Dự phòng đột quỵ bằng an cung ngưu hoàng hoàn nên hay không?

Dự phòng đột quỵ bằng an cung ngưu hoàng hoàn nên hay không?
Cho đến nay, nhiều người vẫn lầm tưởng an cung ngưu hoàng hoàn là ‘thần dược’ trong dự phòng và điều trị đột quỵ… Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hoá, theo đó nhiều người tìm đến các giải pháp phòng ngừa đột quỵ từ sớm. An cung ngưu hoàng hoàn chính là một trong những giải pháp mà nhiều gia đình mách nhau mua về để dự phòng. Cho đến nay, an cung ngưu hoàng hoàn vẫn được coi là 'thần dược' trong dự phòng và điều trị đột quỵ… Điều này là hoàn toàn sai lầm.

Cập nhật các loại an cung ngưu hoàng hoàn trên thị trường và trong điều trị, gần đây có các sản phẩm xuất xứ chủ yếu từ 3 quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là các loại sản phẩm rất khác nhau về thành phần.

1. An cung ngưu hoàng hoàn Trung Quốc

Theo hướng dẫn của Cục quản lý dược tại Công văn số 11393/QLD-ĐK ngày 04.07.2014, thành phần An cung ngưu hoàng hoàn Trung Quốc có 11 vị dược liệu, gồm:

- Ngưu hoàng (Bovis Calculus)

Thủy ngưu giác (Pulvis cornus bubali concentratus)

Xạ hương hoặc Xạ hương nhân tạo (Moschus hoặc Moschus Artifactus)

Trân châu (Margarita)

Chu sa (Cinnabaris), đây là vị thuốc độc có chứa Thủy ngân

Hùng hoàng (Realgar), đây là vị thuốc độc có chứa Asen

- Hoàng liên (Rhizoma coptidis), Hoàng cầm (Radix Scutellariae)

Chi tử (Fructus Gardeniae)

Uất kim (Radix Curcumae)

Băng phiến (Borneolum syntheticum)

Ngoài ra còn có mật ong, giữ vai trò tá dược, để điều vị.

An cung ngưu hoàng hoàn có dự phòng được đột quỵ không? - Ảnh 2.

Dùng an cung ngưu hoàng hoàn không được hướng dẫn sẽ rất nguy hiểm, dễ bị nhiễm độc và dễ có nguy cơ chảy máu không cầm.

Đọc thêm:

10 dấu hiệu hàng đầu cho thấy bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ

Đột quỵ mắt là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Vì vậy, dưới góc nhìn của y học hiện đại, tác dụng chính của an cung ngưu hoàn hoàn Trung Quốc là:

- Khôi phục ý thức của người bệnh

-  Phục hồi di chứng do tai biến, đột quỵ

- Trấn tĩnh và hỗ trợ chống co giật

- Giải nhiệt cho cơ thể

- Hỗ trợ chống viêm tiêu thũng

- Giúp ổn định huyết áp

- Phòng chống và hỗ trợ điều trị các bệnh như trúng phong, nhồi máu não...

An cung ngưu hoàng hoàn có các thành phần chống đông máu, một số vị có chứa kim loại nặng (thuỷ ngân từ chu sa, asen từ hùng hoàng). Do vậy, nếu không có hướng dẫn, dùng dự phòng sẽ rất nguy hiểm, dễ bị nhiễm độc và dễ có nguy cơ chảy máu không cầm.

2. An cung ngưu hoàng hoàn Hàn Quốc

Có nhiều loại được sản xuất và đăng ký tại Hàn Quốc dưới dạng thực phẩm chức năng. Một số sản phẩm thường gặp ở Việt Nam như: Vũ hoàng thanh tâm, ngưu hoàng thanh tâm, bổ bão hoàn, an cung ngưu hoàn...

Các loại này được phối hợp hơi khác nhau, có loại có đến 24 - 25 dược liệu. Trong thành phần công thức không có kim loại nặng (vị thuốc chứa assen và thủy ngân) có thể gây độc, nên sử dụng có phần an toàn hơn.

3. An cung ngưu hoàng hoàn Nhật Bản

Có nhiều loại và cũng được đăng ký tại Nhật Bản dưới dạng thực phẩm chức năng. Một số sản phẩm có thể gặp ở Việt Nam như: Ngưu hoàng thanh tâm nguyên, ngưu hoàng thanh viễn của các hãng Nippon, Nihon Seiyaku Kogyo...

