Cách hạn chế các tác dụng phụ của điều trị ung thư lưỡi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Cách hạn chế các tác dụng phụ của điều trị ung thư lưỡi
Bên cạnh các lợi ích liên quan tới việc cải thiện sức khỏe, các cách điều trị ung thư lưỡi cũng có những tác dụng phụ có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe bệnh nhân.

Cũng như nhiều căn bệnh ung thư khác, các cách điều trị ung thư lưỡi cơ bản gồm: phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân mà bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phù hợp.

1. Phẫu thuật ung thư lưỡi ít để lại tác dụng phụ

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư lưỡi cơ bản và quan trọng từ khi nó xuất hiện. Nhiệm vụ của phương pháp này là lấy hết các tổ chức ung thư thông qua các bước phẫu thuật. Thông thường, phẫu thuật sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sống của bệnh nhân như khả năng nuốt, nói, nhai, thẩm mỹ,…

Trong phẫu thuật, lưỡi và nền miệng của bệnh nhân có thể sẽ được cắt bỏ. Phần cắt bỏ sẽ được tái tạo lại nhờ kỹ thuật vi phẫu mạch máu và thần kinh bằng vạt cơ của vùng mặt trước cẳng tay.

Cuống mạch nuôi phần lưỡi tái tạo được nối với tĩnh mạch, động mạch vùng cổ. Dây thần kinh cảm giác của vạt da được ghép với thần kinh lưỡi sẽ được bảo tồn sau khi khối u được cắt bỏ. Điều này giúp hoạt động nuốt và nói của bệnh nhân được hồi phục một phần.

Cách làm này vừa loại bỏ trọn vẹn khối u vừa thúc đẩy quá trình hồi phục các chức năng của lưỡi mà tính thẩm mỹ không bị giảm.

Phẫu thuật ung thư lưỡi thường ít gây ra các tác dụng phụ nặng nề bởi nó thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, phẫu thuật thường không gặp nhiều khó khăn.

Nếu bắt buộc phải phẫu thuật trong giai đoạn bệnh tiến triển, phẫu thuật ung thư lưỡi phải đi kèm với các phương pháp hóa trị hay xạ trị. Khi đó, tỉ lệ xuất hiện tác dụng phụ do các phương pháp này gây ra cao hơn phương pháp phẫu thuật đơn thuần.

Tuyệt đối không dùng các thực phẩm ảnh hưởng xấu tới lưỡi, các chất kích thích, chất tẩy rửa quá sớm hoặc uống thuốc sai cách có thể khiến tổn thương sau mổ lâu hồi phục.

2. Cách hạn chế với tác dụng phụ của xạ trị

Xạ trị luôn nằm trong số các phương pháp điều trị triệt căn hoặc bổ trợ trong quá trình điều trị ung thư lưỡi.

Có hai loại xạ trị phổ biến được sử dụng: xạ trị áp sát và xạ trị ngoài.

+ Xạ trị áp sát: Nguồn phóng xạ được đặt trực tiếp lên khối u.

+ Xạ trị ngoài: Nguồn xạ được chiếu bằng máy gia tốc tuyến tính. Dựa vào tình trạng bệnh, xạ trị ngoài có thể dùng đơn lẻ hoặc kết hợp với các phương pháp khác.

Tuy nhiên, trong cách điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp xạ trị, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

- Viêm da: Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ phụ thuộc vào liều lượng bức xạ, cách phân liều bức xạ. Đây là tác dụng phụ phổ biến nhất và thường khiến bệnh nhân khó chịu và đau đớn. Để làm hạn chế ảnh hưởng của tác dụng phụ này, bệnh nhân không nên tự ý dùng các dung dịch, thuốc bôi trên da hoặc các chất khử trùng mà cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, bệnh nhân cần đội mũ, mặc quần áo dài hoặc sử dụng các thiết bị bảo vệ.

- Mệt mỏi: Đây cũng là một tác dụng phụ khá phổ biến của xạ trị. Nó xuất hiện sau thời kì ngừng chữa trị khoảng ba tới bốn tuần. Thời gian xuất hiện kéo dài khoảng 2 – 3 tháng. Một số tác nhân cũng khiến bệnh nhân mệt mỏi là thiếu máu, dùng thuốc, đau đớn, suy giáp, thiếu nước và dinh dưỡng, căng thẳng, thiếu ngủ và trầm cảm. Truyền máu hoặc sử dụng thuốc là cách phổ biến đối phó các tác dụng phụ này.

