Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa?

Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa?
Nguy cơ đột quỵ tăng cao khi thời tiết giao mùa hè - thu do sự chênh lệch đổi đột ngột về nhiệt độ, áp suất và điều kiện thời tiết. Đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao bị đột quỵ như bệnh tim mạch vành, huyết áp cao, bệnh tiểu đường, bệnh mỡ máu,...

Những gì được thêm vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn là cách phòng ngừa đột quỵ.

1. Tại sao đột quỵ gia tăng khi thời tiết chuyển mùa?

Đột quỵ có thể gia tăng khi thời tiết giao mùa do nhiều yếu tố. Sự thay đổi và chênh lệch của nhiệt độ và áp suất không khí có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc huyết áp không ổn định.

Hơn nữa, thời tiết nóng lạnh thất thường có thể làm tăng độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa? - Ảnh 2.

Đột quỵ có thể gia tăng khi thời tiết giao mùa do nhiều yếu tố (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

Đau đầu về chiều là bệnh gì? Khi nào là dấu hiệu đột quỵ não nguy hiểm?

Đột quỵ có di truyền không?

2. Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa?

Lựa chọn thực phẩm đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ tích tụ cholesterol trong động mạch, bảo vệ trái tim và mạch máu - từ đó giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Các lưu ý về chế độ ăn này bao gồm:

- Tăng lượng trái cây và rau củ tươi: Chế độ ăn Địa Trung Hải là chế độ ăn  phù hợp để giúp tăng lượng trái cây và rau quả và tốt nhất cho tim mạch.

Theo một nghiên cứu năm 2016 trên NCBI thì với 5 khẩu phần (hoặc nhiều hơn) trái cây và rau củ mỗi ngày trong chế độ ăn Địa Trung Hải góp phần phòng ngừa đột quỵ hiệu quả nhờ chúng giàu vi chất dinh dưỡng và các chất chống oxy hóa giúp giảm quá trình peroxy hóa lipid.

Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa? - Ảnh 3.

Chế độ ăn Địa Trung Hải là chế độ ăn phù hợp để giúp tăng lượng trái cây và rau quả và tốt nhất cho tim mạch (Ảnh: ST)

Các loại trái cây và rau củ tốt giúp ngăn ngừa đột quỵ và tăng cường sức khỏe có thể kể đến như: Quả mọng (việt quất, dâu tây, nho,...), rau lá màu xanh đậm, cà chua, khoai lang, bưởi, chuối, táo,...

- Ăn thực phẩm giàu omega-3: Omega-3 là chất béo không bão hòa đa lành mạnh, giúp tăng mức cholesterol tốt của cơ thể và đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa đột quỵ nhờ khả năng giúp giảm sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và cục máu đông dẫn tới tai biến mạch máu não.

Các thực phẩm giàu omega-3 có thể kể đến như: Cá thu, cá hồi, dầu gan cá tuyết, cá trích, hàu, cá mòi, cá cơm, trứng cá muối, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, đậu nành, rong biển và tảo, trứng,...

- Chế độ ăn cầu vồng: Chế độ ăn cầu vồng bao gồm nhiều loại trái cây, rau và đậu – đỏ sẫm, cam, vàng tươi, xanh lá cây đậm, xanh lam và tím. Chế độ ăn này đặc biệt giàu chất chống oxy hóa (như anthocyanin, betalain, chlorophyll, carotenoid, lycopene), chất xơ cùng nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin C, vitamin K1, selen, kẽm,... không những giúp tăng cường miễn dịch mà còn chống lại stress oxy hóa tế bào, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường,... có thể dẫn tới đau tim và đột quỵ.

Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa? - Ảnh 4.

Chế độ ăn cầu vồng bao gồm nhiều loại trái cây, rau và đậu – đỏ sẫm, cam, vàng tươi, xanh lá cây đậm, xanh lam và tím (Ảnh: ST)

Ngoài ăn gì để phòng tránh đột quỵ thì mọi người cũng cần chú ý tới những thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và tránh/hạn chế tiêu thụ để bảo vệ sức khỏe thời điểm giao mùa như:

- Tránh thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao: Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao có thể kể đến như các sản phẩm thịt chế biến như xúc xích, thịt muối, thịt xông khói, thịt nguội. Một cuộc đánh giá lớn với hơn 614.000 người tham gia cho thấy, tiêu thụ 50 gram thịt chế biến mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 42%.

Lượng cholesterol dư thừa đi vào máu và có thể gây ra sự tích tụ các chất béo tích tụ trong động mạch, khiến động mạch trở nên hẹp và cứng. Quá trình được gọi là xơ vữa động mạch. Tổn thương thành động mạch có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, cục máu đông này có thể di chuyển lên não và gây đột quỵ.

