Bắt chuyến xe từ quê nhà vào Sài Gòn, thầy giáo Lê Văn Đồng (33 tuổi, quê Quảng Ngãi) đến thẳng Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM để tiến hành tái khám. Vậy là đã gần hai năm người đàn ông chống chọi với căn bệnh ung thư lưỡi quái ác.
Thầy giáo Đồng kể hành trình chữa bệnh của mình.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn, có lúc tưởng như ngã quỵ vừa qua, người đàn ông nở một nụ cười nhẹ nhàng. Chắc chỉ có tình yêu mới có thể giúp anh thoát ly sự suy sụp khi nghĩ đến cái chết.
Cuối năm 2016, anh Đồng đang là giáo viên dạy toán thì phát hiện miệng mình có những nốt nhỏ hơi đau. Nghĩ là nhiệt miệng thông thường, anh mua thuốc uống nhưng tình trạng không khỏi mà ngày một trầm trọng hơn. Các nốt trong miệng dần chai đi và hành anh bị sốt.
Linh cảm chuyện chẳng lành, nam giáo viên lên mạng tìm hiểu thì thấy triệu chứng của mình rất giống căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Từ Quảng Ngãi đến BV Ung Bướu Đà Nẵng, dù đã chuẩn bị sẵn tinh nhần nhưng đất trời như tối sầm lại khi anh Đồng nhận kết quả trả về chính thức: anh đã bị ung thư lưỡi.
Khi đó anh sắp lấy vợ.
Với người giáo viên, ung thư lúc ấy là thứ gì đó vô cùng ghê gớm. Trong cơn hoang mang và suy sụp, anh chẳng thiết làm gì. Chỉ 20 ngày nữa là anh kết hôn rồi. Anh lo lắng nếu vợ sắp cưới nếu biết chuyện thì phải nói năng làm sao. Mọi thứ đến quá bất ngờ.
Bệnh nhân được phẫu thuật lấy khối u lưỡi và hạch ở cổ.
"Nhưng cô ấy chẳng những không ngại mà còn động viên tôi hết mình, rằng phải lạc quan mới chống chọi được bệnh tật. Gia đình cũng ủng hộ phía sau. Tôi cố trấn an mình mới chỉ là giai đoạn sớm thì vẫn trị được.
Tôi nhanh chóng lấy lại tinh thần và chưa bao giờ có ý định từ bỏ hôn sự. Tôi vào BV Ung Bướu TP.HCM mổ gấp, trước khi diễn ra đám cưới 3 ngày thì vết thương lành" – anh Đồng tâm sự.
Vợ con là động lực lớn nhất giúp thầy giáo dạy toán vượt qua bệnh tật.
BS Bùi Xuân Trường, trưởng khoa Ngoại 5, BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, bệnh nhân Đồng rất may mắn khi ung thư lưỡi ở giai đoạn 1, khối u mới rộng khoảng 1 cm.
Do vậy bệnh nhân chỉ phẫu thuật cắt rìa khối bướu (cách rìa 1,5cm), nạo hạch cổ để ngăn ngừa di căn rồi tái khám theo dõi định kỳ, không cần xạ trị cũng như tái tạo lưỡi.
Thời gian đầu, việc phát âm của anh Đồng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhờ kiên trì tập luyện, giọng nói của anh đã cải thiện đáng kể, vẫn có thể tiếp tục công việc đứng trên bục giảng.
Đến nay, gia đình anh đã có cuộc sống viên mãn con trai kháu khỉnh vừa lên 6 tháng.
Anh cũng chơi hoa lan để tập cho mình sự điềm tĩnh.
"Những ngày chán nản, tôi luôn nghĩ phải sống vì vợ con. Tôi mua phong lan ngắm để tập cho mình sự điềm tĩnh, lạc quan thoải mái" – Đồng chỉ vào tấm hình chậu hoa tươi thắm và nói rằng đó cũng là thứ góp phần vào việc chữa bệnh của anh.
Chỉ trong một tuần, khoa Ngoại 5 tiếp nhận đến 13 ca ung thư lưỡi. Tính từ tháng 8 đến nay, số lượng bệnh nhân ung thư lưỡi nhập viện là 51 ca. Đỉnh điểm là vào năm 2016 khi tại đây điều trị đến 372 ca bệnh ung thư lưỡi, trong đó 38 ca dưới 40 tuổi. Tỉ lệ nam mắc bệnh nhiều gấp đôi nữ.
Theo BS Trường, dù ung thư lưỡi đang ngày càng trẻ hóa, tuy nhiên nếu phát hiện và điều trị trong giai đoạn 1-2, có đến 70-80% bệnh nhân chữa khỏi bệnh.
BS cho biết ung thư lưỡi hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể lựa chọn phẫu thuật hay xạ trị đơn thuần và cắt bỏ hạch cổ để ngăn ngừa di căn. Phẫu thuật viên sẽ cắt rộng cách vị trí xâm nhiễm khoảng 1.5 cm, có thể cắt đến sàn miệng lẫn xương hàm. Nếu để khối u lớn, mất lưỡi quá nhiều thì phải tái tạo bằng vi phẫu vạt cẳng tay-quay, hoặc vạt đùi ngoài.
Sau khi tái tạo lưỡi một thời gian, bệnh nhân có thể phục hồi chức năng phát âm, nuốt, cảm giác.
Vì triệu chứng ung thư lưỡi dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường (kể cả thầy thuốc cũng có thể bỏ qua), người dân cần chú ý các dấu hiệu thay đổi, nhất là ở hai bờ lưỡi và bụng lưỡi như:
Anh Đồng là trường hợp điển hình khi sức khỏe giờ đã ổn định.
Có vết loét lâu lành không đau trên một tháng.
Tổn thương bạch sản (tiền ung thư) là những vùng nhỏ, dày nhẹ, màu trắng đục, lan tỏa hoặc đồng nhất.
Tổn thương hồng sản (tiền ung thư hoặc ung thư) là những vùng có màu đỏ sậm, nằm giữa vùng bạch sản hoặc tăng sừng xung quanh.
Có những u nhú lên trên bề mặt lưỡi, viền xung quanh không đều.
Ở giai đoạn muộn hơn, khi khối u xâm nhiễm, lưỡi sẽ hình thành mảng cứng, chảy máu và đau nhiều, không ăn uống được. Khối bướu trồi sùi như bông cải.
Để phòng bệnh ung thư lưỡi, người dân cần tránh những yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh như uống rượu, hút thuốc lá kéo dài, nhai trầu xỉa thuốc. Ngoài ra bạn cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, không để cơ thể thiếu hụt những vitamin như A,C...
Hình ảnh đã được sự cho phép của nhân vật.