Có nhiều thói quen ăn uống sai cách được ví như "sát thủ vô hình" đối với mạch máu.
Theo Aboluowang, có hai thói quen mà nhiều người đặc biệt hay mắc phải khi ăn uống, nấu nướng có thể làm tăng nguy cơ tổn hại mạch máu, đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch - từ đó làm tăng rủi ro bị đột quỵ hay đau tim do lưu thông máu bị ảnh hưởng.
Muối là gì? Muối là một loại gia vị có thể tạo hương vị cho thực phẩm và đóng vai trò như một chất bảo quản trong các món ủ, lên men. Muối có khoảng 60% clorua và khoảng 40% natri. Hầu như tất cả các loại thực phẩm chưa qua chế biến - như rau, trái cây, các loại hạt, thịt, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa - đều có hàm lượng natri thấp. Tác dụng của muối ăn đối với sức khỏe bao gồm: Giúp thư giãn và co cơ, hỗ trợ các xung thần kinh và cân bằng các khoáng chất và nước mà chúng ta hấp thụ.
Theo giám sát mức tiêu thụ natri trong cộng đồng năm 2015 và năm 2021, do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành điều tra quốc gia, sau 5 năm, mức độ tiêu thụ natri của người dân Việt Nam giảm từ 3.760 mg/người/ngày xuống 3.360 mg/người/ngày (tương ứng với 9,4 gam và 8,4 gam muối). Song, so với mức muối khuyến nghị nên tiêu thụ mỗi ngày mà WHO khuyến cáo là mỗi ngày người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 2.000 mg natri, tức 5 gam muối thì lượng muối mà người Việt đang tiêu thụ vẫn đang ở mức cao hơn.
Từ lâu chế độ ăn quá nhiều muối đã được chứng minh là có thể dẫn đến huyết áp cao, đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch. Cụ thể, chế độ ăn quá nhiều muối có thể khiến huyết áp tăng cao mãn tính, tạo thành những vết rách nhỏ trên thành mạch máu do các ion natri trong mạch máu sẽ hấp thụ toàn bộ lượng nước được giữ lại trong cơ thể vào mạch máu, khiến áp lực mạch máu tăng lên. Cơ thể sẽ phản ứng bằng cách cố gắng "vá" những vết rách này bằng các tế bào nội mô bổ sung - lâu dần động mạch trở nên dày hơn, cứng hơn tạo điều kiện cho các chất béo tích tụ trên thành động mạch và dẫn tới xơ vữa động mạch.
Từ lâu chế độ ăn quá nhiều muối đã được chứng minh là có thể dẫn đến huyết áp cao, đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch (Ảnh: ST)
Thêm vào đó, theo thời gian huyết áp tăng cao buộc trái tim phải "làm việc" cật lực hơn để bơm máu tới các cơ quan khác của cơ thể, khiến tâm thất trái bị tổn thương - dày hơn và cứng hơn - gây ra tình trạng phì đại thất trái hoặc dẫn tới sự phì đại của chính trái tim, gọi là chứng tim phì đại.
Cả hai tình trạng phì đại tim và xơ cứng động mạch đều liên quan tới nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, đau tim, đột quỵ, suy tim xung huyết, loạn nhịp tim cao hơn. Các nguy cơ sức khỏe khác liên quan đến việc ăn quá nhiều muối bao gồm: Bệnh thận, hại dạ dày, phù nề cơ thể, vị giác bị ảnh hưởng, nổi mụn trứng cá, mất ngủ,...
Thực phẩm nào có chứa nhiều muối? Các thực phẩm chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, các loại bánh mì trắng, mì ống, pizza,... là những nguồn thực phẩm chứa nhiều muối mà mọi người dễ tiêu thụ nhất, thậm chí có những món ăn trong số này còn không có vị mặn.
Theo WebMD, khi tiêu thụ quá nhiều muối, cơ thể sẽ có một số phản ứng như sau:
- Khát nước và mất nước: Natri là một chất dinh dưỡng thiết yếu giúp cơ thể duy trì sự cân bằng chất lỏng bên trong và bên ngoài tế bào, được gọi là cân bằng nội bào. Nếu ăn quá nhiều muối mà không tăng lượng chất lỏng nạp vào, cơ thể sẽ lấy nước từ các tế bào để bù đắp, dẫn đến mất nước. Khát nước nhiều hơn là một trong những triệu chứng chính của tình trạng mất nước . Những triệu chứng khác bao gồm khô miệng, khô da và trũng mắt do mất nước ở các mô.
- Đau đầu: Bản thân cơn đau đầu thường được mô tả là âm ỉ và "siết chặt". Tiêu thụ quá nhiều muối cũng có thể có các triệu chứng thần kinh như chóng mặt, cáu kỉnh và sương mù não (cảm thấy kiệt sức về mặt tinh thần và không thể tập trung).
- Mệt mỏi: Mệt mỏi và suy nhược là những dấu hiệu phổ biến của nồng độ natri trong máu cao bất thường, được gọi là tăng natri máu. Khi nồng độ natri quá cao, lượng chất lỏng trong não có thể tăng đột ngột, dẫn đến tình trạng phù não. Ngược lại, tình trạng não bị sưng có thể góp phần gây ra các dấu hiệu sớm của chứng tăng natri máu, thường là đau đầu, mệt mỏi và yếu cơ.
- Tim đập nhanh: Natri là chất điện giải, nghĩa là một khoáng chất đóng góp vào các chức năng thiết yếu của cơ thể như tiêu hóa, co cơ và nhịp tim. Khi có quá nhiều natri trong máu, nó có thể gây mất cân bằng hai chất điện giải là natri và canxi, từ đó khiến tim đập nhanh hơn hay còn thường được ví như bị đánh trống ngực, hồi hộp. Trong khi hầu hết các cơn tương đối vô hại, thì những cơn hồi hộp thường xuyên hoặc nghiêm trọng có thể dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, choáng váng, đau ngực, đổ mồ hôi lạnh và ngất xỉu.
