Có nên dùng kim chích vào đầu ngón tay để sơ cứu người bị đột quỵ?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Có nên dùng kim chích vào đầu ngón tay để sơ cứu người bị đột quỵ?
Dùng kim chích vào đầu ngón tay, khi máu chảy thì chỉ sau vài phút người bị đột quỵ sẽ tỉnh là một cách sơ cứu bệnh nhân đột quỵ đang được truyền tai nhau trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia cách làm này hoàn toàn phản khoa học.

Trong một hướng dẫn đường truyền tai nhau trên mạng, cho rằng có thể dùng một cây kim may chích vào đầu ngón tay, cách móng tay độ một milimét cho đến khi có máu rỉ ra. Như thế, khi máu đã chảy từ cả mười đầu ngón tay, chỉ chờ vài phút thì bệnh nhân sẽ tỉnh dậy. Bước tiếp theo là châm vào hai bên dái tai mỗi bên 2 mũi, cho đến khi máu nhỏ giọt ra. Sau vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh lại.

Nhiều cư dân mạng cho rằng đây là một phương pháp sơ cứu mà mọi người nên biết, nó sẽ cứu được mạng sống của những người bị tai biến mạch mạch máu não.

Tuy nhiên, đột quỵ là một cấp cứu thực sự, cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế ngay lập tức. Điều trị càng sớm thì càng làm giảm thiểu được các tổn thương não, không nên nghe theo lời đồn thổi chữa bệnh truyền miệng.

Hôn mê là một tình trạng mất ý thức gây ra bởi một loạt các vấn đề khác nhau như chấn thương sọ não, đột quỵ, u não, cơn động kinh, ngộ độc thuốc hoặc rượu, hoặc thậm chí do các bệnh lý nền như đái tháo đường hoặc nhiễm trùng,… và mỗi một bệnh cảnh có những biện pháp điều trị khác nhau. Tất nhiên, trước khi các biện pháp điều trị đặc hiệu được đưa ra thì bệnh nhân hôn mê cần phải được sơ cứu đúng cách nhằm đảm bảo các chức năng sống ổn định (đường thở, hô hấp, tuần hoàn…).

Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, khi bị tai biến, trường hợp nặng thì hôn mê, hỏi không biết, nhẹ thì giống như trúng gió, méo mồm, liệt tay.

Tuy nhiên, theo ông, vẫn có một số trường hợp có thể bị bỏ qua, nguyên nhân do hẹp mạch cảnh, gọi là tai biến thoáng qua. Chỉ khoảng 30 giây, người bệnh tự dưng mất ý thức, sau đó phục hồi hoàn toàn. Đây là những triệu chứng ban đầu dự báo cơn tai biến sau đó 1-2 ngày. Nhiều người không để ý dễ bỏ qua, đến lúc xảy ra tai biến thì không làm được gì.

Còn việc dùng kim chích vào đầu ngón tay, dái tai để giúp bệnh nhân tỉnh, sau đó mới đưa đi cấp cứu theo tiến sĩ Hùng đây là một cách làm phản khoa học, làm mất thời gian vàng.

Với bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, cần phải được đưa đi cấp cứu kịp thời, giảm thiểu di chứng là vô cùng quan trọng. Khi bị tai biến, người bệnh cần có sự can thiệp của học hiện đại, cần đưa bệnh nhân đến chuyên khoa tim mạch, thần kinh cấp cứu.

Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Tim Hà Nội cũng khẳng định hoàn toàn không có cơ sở khoa học để xử trí cấp cứu người bị tai biến như thế.

"Việc cấp cứu tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân. Sơ cứu chủ yếu là đảm bảo hô hấp tốt: thông thoáng, không có dị vật, không bị sặc..., kiểm soát huyết áp. Đồng thời nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế, hạn chế di động vùng đầu bệnh nhân, chứ không phải 'Đừng bao giờ di chuyển nạn nhân'", thạc sĩ Hiếu cho biết.

Các chuyên gia khuyến cáo, điều trị tai biến mạch máu não kết quả thấp, hậu quả để lại thường khủng khiếp. Nặng thì tử vong do ổ xuất huyết (hoặc nhồi máu) quá lớn, di chứng liệt giường, loét do tỳ đè, tai biến mạch máu não tái phát, nhiễm trùng phổi, tiết niệu bội nhiễm...

