Ai dễ mắc bệnh ung thư lưỡi nhất?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Ai dễ mắc bệnh ung thư lưỡi nhất?
Ung thư lưỡi là một căn bệnh nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân. Ai dễ mắc bệnh ung thư lưỡi nhất, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những đối tượng có nguy cơ cao.

Ung thư lưỡi là một dạng ung thư miệng nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong. Dạng ung thư lưỡi phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy.

Khi các tế bào ung thư phát triển ở hai phần ba lưỡi phía trước - phần lưỡi mà bạn có thể đẩy ra khỏi miệng, nó được coi là 1 loại ung thư khoang miệng. Khi ung thư xảy ra ở phần sau của lưỡi - phần lưỡi phía trong cổ họng, được coi là ung thư họng miệng.

1. Những đối tượng dễ mắc bệnh ung thư lưỡi

Mặc dù chưa có nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh ung thư lưỡi. Tuy nhiên, một số đối tượng sau có khả năng mắc bệnh ung thư lưỡi cao hơn những người khác:

- Những người hút thuốc hoặc nhai thuốc lá.

- Những người nghiện rượu.

- Những người ăn chế độ ăn ít trái cây, rau quả và nhiều thịt đỏ hoặc thực phẩm chế biến sẵn.

- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư lưỡi hoặc khoang miệng.

- Những người có thói quen nhai trầu.

- Người tiếp xúc với các hóa chất đặc biệt, bao gồm amiăng, acid sunfuric và formaldehyd.

- Nam giới lớn tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi cao nhất. Nhất là ở những người từ 50 tuổi trở lên.

- Những người hút thuốc nhiều có nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi cao gấp 15 lần so với những người khác.

Bên cạnh đó, bệnh nhân mắc các chứng bệnh sau cũng có nguy cơ bị bệnh ung thư lưỡi:

- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

- Bệnh nhân đã bị ung thư trước đó, đặc biệt là các loại ung thư tế bào vảy khác.

- Bệnh nhân bị nhiễm virus papilloma ở người (HPV), HPV lây theo đường quan hệ tình dục bằng miệng.

2. Chẩn đoán bệnh ung thư lưỡi

Các hình thức chẩn đoán hiệu quả nhất luôn bắt đầu với việc điều tra về bệnh sử, tiền sử của bệnh nhân. Các bác sĩ sẽ đặt câu hỏi cụ thể và đi sâu vào các triệu chứng lâm sàng để định hướng chẩn đoán.

Bên cạnh đó, cần thăm khám toàn bộ khoang miệng xuống cổ họng. Một số xét nghiệm chẩn đoán có thể cần phải làm cho việc chẩn đoán xác định bệnh và giai đoạn bệnh. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:

- Nội soi tai mũi họng

- X-quang sọ mặt, XQ ngực

- Siêu âm ổ bụng, hạch cổ.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT).

- Chụp phát xạ Positron (PET).

- Sinh thiết bằng cách sử dụng một mẫu mô nhỏ.

Bệnh ung thư lưỡi có thể được chữa trị và sẽ có triển vọng tốt hơn cho những người được chẩn đoán sớm. Những người bị ung thư không lan rộng có tỷ lệ sống sót cao hơn. Tỷ lệ sống sót trên 5 năm đối với ung thư lưỡi là 78% trước khi ung thư lan rộng.

Các biện pháp phòng ngừa

Mặc dù không thể ngăn ngừa được bệnh ung thư lưỡi một cách triệt để, tuy nhiên nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của ung thư lưỡi thì nên đi khám càng sớm càng tốt.Nếu như được chẩn đoán sớm thì cuộc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao.

Ngoài ra cần có lối sống lành mạnh để giảm thiểu nguy cơ phát triển ung thư lưỡi:

- Bỏ hút thuốc. Bởi vì bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư lưỡi.

- Tránh nhai các sản phẩm thuốc lá hoặc trầu.

- Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn việc uống rượu, bia, chất kích thích.

- Nên ăn một chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh, khoa học bao gồm nhiều trái cây và rau quả.

- Nên thực hành vệ sinh răng miệng tốt bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên.

- Mọi người nên tham dự các cuộc hẹn, thăm khám với bác sĩ nha khoa thường xuyên.

- Nên nhận thức được mối nguy hiểm của virus HPV, tầm quan trọng của tiêm phòng HPV để ngăn ngừa phần nào tình trạng nhiễm virus. Quan hệ tình dục an toàn và sử dụng các biện pháp tránh thai cẩn thận. Chú ý sử dụng các biện pháp phòng ngừa khi quan hệ tình dục bằng miệng để ngăn ngừa ung thư lưỡi hiệu quả.

Nguồn: http://www.ucihealth.org/medical-services/ear-nose-throat-ent/head-neck-cancer/tongue-cancer

https://www.medicalnewstoday.com/articles/322519.php


Tác giả: Thúy Nga