Đột quỵ do quên uống thuốc tim: Bác sĩ khuyến cáo những điều bệnh nhân tim mạch bắt buộc phải nhớ!

Đột quỵ do quên uống thuốc tim: Bác sĩ khuyến cáo những điều bệnh nhân tim mạch bắt buộc phải nhớ!
Ngày 23/2, người phụ nữ 59 tuổi ở Phú Thọ bị đột quỵ, méo miệng, liệt nửa người bên trái. Bác sĩ Phan Ngọc Nhu, Phó trưởng Đơn vị Điều trị Thần kinh - Đột quỵ bán cấp, Trung tâm Đột quỵ cho biết: "Ở bệnh nhân này, nguyên nhân dẫn tới đột quỵ do uống thuốc chống đông không đều".

Đột quỵ là một bệnh lý nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, với bệnh nhân đang được chỉ định uống thuốc tim mạch như thuốc chống đông, hỗ trợ tim,... cần tuân thủ đúng liều dùng của bác sĩ chủ trị.

Bạn có thể tham khảo thêm về Việc dùng thuốc của bệnh nhân tim mạch trong giai đoạn dịch COVID-19 có cần thay đổi gì không?

1. Ăn Tết quên uống thuốc tim, người phụ nữ bị đột quỵ nguy hiểm

Khi đưa tới bệnh viện, bệnh nhân trong trạng thái méo miệng, nói không sõi, liệt hoàn toàn nửa người bên trái - biểu hiện của đột quỵ. Ngoài ra, quan sát niêm mạc da có biểu hiện nhợt nhạt, ngực trái đau tức.

Các bác sĩ bước đầu chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não trên nền suy tim, động mạch não giữa phải bị tắc.

Đột quỵ do quên uống thuốc tim: Bác sĩ khuyến cáo những điều bệnh nhân tim mạch bắt buộc phải nhớ! - Ảnh 2.

Bệnh nhân (phải) sức khỏe ổn định sau can thiệp nhồi máu não. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Khai thác tiền sử bệnh án cho thấy, người bệnh từng thay van tim sinh học năm 2018, uống thuốc chống đông thường xuyên. Tuy nhiên, những ngày Tết vừa qua, bệnh nhân quên, uống thuốc , không đều so với chỉ định của bác sĩ.

Sau hội chẩn, bệnh viện quyết định can thiệp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch. Kết quả là sau đó bệnh nhân đã có những dấu hiệu phục hồi tốt như tay, đầu ngón tay bàn chân có thể tự nâng lên, cử động nhẹ nhàng. Dần dần khôi phục vận động và trạng thái tỉnh táo. Hình ảnh kiểm tra sau 24 giờ can thiệp cho thấy vùng nguy cơ thiếu máu sau tái thông có hình ảnh tưới máu như nhu mô não bình thường.

2. Những nguyên tắc dùng thuốc người bị bệnh tim mạch bắt buộc cần nhớ để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ

Bác sĩ Phan Ngọc Nhu, Phó trưởng Đơn vị Điều trị Thần kinh - Đột quỵ bán cấp, Trung tâm Đột quỵ giải thích về đột quỵ do thiếu máu não cấp hay còn được gọi là nhồi máu não như sau:

Đột quỵ do thiếu máu não cấp là tình trạng xảy ra khi một vùng của não không được "bơm máu" đầy đủ, có thể xuất phát từ động mạch não bị tắc hoặc hẹp. Biến chứng có thể gây nguy hiểm tới sức khoẻ như phù não, tăng áp lực nội sọ, tụt kẹt não ảnh hưởng tới cả tính mạng.

Đột quỵ do quên uống thuốc tim: Bác sĩ khuyến cáo những điều bệnh nhân tim mạch bắt buộc phải nhớ! - Ảnh 3.

Sau đột quỵ có thể để lại di chứng như liệt mặt, méo miệng (Ảnh: Internet)

"Ở bệnh nhân này, nguyên nhân dẫn tới đột quỵ do uống thuốc chống đông không đều", bác sĩ Nhu cho biết.

Đồng quan điểm với bác sĩ Nhu, Bác sĩ Nguyễn Lê My - khoa Tim mạch tổng quát BV Nhân Dân 115 cũng có 4 lưu ý khi dùng thuốc đối với bệnh nhân tim mạch như sau:

2.1. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị mà không có chỉ định của bác sĩ

Việc mua thuốc không có đơn của bác sĩ không chỉ nguy hiểm đối với sức khoẻ bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nói riêng mà còn là khuyến cáo chung cho các bệnh nhân khác.

Bác sĩ My cho biết, một số loại thuốc khi tự ý mua và uống có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, cụ thể như sau:

- Thuốc lợi tiểu: rối loạn điện giải, chuột rút, mỏi cơ và thậm chí là gây rối loạn chuyển hoá mỡ

Đột quỵ do quên uống thuốc tim: Bác sĩ khuyến cáo những điều bệnh nhân tim mạch bắt buộc phải nhớ! - Ảnh 4.

Cần uống thuốc theo đúng liều, đúng chỉ định của bác sĩ (Ảnh: Internet)

- Thuốc trợ tim (digital): rối loạn nhịp tim hoặc ngộ độc do không điều chỉnh liều theo bác sĩ chỉ dẫn

- Thuốc hạ áp: gây tụt huyết áp trong trường hợp dùng quá liều

- Thuốc chống đông: dùng tự ý có thể dẫn tới rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết não,..

2.2. Trong quá trình điều trị cần tuân thủ theo chỉ định và có sự theo dõi định kì từ bác sĩ

Trong quá trình điều trị, bác sĩ là người nắm vững các vẫn đề mà bệnh nhân gặp phải từ đó điều chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Yếu tố ảnh hưởng tới việc chỉ định thuốc bao gồm:

- Loại bệnh tim mạch

- Yếu tố nguy cơ cao/thấp

- Đã có sự tổn thương cơ quan nào chưa

- Có bị bệnh tiểu đường đi kèm không...

2.3. Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc

Việc bệnh nhân tự ý ngưng thuốc có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khoẻ. Khi huyết áp trở về bình thường có nghĩa là thuốc đã phát huy được tác dụng và cần phải duy trì với liều lượng thích hợp.

Nhưng nếu ngưng thuốc thì sẽ gây tác dụng ngược lại. Nếu muốn giảm lượng thuốc, cần trao đổi với bác sĩ.

2.4. Không được tự ý đổi thuốc thay thế một hay nhiều loại thuốc trong đơn

Thông thường, bệnh nhân có thể dự trữ một vài loại thuốc có dược tính tương tự với thuốc trong đơn mà bác sĩ kê trong trường hợp gặp khó khăn khi mua thuốc trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, thuốc thay thế là thuốc nào, liều dùng bao nhiêu thì cần phải được bác sĩ chỉ định.

Tóm lại, với những người có tiền sử hoặc đang điều trị bệnh tim mạch cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, thăm khám - tái khám đúng lịch, dùng thuốc theo đơn chỉ dẫn và uống thuốc đều đặn.

Ngoài ra, có thể kết hợp với các chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm stress, căng thẳng,... Một khi có những biểu hiện bất thường cần nhanh chóng liên hệ với nhân viên/cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.


Tác giả: Kim Phụng