Cần chuẩn bị gì trước và sau xạ trị ung thư lưỡi?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Cần chuẩn bị gì trước và sau xạ trị ung thư lưỡi?
Để chuẩn bị tiếp nhận xạ trị ung thư lưỡi thì bệnh nhân cần có một sức đề kháng đảm bảo cùng những chỉ số cơ thể đáp ứng được mức độ xạ trị. Sau xạ trị ung thư lưỡi cả người nhà lẫn người bệnh cần phải đối phó với những tác dụng phụ không mong muốn.

1. Chuẩn bị trước khi xạ trị ung thư lưỡi

Trao đổi với bác sĩ:

Điều đầu tiên mà người bệnh ung thư lưỡi chuẩn bị xạ trị là phải tìm hiểu về phương pháp xạ trị, tác dụng phụ và những thắc mắc có liên quan tới phác đồ điều trị ung thư lưỡi mà bệnh nhân tiếp nhận. Một số câu hỏi có thể tham khảo như:

- Mức độ của phương pháp xạ trị ung thư lưỡi

- Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp điều trị.

- Những nguy cơ và phản ứng phụ thường gặp.

- Những phương pháp điều trị sẵn có khác.

Chuẩn bị sức khỏe và tâm lý

Trước khi bắt đầu xạ trị ung thư lưỡi bệnh nhân cần phải đảm bảo được sức khỏe cần thiết phục vụ cho quá trình tiếp nhận điều trị.

Người nhà nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn hợp lý cho người bệnh, đồng thời động viên bệnh nhân chuẩn bị tâm lý tốt, thoải mái, lạc quan, không áp lực.

2. Sau khi xạ trị ung thư lưỡi người bệnh nên làm gì?

Chăm sóc răng miệng sau xạ trị ung thư lưỡi:

Sử dụng phương pháp để điều trị triệt căn ung thư lưỡi có thể cũng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như: da bị cháy hoặc bị loét, viêm hoặc hôi miệng,...trong đó mất vị giác là một trong các tác dụng không mong muốn và các tác dụng này rất khó có thể bình phục được. Vì vậy người bệnh cần chú ý những điều sau để hạn chế tác dụng phụ sau khi tiến hành xạ trị.

- Khi bị khô miệng:

Ăn thức ăn mềm, xay nhuyễn hoặc chế biến thêm nước (nước sốt, nước thịt, nước canh...); uống từng ngụm nước hoặc canh để nuốt dễ dàng hơn; luôn mang theo nước uống; tăng tiết nước bọt bằng thức ăn, đồ uống có vị chua, nhai kẹo cao su.

- Khi bị đau và nhiễm trùng vùng miệng, hầu họng:

Cách khắc phục là ăn đồ tráng miệng hoặc trái cây ướp lạnh, vệ sinh răng miệng, súc miệng trước, sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ, giữ ẩm môi bằng cách thoa Vaseline. Bệnh nhân tránh dùng thức ăn, nước uống có chứa nhiều đường, thức ăn khô, cứng như rau sống, bánh mì nướng, bánh quy giòn hoặc thức ăn quá cay, quá mặn; các loại trái cây và nước ép có vị chua.

Không xúc miệng bằng những dung dịch có cồn. Nên ăn thực phẩm mềm, dễ nhai và nuốt (chuối, dưa hấu, pho mai, khoai tây nghiền, mì sợi, nui, bún, phở, sữa, bột ngũ cốc,…), nấu thức ăn thật mềm, thực phẩm cắt nhỏ và ăn lạnh hoặc để nguội. Vệ sinh răng miệng, súc miệng sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ (khoảng 4 lần mỗi ngày).

Theo dõi sau xạ trị ung thư lưỡi:

Để có kết quả xạ trị ung thư lưỡi tốt và tiên lượng ổn định thì sau xạ trị ung thư lưỡi người nhà và bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi và chú ý tới những tác dụng phụ bất thường. Một số vấn đề cần lưu ý như:

- Việc đầu tiên nên làm, đó là bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cần báo với bác sĩ về tất cả các thuốc mà bạn đang dùng, kể cả những thuốc bạn tự mua hoặc các loại dược thảo, vitamin…

- Thực hiện lộ trình xạ trị ung thư lưỡi kế tiếp đúng theo lịch hẹn của bác sĩ, nếu có thắc mắc hãy đặt câu hỏi, để bác sĩ xạ trị giúp đỡ bạn.

- Nếu người bệnh có triệu chứng buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, mệt mỏi … cần tham khảo thêm các hướng dẫn khác và báo ngay cho bác sĩ xạ trị ung thư lưỡi chủ trị.

- Bệnh nhân khi xạ trị ung thư lưỡi cũng cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khi điều trị, kể cả kết thúc một năm sau đó, chú ý mặc trang phục rộng rãi, thoải mái ở vùng xạ trị.

- Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần tránh nơi có đám đông và không tiếp xúc với những người đang bị nhiễm trùng, cảm cúm, ho hoặc sốt.


Tác giả: duongthihue