- Giảm lượng muối và hạn chế rượu bia: Quá nhiều rượu bia và muối trong chế độ ăn là nguyên nhân gây tăng huyết áp, thúc đẩy rủi ro gặp phải cơn đột quỵ. Với người trưởng thành khỏe mạnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị chỉ nên tiêu thụ ít hơn 2 gam natri mỗi ngày, tương đương với 5 gam muối/1 ngày (ít hơn 1 thìa cà phê muối). Con số này sẽ thấp hơn ở người có đang mắc bệnh tim mạch.

Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa? - Ảnh 5.

Tiêu thụ rượu với lượng lớn có thể làm tăng huyết áp đột ngột (Ảnh: ST)

Tiêu thụ rượu với lượng lớn có thể làm tăng huyết áp đột ngột. Theo công thức chung, 1 đơn vị rượu sẽ chứa từ 8 - 14g là rượu nguyên chất. 1 đơn vị = 1 chén rượu vang 125ml hoặc 270ml bia, hay tương đương 1 chén rượu mạnh thể tích 30ml (cồn 40%) thì nam giới không nên uống quá hai đơn vị rượu mỗi ngày và nữ giới không nên uống quá một đơn vị rượu mỗi ngày.

- Hạn chế các loại mỡ động vật, thực phẩm chiên rán giàu chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol LDL (xấu) và giảm cholesterol HDL (tốt). LDL cao cùng với mức HDL thấp có thể khiến cholesterol tích tụ trong động mạch (mạch máu). Điều này làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu từ đó tăng rủi ro mắc bệnh tim và đột quỵ.

- Hạn chế tiêu thụ các thực phẩm giàu đường bổ sung: Chế độ ăn nhiều đường bổ sung có liên quan đến béo phì, tiểu đường, tăng cholesterol máu, bệnh tim và gan, thậm chí là ung thư và chứng mất trí nhớ. Theo Medical News Today, tiêu thụ hơn 6 thìa đường bổ sung mỗi ngày có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm đột quỵ, trầm cảm, hen suyễn,...

WHO khuyến khích mọi người giảm lượng đường bổ sung xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, tương đương khoảng 50 gam (khoảng 12 thìa cà phê).

3. Các biện pháp phòng tránh đột quỵ khi giao mùa khác

Ngoài chế độ dinh dưỡng lành mạnh, để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa hiệu quả, mọi người cần chú ý những vấn đề sau:

- Thường xuyên tập thể dục nhưng không nên tập ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp chẳng hạn như sáng sớm hoặc đêm muộn. Nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 15 - 30 phút mỗi ngày để cải thiện tuần hoàn máu.

Ăn gì để phòng ngừa đột quỵ khi giao mùa? - Ảnh 6.

Nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 15 - 30 phút mỗi ngày để cải thiện tuần hoàn máu (Ảnh: ST)

- Uống thuốc theo đơn của bác sĩ với người mắc bệnh nền: Nguy cơ đột quỵ khi giao mùa cao hơn ở nhóm có sẵn bệnh nền như huyết áp cao, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, rung nhĩ, tiểu đường,... Việc sử dụng thuốc đúng liều theo đơn của bác sĩ giúp kiểm soát các bệnh nền này tốt hơn, từ đó giảm nguy cơ gây đột quỵ.

Ngoài ra, nhóm người này cần thăm khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sức khỏe tại nhà bằng cách đo huyết áp, đo đường huyết,... để nhanh chóng phát hiện bất thường và tới cơ sở y tế sớm.

- Quan sát các bất thường của cơ thể: Đột quỵ có thể xảy ra đột ngột, ở bất cứ thời điểm nào với các triệu chứng như:

+ Tình trạng tê hoặc yếu đột ngột ở một bên mặt, cánh tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể

+ Tình trạng nhầm lẫn, lú lẫn đột ngột hoặc khó nói, khó hiểu lời nói

+ Suy giảm thị lực đột ngột ở một hoặc cả hai bên mắt, tầm nhìn song thị

+ Gặp rắc rối đột ngột với một vài vấn đề cụ thể như di chuyển khiến bạn bị chóng mặt, mất thăng bằng, thiếu phối hợp tay chân với não bộ

+ Bị đau đầu dữ dội và đột ngột mà không rõ nguyên nhân.

Khi nhận thấy các dấu hiệu đột quỵ này, hãy nhanh chóng liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Can These Foods Help Prevent Stroke?

2. Eating the Rainbow — Is It Useful and Should You Try It?


Tác giả: Allen