Khi đã xảy ra tai biến thì khó mà tránh được di chứng dù đến sớm và được xử lý tốt mà chỉ có thể giảm thiểu di chứng. Trường hợp may mắn không chết thì cũng để lại di chứng, có ca không điều trị được, nặng có thể rơi vào trạng thái thực vật, hôn mê sâu, thậm chí dẫn đến tử vong.

Cũng vì thế, vấn đề cần chú trọng ở đây là kiểm soát, dự phòng, quản lý huyết áp, dự phòng không để tai biến xảy ra. Những người có nguy cơ bị tai biến là: tăng huyết áp không được theo dõi và điều trị tốt, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, suy tim nặng, người ít vận động hoặc bị liệt (nguy cơ hình thành huyết khối), người có bệnh lý van tim hoặc theo dõi và dùng thuốc chống đông không đều...

1. Cách sơ cứu chuẩn khi gặp bệnh nhân đột quỵ não

Đột quỵ xảy ra khi mạch máu bị vỡ khiến máu chảy vào nhu mô não, khoang dưới nhện, và não thất... hoặc khi mạch máu bị tắc nghẽn khiến cho dòng máu bình thường lên não bị chặn lại gây thiếu máu hoặc nhồi máu não. 

Trong vòng vài phút bị tước mất các chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm cả oxy, các tế bào não bắt đầu chết – quá trình này có thể liên tục trong một vài giờ tiếp theo. Cần tìm kiếm sự trợ giúp của y tế ngay lập tức.

2. Làm thế nào để phát hiện đột quỵ não?

- Trong trường hợp có thể có đột quỵ, sử dụng từ viết tắt FAST để giúp ghi nhớ các dấu hiệu cảnh báo:

+ Face (mặt) - Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?

+ Arms (tay) - Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?

+ Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?

+ Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Ghi chú: Khi đưa ra cụm từ viết tắt F.A.S.T. (tương ứng với mỗi dấu hiệu cảnh báo theo nghĩa tiếng Anh), ngoài mục đích giúp cộng đồng dễ nhớ thì nó còn có ý nghĩa trong tiếng Anh là NHANH CHÓNG.

- Các dấu hiệu và triệu chứng khác của đột quỵ bao gồm:

+ Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân

+ Giảm hoặc mất thị lực, đặc biệt là ở một bên mắt

+ Đau đầu dữ dội - đau đầu đột ngột - đau đầu không có nguyên nhân rõ ràng

+ Chóng mặt, đứng không vững hoặc đột ngột ngã mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt nếu có kèm với bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào khác

- Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo độ tuổi.

Bạn có thể giúp đỡ bệnh nhân như thế nào?

- Đánh giá mức độ ý thức của bệnh nhân:

+ Nếu bệnh nhân bất tỉnh và thở bình thường, hoặc nếu không hoàn toàn tỉnh táo, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn)

- Gọi thêm người hỗ trợ và gọi số điện thoại cấp cứu 115 hoặc số điện thoại dịch vụ cấp cứu y tế tại địa phương bạn ngay lập tức.

Điều quan trọng đối với bệnh nhân là được đánh giá càng sớm càng tốt bởi vì điều trị phải được bắt đầu trong vòng 1 - 2 giờ đầu sau đột quỵ nếu máu đông gây tắc mạch não.

- Chăm sóc cho bệnh nhân còn tỉnh:

+ Hỗ trợ bệnh nhân còn tỉnh táo ở một tư thế thoải mái nhất

+ Đắp chăn cho bệnh nhân để làm giảm mất nhiệt nếu thời tiết lạnh

- Theo dõi bệnh nhân:

+ Trong khi đợi xe cứu thương đến hoặc đợi người hỗ trợ đưa bệnh nhân đi bệnh viện, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nhằm phát hiện bất cứ sự thay đổi tình trạng nào.

+ Nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm tình trạng ý thức nào của bệnh nhân, đặt bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn).


Nguồn: 

https://www.tienphong.vn/suc-khoe/thuc-hu-viec-dung-kim-chich-ngon-tay-cuu-nguoi-dot-quy-1212748.tpo

Tác giả: MN