Người bệnh tim mạch cần biết cách dùng thuốc đúng để bảo vệ sức khỏe tốt nhất trước nguy cơ tấn công của dịch bệnh COVID-19.
Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường như hiện nay, với người bình thường đã là mối quan ngại rất lớn thì với bệnh nhân tim mạch lại càng phải thận trọng hơn, bởi tỉ lệ tử vong khi chẳng may nhiễm SARS-CoV-2 ở nhóm bệnh nhân tim mạch cao nhất (10,5%) trong nhóm bệnh nhân có các bệnh lý nền (ung thư - 5,6%, bệnh phổi mạn tính - 6,3%, đái tháo đường -7,3%…). Vì vậy người bệnh tim mạch cần biết cách dùng thuốc sao cho bảo vệ được sức khỏe tốt nhất trước nguy cơ tấn công của dịch bệnh.
Với bệnh nhân tim mạch đang phải dùng nhiều thuốc tim mạch, trong đó có các thuốc chữa tăng huyết áp nhóm tác động lên hệ renin – angiotensin – aldosterone như thuốc ức chế men chuyển (có đuôi là –pril như lisinopril, perindopril…) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (có đuôi tên –artan như valsartan, telmisartan…) sẽ ra sao trước nguy cơ tấn công của SARS-CoV-2. Bởi virus corona mới này khi xâm nhập cơ thể sẽ gắn với protein ACE2 trên bề mặt tế bào đường thở và phổi, nơi mà nó sẽ chiếm đoạt quyền điều khiển của tế bào và dẫn đến sự nhân bản hàng loạt virus. Thực nghiệm trên động vật cho thấy, các thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể có thể làm tăng sản sinh protein ACE2, dẫn đến bệnh nhân tim mạch dễ tổn thương hơn khi nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, thực nghiệm trên động vật thường không cho kết quả tương tự trên người. Thực tế, một số bằng chứng lâm sàng lại cho thấy việc dùng các thuốc này có xu hướng làm giảm tổn thương phổi ở những bệnh nhân tim mạch khi bị nhiễm virus gây viêm phổi khác. Do vậy, khi chưa có đủ bằng chứng về lợi ích cũng như nguy cơ của các thuốc này trên bệnh nhân nhiễm COVID-19, khuyến cáo hiện nay là không cắt giảm các thuốc này khi bệnh nhân đang phải dùng và cũng không nên thêm thuốc này khi bệnh nhân tim mạch không có chỉ định dùng trong bối cảnh nguy cơ hoặc mắc COVID-19.
Hiện nay, không có bằng chứng nào cho thấy các thuốc tim mạch nói chung làm hại đến người bệnh khi bị nhiễm COVID-19, trong khi các thuốc này cần thiết để phòng và điều trị các biến cố tim mạch nên việc dùng các thuốc tim mạch cần được tiếp tục ở các đối tượng này.
Với bệnh nhân đang dùng các thuốc chống đông mà phải theo dõi chỉ số đông máu (INR), nếu trong những tháng gần nhất không có sự biến động lớn và ổn định thì có thể trì hoãn việc xét nghiệm theo định kỳ và tiếp tục duy trì liều thuốc chống đông đang được dùng cùng với chế độ ăn uống ổn định theo hướng dẫn. Với những bệnh nhân không ổn định về thông số này trong thời gian gần đây hoặc bệnh nhân có các dấu hiệu chảy máu bất thường cần xét nghiệm hoặc điều chỉnh liều, nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa, có thể tìm giải pháp đến nơi xét nghiệm không nằm trong vùng dịch bùng phát hoặc có thể yêu cầu xét nghiệm tại nhà nếu khu vực đó có dịch vụ, sau đó liên hệ bác sĩ của mình để điều chỉnh.
Một số trường hợp bệnh nhân phải dùng các thuốc giảm viêm, hạ sốt thì chỉ nên khuyến cáo dùng acetaminophen (ví dụ, panadol, tylenol…). Không nên dùng các thuốc giảm viêm chống đau không steroid (NSAIDs) khác, ví dụ ibuprofen. Theo khuyến cáo của Chính phủ Pháp, việc dùng thuốc này (ibuprofen) có thể làm trầm trọng bệnh hơn ở tất cả bệnh nhân nhiễm COVID-19. Riêng ở bệnh nhân tim mạch thường có dùng các thuốc chống đông và ngưng tập tiểu cầu, nếu không nhiễm virus cũng đã không nên dùng NSAIDs vì làm tăng nguy cơ chảy máu và tổn thương thận.
Gần đây có thông tin thuốc chloroquine (một loại thuốc chữa sốt rét và chống viêm) được ứng dụng để chữa bệnh COVID-19. Những kết quả ban đầu của nghiên cứu với số lượng bệnh nhân không lớn cho thấy thuốc này có thể làm giảm lượng virus nhanh hơn. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu và các khuyến cáo chính thức, bệnh nhân tim mạch cần hết sức thận trọng không được tự ý sử dụng các thuốc này vì chloroquine có thể gây ra biến chứng rối loạn nhịp tim trầm trọng (QT dài trên điện tim đồ và xoắn đỉnh). Tại Việt Nam đã có trường hợp dùng thuốc chữa sốt rét để phòng COVID-19 phải nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc thuốc nặng.
Bệnh nhân tim mạch cần được duy trì chế độ tiêm phòng vắc xin, bao gồm vắc xin phế cầu khuẩn do nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát sau nhiễm COVID-19. Bệnh nhân tim mạch cũng nên được tiêm phòng cúm mùa.
Rất nhiều bệnh viện trong giai đoạn dịch thường giảm bớt các thủ thuật thường quy, các xét nghiệm hoặc tái khám. Do vậy, sử dụng các ứng dụng phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại video, hội chẩn từ xa có ý nghĩa đặc biệt và chúng ta nên tận dụng. Việc này có lợi ích không chỉ cho bệnh nhân mà cả cho nhân viên y tế trong việc làm giảm các nguy cơ lây nhiễm. Để chuẩn bị tốt cho việc thầy thuốc có thể tư vấn cho bạn từ xa, các bệnh nhân cần phải ghi chép đầy đủ các thông tin về triệu chứng, mạch, huyết áp, cân nặng, các thuốc đang dùng… khi được bác sĩ hỏi và tư vấn. Bệnh nhân cũng có thể nhờ người nhà giúp đỡ trong việc kết nối trực tuyến với các thầy thuốc. Ngược lại, các thầy thuốc cần thiết phải chia sẻ số điện thoại cho người bệnh.
Vấn đề tâm lý của người bệnh và của thầy thuốc cũng rất quan trọng. Đặc biệt với bệnh nhân tim mạch, sự lo lắng thái quá có thể làm bệnh tim mạch trầm trọng hơn, nhưng chủ quan quá sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy người bệnh tim mạch cần tuân thủ các khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh của Bộ Y tế và thường xuyên giữ mối liên lạc với bác sĩ tim mạch của mình./.
PGS. TS. BS. Phạm Mạnh Hùng(Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia Việt Nam)