- Đầy hơi và phù nề: Một trong những triệu chứng chính của việc tiêu thụ quá nhiều muối là đầy hơi và sưng tấy. Điều này là do tình trạng giữ nước, trong đó các mô giữ nhiều chất lỏng hơn lượng chất lỏng được bài tiết qua nước tiểu. Giữ nước có thể gây ra tình trạng sưng mặt, đặc biệt là vùng quanh mắt.
- Tăng cân: Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Hypertension phát hiện ra rằng, trong một nhóm khoảng 1.240 người lớn và trẻ em, việc tăng 1 gam natri mỗi ngày làm tăng nguy cơ béo phì lần lượt là 26% và 28%. Điều khiến nghiên cứu này đáng chú ý là sự gia tăng này không phải do giữ nước mà là do tổng khối lượng mỡ trong cơ thể tăng lên.
- Rối loạn giấc ngủ: Giữ nước và huyết áp cao do bữa ăn nhiều natri có thể làm gián đoạn giấc ngủ theo nhiều cách khác nhau. Giữ nước có thể làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn do chất lỏng từ chân được chuyển đến đường thở trên khi nằm xuống. Ngoài ra, tăng huyết áp có thể thúc đẩy các triệu chứng như đau ngực và đau đầu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Một số bằng chứng cũng chỉ ra rằng lượng natri cao sẽ cản trở quá trình sản xuất hormone norepinephrine - loại hormone giúp điều chỉnh nhịp sinh học ngủ-thức.
Tuy nhiên, có một tin tốt lành là chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy sự thay thế đáng kể cho muối từ chính những loại gia vị, thảo mộc tự nhiên sẵn có. Có thể kể đến như: Hạt tiêu đen, tỏi, nước cốt chanh hoặc vỏ chanh, bột hành tây, men dinh dưỡng, giấm balsamic, bột ớt Paprika, dầu truffle, hương thảo, gừng, quế hay các loại khác như cây xô thơm (tươi và khô), cây ngải thơm, rau kinh giới khô, ớt cayenne, húng quế, nghệ, giấm táo, rau mùi, mùi tây,...
Tuy nhiên cần nhớ rằng mỗi một loại gia vị hay thảo mộc đều có những chống chỉ định riêng, đặc biệt nếu bạn từng có tiền sử dị ứng, hãy tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu bạn còn băn khoăn về phản ứng dị ứng.
Ngoài chế độ ăn nhiều muối, chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, mạch máu não. Cụ thể, tiêu thụ lượng chất béo quá mức có thể dẫn đến tăng lipid máu, tăng cholesterol xấu, tăng độ nhớt của máu, làm dày thành mạch máu và hẹp mạch máu, cuối cùng gây ra các bệnh về tim mạch và mạch máu não gồm cả nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tiêu thụ lượng chất béo quá mức có thể dẫn đến tăng lipid máu và gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (Ảnh: ST)
- Chướng bụng, đầy hơi: Cơ thể dễ bị đầy hơi hơn nếu tiêu thụ quá nhiều chất béo do chất béo thường khó phân hủy, quá nhiều chất béo làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa và dẫn tới khó chịu.
- Tiêu chảy: Đi ngoài phân lỏng thường gặp ở người ăn quá nhiều chất béo do ruột già sản sinh ra các chất lỏng dư thừa. Đồng thời tiêu chảy cũng có thể gặp ở người có chế độ ăn uống kém cân bằng, quá nhiều chất béo nhưng lại ít chất xơ.
- Mệt mỏi, uể oải: Chất béo bão hòa và chuyển hóa đều có thể gây viêm, mệt mỏi nhiều hơn và nhiều triệu chứng khác.
- Tăng cân: Thường thấy nhất ở người có chế độ ăn nhiều chất béo chính là tăng cân, lâu dần dẫn tới thừa cân, béo phì cùng các rối loạn chuyển hóa khác.
- Hơi thở có mùi hôi: Khi cơ thể không có đủ carbs, cơ thể chuyển sang sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng chính. Quá trình này sản sinh ra sản phẩm phụ là ceton, dẫn đến miệng có mùi hôi.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên áp dụng chế độ ăn uống có lượng calo từ chất béo bão hòa dưới 6% tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày. Ví dụ, nếu bạn cần khoảng 2.000 calo mỗi ngày, thì không nên hấp thụ quá 120 calo từ chất béo bão hòa. Tức là khoảng 13 gam hoặc ít hơn chất béo bão hòa mỗi ngày.
Chất béo bão hòa có nhiều trong bơ động vật, pho mát, thịt đỏ, các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật khác và dầu nhiệt đới. Các chuyên gia khuyến nghị rằng, khi chọn dầu ăn tốt nhất nên chọn các loại dầu có hàm lượng axit béo không bão hòa cao hơn, chẳng hạn như dầu hạt cải, dầu ô liu, dầu hướng dương,... Các loại dầu này giàu omega-3 đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, hạ huyết áp, hạ lipid máu, giãn mạch và chống huyết khối.
Nhìn chung, để có sức khỏe tim mạch tốt cần tránh các thói quen có hại cho trái tim và mạch máu. Đồng thời duy trì vận động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc, kiểm soát tốt căng thẳng, chế độ ăn uống cân bằng,... Nếu sẵn có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch thì cần thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Sohu
2. Is salt bad for your heart?
3. 9 Warning Signs You’re Eating Too Much Salt, and How to Fix It
4. Heart disease: Consuming too much saturated fat may raise risk