Có nên uống Aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim?

Có nên uống Aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim?
Theo PGS. TS. Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), không phải ai cũng nên uống Aspirin và chỉ có những người đang có bệnh tim mạch hay rủi ro cao về bệnh tim mạch mới nên uống. Uống Aspirin bừa bãi có thể tăng rủi ro chảy máu bao tử và trong não (ít hơn).

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, PGS. TS. Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran) tại ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Hoa Kỳ đã đưa ra lời cảnh báo về việc sử dụng thuốc baby Aspirin (81mg) mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim.

Cụ thể, trong bài viết này, BS. Trần Huỳnh giải thích rõ về loại thuốc này, cũng như 2 căn bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim, đồng thời đưa ra dẫn chứng về khuyến cáo của các Hiệp hội chuyên khoa liên quan nhằm giúp mọi người có một cái nhìn tổng thể để hiểu rõ hơn về thói quen này.

Có nên uống Aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim? - Ảnh 1.

PGS. TS. Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran) tại ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Hoa Kỳ đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc baby Aspirin (81mg) mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim.

Thuốc Baby Aspirin 81mg là gì?

- Thuốc Aspirin là thuốc kháng viêm không phải Steroid (NSAID), là loại thuốc giảm đau hay dùng cho các trường hợp đau nhức nhẹ. Baby Aspirin là loại liều nhỏ, 81mg, so với loại Aspirin thông thường là 325mg. Hiện nay đa số thuốc Aspirin tại Mỹ là loại baby 81mg. Thuốc Aspirin ức chế lên chuỗi Prostaglandin, là chuỗi dây chuyền của đau nhức và viêm sưng, làm bệnh nhân bớt đau nhức. Tuy nhiên, ức chế Prostaglandin cũng mỏng đi màng bảo vệ bao tử, làm tăng rủi ro xuất huyết bao tử.

- Thuốc aspirin làm giảm khả năng máu đông lại, vì vậy giảm rủi ro các cục máu đông tụ lại, dễ gây ra đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Đối với những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ hay mắc bệnh tim thì Aspirin rõ ràng giúp giảm rủi ro tái phát đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, từ 17% dùng Aspirin cho đến 80% nếu kết hợp các thuốc khác.

- Tạp chí Annals of Medicine ước tính gần 1/4 dân số Mỹ uống Aspirin mỗi ngày không cần thiết (khoảng 23%). Phần lớn số bệnh nhân này uống thuốc Aspirin tự ý mà không hỏi ý kiến BS. Số bệnh nhân này sẽ tăng rủi ro mắc bệnh xuất huyết khi dùng Aspirin hằng ngày.

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim là gì?

- Đột quỵ là do một vùng não bị mất oxygen do mạch máu bị ngưng tuần hoàn. Có 2 loại đột quỵ chính là đột quỵ do nghẽn mạch máu (ischemic stroke), chiếm phần lớn (85-90%) và đột quỵ do vỡ mạch máu (hemorrhagic stroke), chiếm ít hơn (dưới 10%). Loại đột quỵ khác là TIA (cơn thiếu máu thoáng qua) cũng có thể coi là một dạng đột quỵ cho nghẽn mạch máu, nhưng cục máu đông sau đó lọt qua được khe hẹp và dòng máu lưu thông trở lại (nên gọi là cơn thiếu máu thoáng qua).

- Nhồi máu cơ tim (heart attack) là một vùng tim bị mất oxygen do mạch máu cung cấp cho tim bị ngưng. Đa số nhồi máu cơ tim là do nghẽn động mạch vành.

Có nên uống Aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim? - Ảnh 2.

Thuốc aspirin làm giảm khả năng máu đông lại, vì vậy giảm rủi ro các cục máu đông tụ lại, dễ gây ra đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. (Ảnh: Internet)

Các hiệp hội chuyên khoa khuyến cáo gì?

