càng nhiều càng tốt. Việc tập luyện để tăng sức mạnh cơ bên liệt được tiến hành như tập mạnh cơ trong các bệnh khớp. Nên tập chân để người bệnh có thể đi lại được.

6.1 Tập gấp háng

Bài tập này sẽ giúp người bệnh nhấc được chân lên để đi lại. 

Người bệnh đột quỵ và tai biến mạch máu não ngồi thẳng, khớp gối vuông góc, tay của người giúp đỡ đặt lên gối người bệnh, chống lại cử động rung giật chân và nhấc gối của người bệnh lên.

6.2 Tập mạnh cơ duỗi gối giúp đứng vững:

Người bệnh ngồi sâu vào ghế, cẳng chân duỗi thẳng, gối duỗi. Một tay của người nhà tỳ vào cổ chân, chống lại cử động của người bệnh. 

6.3 Tập cơ tay và khuỷu tay:

- Khi bắt đầu đi lại được, nên tập nhiều hơn các cơ ở tay. Bắt đầu bằng cách tập cơ ở vai, rồi khuỷu tay và bàn tay.

- Hai tay giơ gậy lên quá đầu rồi hạ xuống, làm lại 20 lần.

- Nếu lúc đầu không làm được ở tư thế ngồi hoặc đứng, có thể thực hiện bài tập này ở tư thế nằm ngửa.

- Hai tay cầm gậy vào gần và ra xa khỏi người, làm 20 lần.

7. Bài tập vận động đề phòng co rút và biến dạng khớp 

Để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng co cứng, co rút cơ ở bên liệt và cứng khớp vai, khớp cổ chân bên liệt của bệnh nhân đột quỵ và tai biến mạch máu não cần phải được đặt ở tư thế đúng, tập theo tầm vận động và dùng nẹp chỉnh hình.

7.1 Dùng nẹp chỉnh hình để duy trì tư thế đúng 

Nẹp chỉnh hình là các dụng cụ để ngăn ngừa hoặc nắn chỉnh sai lệch tư thế của các chi. Có loại nẹp nắn chỉnh khớp cổ chân gọi là nẹp dưới gối, nẹp nắn chỉnh khớp gối gọi là nẹp khớp gối...

Nguyên tắc sử dụng các nẹp này là đeo càng nhiều thời gian càng tốt, thường là lúc không vận động, nhưng có thể đeo cả lúc vận động như nẹp dưới gối. Đối với người đột quỵ và tai biến mạch máu não bị liệt nửa người, các nẹp chỉnh hình hay dùng là: 

Nẹp dưới gối: để đề phòng bàn chân thả. 

Nẹp cổ tay: giữ cổ tay khỏi quặp và biến dạng gập. 

Đai treo cánh tay: đỡ vai khỏi xệ và bán trật khớp

Các nẹp này thường được làm từ nhựa, tre, gỗ, vải... được đo theo kích thước của chân tay người bệnh.

7.2 Tập theo tầm vận động các khớp ở chi và thân mình 

Người bị bệnh đột quỵ và tai biến mạch máu não liệt nửa người ở giai đoạn sau thường bị cứng và đau khớp vai bên liệt. Vai bên liệt vừa xệ xuống vừa khép chặt vào thân mình, cổ chân bên liệt cũng bị duỗi cứng. Các bài tập cần làm là:

- Để người bệnh nằm ngửa, vai bên liệt cạnh mép giường. 

- Một tay người tập giữ vai người bệnh, tay kia cầm cẳng tay ngay trên khuỷu tay người bệnh, đưa lên phía đầu người bệnh. 

- Đưa càng cao càng tốt, khi nào người bệnh đau thì dừng lại. Giữ 30 giây rồi trở lại vị trí ban đầu.

7.3 Kéo giãn cổ tay bên liệt 

- Người bệnh đột quỵ và tai biến mạch máu não nằm ngửa, cánh tay gập lên phía vai 90 độ 

- Một tay người tập duỗi cho khuỷu tay người bệnh thẳng ra, tay kia duỗi cổ tay hết tầm, sau đó duỗi các ngón tay

7.4 Kéo giãn cổ chân khi cổ chân bệnh nhân đột quỵ và tai biến mạch máu não gập quá mức về phía lòng bàn chân

- Người bệnh nằm ngửa, duỗi chân. 

- Một tay người tập giữ cẳng chân người bệnh, tay kia dùng ngón cái và 3 ngón đối diện giữ chặt gót chân người bệnh đột quỵ và tai biến mạch máu não. 

- Để bàn chân người bệnh tựa vào cẳng tay mình, vừa kéo gót chân người bệnh xuống vừa đẩy mũi bàn chân họ theo hướng ngược lại.

- Giữ khoảng 30 giây, làm lại cử động này 15 lần.


Tác giả: HNL