Khi nào bệnh nhân được chỉ định áp dụng xạ trị ung thư lưỡi?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Khi nào bệnh nhân được chỉ định áp dụng xạ trị ung thư lưỡi?
Xạ trị ung thư lưỡi có thể được chỉ định áp dụng độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp khác như phẫu thuật hay hóa trị, tùy vào giai đoạn bệnh cũng như mục đích là để thu nhỏ khối u hay giảm đau,...

Xạ trị ung thư lưỡi là một trong các phương pháp điều trị ung thư lưỡi kinh điển bên cạnh hóa trị và phẫu thuật. Xạ trị ung thư lưỡi có hiệu quả điều trị dựa trên nguyên tắc sử dụng các tia bức xạ, các hạt năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư lưỡi nhằm làm kiểm soát diễn tiến của bệnh và các triệu chứng do bệnh gây nên.

1. Những trường hợp cần xạ trị ung thư lưỡi

Nhìn chung, xạ trị ung thư lưỡi là phương pháp được sử dụng rất phổ biến trong nhiều trường hợp khác nhau khi điều trị ung thư lưỡi cho bệnh nhân. Tùy thuộc mục đích điều trị mà xạ trị ung thư lưỡi sẽ được điều chỉnh thích hợp về vùng chiếu xạ, liều lượng chiếu xạ, và thời gian chiếu xạ để tối đa hóa hiệu quả điều trị.

Sau đây là một số trường hợp thường được chỉ định xạ trị ung thư lưỡi trên lâm sàng:

- Xạ trị điều trị

Xạ trị ung thư lưỡi được biết đến là một trong các phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư lưỡi khi khối u không quá lớn. Nhờ tác dụng của tia xạ sẽ giúp tiêu diệt các tế bào ung thư, thu nhỏ khối u và kiểm soát tiến triển của bệnh. Với các trường hợp có khối u lớn, bệnh nhân có thể cần được phối hợp xạ trị với hóa trị hoặc phẫu thuật.

- Xạ trị chuẩn bị phẫu thuật

Xạ trị ung thư lưỡi cũng có thể được xem như một bước để chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật khi khối u quá lớn và không thể tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Xạ trị sẽ giúp thu nhỏ kích thước khối u để tạo điều kiện phẫu thuật hiệu quả hơn, phạm vi phẫu thuật nhỏ hơn và ít tổn thương mô hơn.

- Xạ trị sau phẫu thuật

Quá trình phẫu thuật có thể sẽ không loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư, vì thế xạ trị ung thư lưỡi sẽ được sử dụng để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật. Thông thường xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật thường được tiến hành 6 tuần sau khi bệnh nhân tiến hành phẫu thuật.

- Xạ trị giảm triệu chứng

Xạ trị ung thư lưỡi có tác dụng rất tốt trong việc giảm bớt các triệu chứng của bệnh cho bệnh nhân như khó nuốt, chảy máu, đau đớn,... Có khoảng 60%-80% cảm thấy tình trạng đau đớn của mình được cải thiện sau khi xạ trị ung thư lưỡi.

- Xạ trị điều ung thư lưỡi di căn

Khi tế bào ung thư lưỡi đã di căn đến nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, việc điều trị định khu như phẫu thuật sẽ là rất khó khăn. Do đó, xạ trị ung thư lưỡi thường được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân ung thư lưỡi di căn, đặc biệt là trường hợp ung thư lưỡi di căn xương hiệu quả điều trị được thể hiện rất tốt.

2. Một số tác dụng phụ sau xạ trị ung thư lưỡi

Mặc dù được chỉ định phổ biến trong nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư lưỡi và hiệu quả điều trị được đánh giá rất cao. Tuy nhiên khi xạ trị ung thư lưỡi đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các tác dụng phụ do xạ trị gây nên.

Một số tác dụng phụ có thể gây ra bởi xạ trị ung thư lưỡi có thể kể đến là những tác dụng phụ trên da (bỏng da, đỏ da, xạm da), khàn tiếng và thay đổi giọng nói, giảm tiết nước bọt, khô miệng, giảm vị giác và cảm giác, có thể có lở loét tại miệng,...

Nhưng bệnh nhân không cần thiết quá lo lắng về những tác dụng phụ sau xạ trị ung thư lưỡi, bởi hầu hết các tác dụng phụ sẽ tự hết sau một thời gian hoặc có thể được cải thiện bởi những phương pháp thích hợp.

Trên đây là giới thiệu sơ lược về các trường hợp có thể được chỉ định xạ trị ung thư lưỡi để điều trị. Bệnh nhân cần tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị để được giải đáp các thắc mắc liên quan đến xạ trị giúp quá trình xạ trị ung lưỡi được diễn ra thuận lợi, an toàn và hiệu quả nhất.

Nguồn dịch: 

https://www.cancer.org/cancer/oral-cavity-and-oropharyngeal-cancer/treating/radiation-therapy.html

Tác giả: QN