- Hội Tim Mạch Hoa Kỳ (American Heart Association) và Hội BS chuyên khoa tim mạch (American College of Cardiology) chính thức đề xuất chống lại việc uống baby Aspirin 81mg với người trên 70 tuổi mà không có bệnh tim và không có đột quỵ trước đây, hoặc bệnh nhân ở bất kỳ tuổi nào mà có rủi ro xuất huyết bao tử (như bị bệnh loét bao tử hoặc bệnh trào ngược bao tử GERD).

- Các khuyến cáo này dựa trên 3 nghiên cứu chính. 2 trong số 3 nghiên cứu này chỉ ra không có lợi ích trong việc uống thuốc Aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim. Thay vào đó, dùng Aspirin mỗi ngày tăng rủi ro chảy máu, có thể cao đến mức phải nhập viện và truyền máu do thiếu máu.

- Với người bị bệnh tiểu đường nhưng không có bệnh tim mạch thì uống Aspirin vừa co lợi vừa có hại. Lợi là giảm khoảng 1% rủi ro bị nhồi máu cơ tim và hại là 1% rủi ro tăng khả năng chảy máu.

Song, rõ ràng Aspirin hiệu quả với người đã có bệnh tim mạch và không có ích với người không có bệnh tim mạch. Tuy nhiên, với những bệnh nhân có thể phát bệnh tim mạch sau này như thuộc nhóm rủi ro cao dưới đây thì các bác sĩ có thể tính rủi ro tim mạch theo phần trăm dựa vào các chỉ số trên tại http://www.cvriskcalculator.com/.

Thông thường, khi rủi ro mắc bệnh tim mạch và đột quỵ trên 10% thì BS có thể sẽ cho bệnh nhân uống Baby Aspirin 81mg mỗi ngày vì lúc đó rủi ro tử vong do đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cao hơn chảy máu.

Theo BS. Trần Huỳnh, dưới đây là nhóm rủi ro cao có thể phát bệnh tim mạch:

+ Nam giới

+ Cao tuổi (trên 50)

+ Người Mỹ gốc Phi

+ Có bệnh tiểu đường

+ Cao huyết áp

+ Hút thuốc

+ Cao mỡ mức độ cao

Có nên uống Aspirin mỗi ngày để ngăn ngừa đột quỵ hay bệnh tim? - Ảnh 3.

BS. Trần Huỳnh nhấn mạnh, Aspirin không giúp chữa trị đột quỵ mà gọi 911 mới là cách tốt nhất để chữa. (Ảnh: Internet)

Có nên uống Aspirin 81 trong lúc nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ?

- Không.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch hoa kỳ AHA, trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ, bạn nên gọi 911 hay cấp cứu ngay lập tức chứ không nên tự ý cho bệnh nhân uống Aspirin. Sau khi gọi 911, chuyên viên có thể sẽ khuyên quý vị nên cho bệnh nhân uống Aspirin.

Lưu ý là Aspirin không giúp chữa trị đột quỵ mà gọi 911 mới là cách tốt nhất để chữa.

Khi nghi ngờ ai đó bị đột quỵ, hãy nhớ "FAST"

- Face drooping: méo mặt

- Arm weakness: yếu tay chân

- Speech: khó nói chuyện

- Time to call 911: hãy gọi 911 ngay lập tức.

Theo đó, BS. Trần Huỳnh đặc biệt nhấn mạnh, mọi người không nên tự ý uống Aspirin mỗi ngày. Thay vào đó, người bệnh nên gặp BS để xác định xem mình có bị bệnh tim mạch hay đột quỵ, hoặc có những rủi ro về mắc bệnh tim mạch không.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo và ước đoán rủi ro bệnh tim mạch và đột quỵ dựa vào công thức trên. Tuy nhiên, hãy nhớ trao đổi với BS để có quyết định cuối cùng. Đồng thời nên bỏ thói quen hút thuốc lá và điều trị chữa bệnh tiểu đường nhằm hạn chế tối đa các yếu tố gây hại cho sức khỏe.

Tác giả: An Nhi