An cung ngưu hoàng hoàn Nhật Bản xây dựng công thức khác với sản phẩm của Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo tài liệu (không chính thức) công bố từ các nhà cung cấp sản phẩm, tùy loại mà thành phần có 25 đến 27 vị. Trong công thức một số sản phẩm đã công bố không thấy có vị thuốc chứa asen, thủy ngân (hùng hoàng, chu sa).

Dù thành phần có khác biệt nhưng các loại an cung ngưu hoàng Hàn Quốc, Nhật Bản về cơ bản có cùng các chống chỉ định như sản phẩm của Trung Quốc.

4. Những lưu ý khi sử dụng

Đột quỵ có 2 thể khác nhau:

- Thể đột quỵ thiếu máu não (chiếm khoảng 85% số ca bệnh) xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do xơ vữa động mạch.

- Thể đột quỵ chảy máu não (khoảng 15% số ca bệnh) xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.

Với thể đột quỵ thiếu máu não, việc dùng an cung ngưu hoàng hoàn sẽ cho tác dụng tốt, nhưng với thể chảy máu não tuyệt đối không được dùng. Điều này là do sẽ làm tình trạng xuất huyết của bệnh nhân trầm trọng hơn.

An cung ngưu hoàng hoàn không có trong danh mục thuốc điều trị đột quỵ của Bộ Y tế Việt Nam, của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và các nước Châu Âu, bởi chưa được nghiên cứu, thực nghiệm điều trị và công bố khoa học.

Theo công bố tại Website của Cục quản lý y dược học cổ truyền, đến hiện tại có 6 thuốc cùng có tên ‘An cung ngưu hoàng hoàn’ của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ y tế cấp số đăng ký lưu hành thuốc. Các sản phẩm An cung ngưu hoàng từ các xuất xứ khác được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là thực phẩm chức năng. Gần đây, chưa thấy có công bố sản phẩm ‘An cung ngưu hoàn’ nào (hoặc sản phẩm tương tự) được cấp phép lưu hành thuốc.

Trong điều trị, về nguyên tắc, sản phẩm chỉ được dùng để hỗ trợ chữa bệnh thể đột quỵ thiếu máu não.

An cung ngưu hoàng hoàn không phải sản phẩm dùng để "bồi bổ" sức khỏe như nhiều người lầm tưởng. Các sản phẩm này được dùng để hỗ trợ điều trị bệnh đột quỵ, tai biến mạch máu não.

Tại Việt Nam và một số quốc gia, dù trong số đó nhiều sản phẩm được đăng ký là thực phẩm chức năng, nhưng thực chất đây là thuốc điều trị bệnh tai biến quỵ não. Do vậy bắt buộc phải được bác sĩ điều trị, thăm khám quyết định sử dụng.

Nên nhớ rằng trong an cung có các vị thuốc hùng hoàng, chu sa chứa thạch tín, thủy ngân có độc tính rất cao, đồng thời một số thành phần khác tác dụng chống đông máu mạnh, có thể gây nên chảy máu không cầm khi lạm dụng.

Một số ít quan điểm cho rằng, có thể dùng an cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng quỵ, và sản phẩm được chọn dự phòng nên là an cung ngưu hoàng hoàn Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, phải rất cân nhắc điều này khi nhiều trường hợp đã sử dụng an cung ngưu hoàng hoàn dự phòng, đến khi xảy ra tai biến nhập viện thì tình trạng đã rất nguy cấp do máu không cầm, di chứng rất nặng hoặc khó qua khỏi.

Nhiều ý kiến của các thầy thuốc, các nhà khoa học và trên các trang chuyên đề đột quỵ đều cảnh báo, an cung không có tác dụng phòng đột quỵ, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng nếu dùng không đúng cách.

Theo các trích dẫn ý kiến của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam cũng cho biết, an cung ngưu hoàng hoàn không có tác dụng phòng chống đột quỵ. Ông cảnh báo tuyệt đối không được tự ý uống an cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng đột quỵ. Trong thực tiễn điều trị, rất nhiều ca cấp cứu bị nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi dùng an cung ngưu hoàng hoàn.