- Bệnh răng miệng: Chức năng của tuyên nước bọt bị suy giảm trong quá trình xạ trị. Để khắc phục vấn đề này, bệnh nhân cần vệ sinh đúng cách, nên đánh răng 3-4 lần một ngày cùng với bản chải mềm và kem đánh răng chứa fluoride. Các loại thức ăn hoặc chất lỏng có hàm lượng đường cao nên tránh sử dụng.

- Sự đổi thay trong hương vị: Lưỡi bị xạ trị thường gặp các biến đổi về vị giác. Các cơn đau nhức, khó nuốt, khô miệng khiến bệnh nhân chán ăn và giảm cân. Trong thời điểm này, lưỡi luôn cần được giữ sạch sẽ. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kích thích phục hồi vị giác cho bệnh nhân. Đồng thời, bệnh nhân có thể chế biến nhiều món ăn khác nhau để gây kích thích ăn uống được ngon miệng hơn.

3. Tác dụng phụ của hóa trị

Phương pháp hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất dưới dạng đơn hoặc đa chất truyền theo đường toàn thân hoặc động mạch lưỡi. Cách điều trị ung thư lưỡi này có tác dụng giảm thiểu thể tích khối u. Bên cạnh đó, sự phát triển của tế bào ung thư cũng bị ngăn chặn.

Tác dụng phụ của hóa trị ung thư lưỡi

Dẫu vậy, phương pháp này thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn, cụ thể:

- Gây độc với các tế bào bình thường trong cơ thể: Gây độc mạnh mẽ nhất thường là các tế bào sở hữu tốc độ phân chia nhanh như tế bào niêm mạc đường tiêu hóa, bạch cầu, hồng cầu, rụng tóc. Một số triệu chứng phổ biến là buồn nôn, nôn hay tiêu chảy,…

- Tác dụng phụ toàn thân: Chúng có thể khiến bệnh nhân mất cảm giác ngon miệng, việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn bị chững lại hoặc quá trình khử độc bị giảm hiệu quả.

Độ nặng và thời gian tác dụng phụ thuộc vào loại hóa chất được sử dụng, liều lượng và đường dùng. Các tác dụng phụ cũng tùy thuộc vào từng bệnh nhân với từng tình trạng khác nhau. Điều này tương tự như cách điều trị ung thư lưỡi bằng phương pháp xạ trị.

Thông thường, khi phát hiện ra tác dụng phụ, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc sao cho phù hợp với bệnh nhân. Nếu việc sử dụng thuốc không hiệu quả, các phương án đổi thuốc hoặc đổi phương pháp chữa bệnh sẽ được cân nhắc.

Cách đối phó

Trên thực tế, việc xuất hiện tác dụng phụ là hoàn toàn có thể xảy ra với mọi bệnh. Vậy nên, bệnh nhân cần chuẩn bị thật tốt để đối mặt với điều này.

- Cảm giác sợ xấu, sợ chết hay bị lệ thuộc vào người khác sẽ làm các cơn đau có nguy cơ phát tác mạnh hơn. Chúng cũng khiến quá trình điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn và thời gian hồi phục bệnh lâu hơn.

- Hạn chế những tác dụng phụ của hóa xạ trị bằng chế độ ăn uống và nghỉ ngơi theo phác đồ của bác sĩ. Uống nhiều nước, tăng cường trái cây và rau xanh để tăng sức đề kháng, đào thải những hóa chất độc hại bên trong cơ thể.

Vậy nên, khi gặp các tác dụng phụ, bệnh nhân cần bình tĩnh quan sát các triệu chứng và thông báo tới bác sĩ để có sự thay đổi kịp thời trong cách điều trị ung thư lưỡi. Căn bệnh này điều trị không quá khó nhưng yêu cầu sự kiên trì và nhẫn nại của bệnh nhân để loại bỏ triệt để.


Tác giả: Quang Anh