Tại Trung Quốc, "quê hương" của An cung ngưu hoàn hoàn cũng không dùng loại thuốc này để phòng ngừa đột quỵ. Bởi vậy để tránh tai biến do thuốc, người bệnh không tự ý sử dụng và phải sử dụng đúng liều lượng, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Chỉ sử dụng sau khi đã xác định rõ được tình trang quỵ không chảy máu não.

Không nghe theo quảng cáo bán thuốc (từ người không có chuyên môn) trực tiếp hoặc mạng xã hội online. Mua An cung ngưu hoàng uống dự phòng tai biến chỉ rước họa vào thân.

Ai không nên dùng 'An cung ngưu hoàng hoàn'?

Theo Lương y Huyên Thảo, "An cung ngưu hoàng hoàn" trị liệu trúng phong (tai biến mạch máu não) trong giai đoạn cấp tính. Tuy vậy, trong y học cổ truyền trúng phong lại được chia thành những thể bệnh khác nhau. Căn cứ vào nguyên nhân và mỗi thể bệnh mà áp dụng những phương pháp, bài thuốc thích hợp, mới có thể mang lại hiệu quả mong muốn.

Cụ thể, trên lâm sàng trúng phong được phân chia thành 2 trường hợp:

Trúng phong kinh lạc

- Trúng phong tạng phủ.

Trong đó, trúng phong tạng phủ lại chia thành 2 thể:

Nhiệt bế

- Hàn bế

Thuốc "An cung ngưu hoàng hoàn" chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp "Nhiệt bế". Nếu sử dụng đối với "Hàn bế" sẽ khiến cho bệnh thêm trầm trọng.

- Dấu hiệu để nhận biết "Nhiệt bế": Đột nhiên hôn mê bất tỉnh nhân sự, hai hàm răng cắn chặt, miệng mím chặt, hai tay nắm chặt, thân và tứ chi co cứng; mặt đỏ người nóng, thở thô, miệng hôi, phiền táo, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền hoạt.

- Chứng trạng đặc trưng của "Hàn bế": Hôn mê kèm theo các biểu hiện, như mặt trắng bệch, môi tái nhợt, nằm yên bất động, rêu lưỡi trắng nhớt, tay xòe, chân tay lạnh, mồ hôi trán vã ra như dầu, chất lưỡi trắng nhớt.

Lưu ý: Trường hợp "Hàn bế", không được sử dụng "An cung ngưu hoàng hoàn" mà cần dùng thuốc có tính "ôn khai", loại như "Tô hợp hương hoàn"...

photo-1690560019907

Vị thuốc ngưu hoàng

Mặt khác, trong thành phần của "An cung ngưu hoàng hoàn" có ngưu hoàng, sừng trâu (hoặc sừng tê giác), hùng hoàng, hoàng liên, hoàng cầm, chi tử, đều là những vị thuốc rất lạnh (đại hàn), dễ gây tổn hại tỳ vị. Do đó những người tỳ vị hư nhược (chức năng tiêu hóa yếu) hay tiêu chảy không nên sử dụng "An cung ngưu hoàng hoàn".

Trong thời gian sử dụng "An cung ngưu hoàng hoàn" cần kỵ các món ăn cay nóng hậu vị, để tránh "trợ hỏa sinh đàm".

Trong thành phần của "An cung ngưu hoàng hoàn" có chu sa và hùng hoàng là hai vị thuốc có tính độc. Chu sa có thành phần chính là sunfua thủy ngân thiên nhiên (thuỷ ngân (Hg) 86,2% và sunfua (S) 13,8%); hùng hoàng có thành phần chủ yếu là asen sunfua (AsS) trong đó asen chiếm chừng 70,1%, sunfua 29%. Do đó không được sử dụng với liều cao hoặc sử dụng dài ngày "An cung ngưu hoàng hoàn".

Người chức năng gan thận không kiện toàn sử dụng cần thận trọng. Nếu xuất hiện triệu chứng sợ rét, chân tay lạnh, sắc diện trắng nhợt, vã mồ hôi lạnh, mạch đập yếu...cần báo ngay cho thầy thuốc để được tư vấn và xử trí kịp thời

DSCKI. Trần Đình Bách


Tác giả: SK