Theo các chuyên gia ung thư, ung thư lưỡi là bệnh ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng. Ung thư này dễ dàng quan sát được nhưng phần lớn bệnh nhân đến khám ở giai đoạn tổn thương ung thư đã lan rộng. Nhiều người nhập viện muộn, khối u xâm lấn gần hết lưỡi và khoang miệng đến mức không nói, không ăn được.
Bệnh không có biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn đầu và thường nhầm lẫn với một số triệu chứng của các bệnh lý tai mũi họng. Những vết loét lâu lành trên lưỡi mà mọi người thường chủ quan coi nhẹ có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Đó chính là lý do vì sao cần khám chẩn đoán ung thư lưỡi định kì để phát hiện bệnh sớm và có phương án điều trị kịp thời.
1. Ung thư lưỡi có triệu chứng như thế nào?
Giai đoạn đầu:
Những triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh bao gồm:
- Bệnh nhân có cảm giác khó chịu ở vùng lưỡi: cảm giác này giống như có dị vật hay xương cá cắm vào lưỡi, nhưng chỉ thoáng qua.
- Có khối gồ nổi lên bề mặt lưỡi: màu sắc thay đổi, niêm mạc trắng, tổn thương chắc, rắn, có thể ở dạng xơ hóa hoặc loét nhỏ.
- Hạch cổ: có thể gặp ở một số bệnh nhân ung thư lưỡi trong giai đoạn đầu của bệnh.
Giai đoạn toàn phát
Ở giai đoạn toàn phát, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ trên lâm sàng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân, nên bệnh ung thư lưỡi thường được phát hiện ở giai đoạn này.
- Đau lưỡi.
- Tăng tiết nước bọt.
- Chảy máu vùng miệng.
- Hơi thở có mùi khó chịu.
- Khó nói, khó nuốt: do lưỡi bị cố định, khít hàm.
- Nhiễm khuẩn: bệnh nhân sốt, mệt mỏi, chán ăn.
- Sụt cân.
- Khám lưỡi thấy ổ loét hoặc nhân lớn ở lưỡi.
Giai đoạn tiến triển
Bệnh diễn tiến nhanh theo chiều hướng xấu. Thể loét chiếm ưu thế ở giai đoạn này, loét ăn sâu vào bên dưới và lan rộng ra xung quanh, khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội, dễ bị chảy máu và bội nhiễm. Tổn thương hoại tử nhiều nên thường có mùi hôi.
Giai đoạn cuối
Một số triệu chứng có thể gặp ở bệnh nhân giai đoạn cuối:
- Sụt cân nhanh.
- Mệt mỏi.
- Rối loạn tiêu hóa: ăn mau no, đầy hơi, chướng bụng sau ăn, buồn nôn, rối loạn đại tiện, phân lẫn máu,...
- Sốt kéo dài.
- Hạch di căn.
- Tổn thương lưỡi.
- Một số triệu chứng ở vị trí di căn đến: vàng da, đau tức vùng ganm, ho nhiều,đau nhức xương...
Khám chẩn đoán ung thư lưỡi bao gồm nhiều xét nghiệm khác nhau:
- Khám lâm sàng: bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra khoang miệng và lưỡi xem có bất thường gì hay không như các đốm trắng, vết loét kèm theo mủ màu trắng hoặc dính máu… Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra hạch vùng cổ, dưới cằm để xác định thêm nguy cơ mắc bệnh.
- Sinh thiết: bác sĩ sẽ loại bỏ một mẫu mô nghi ngờ bằng cách cạo lấy tế bào bằng bàn chải hoặc cắt mẫu nhỏ để đem quan sát dưới kính hiển vi để xác định chính xác tình trạng bệnh.
- Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ: xác định mức độ xâm lấn của các tế bào ung thư, đánh giá tình trạng lan rộng của các tế bào.
- Chụp X quang hàm dưới: đánh giá tổn thương có thể lan rộng xuống khu vực cổ…
Trong số các bệnh ung thư đầu cổ thường gặp, ung thư lưỡi có tiên lượng sống tương đối tốt ở giai đoạn khối u khu trú. Theo đó, bệnh nhân có khoảng 78% cơ hội sống trong 5 năm nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu. Cơ hội sống cho bệnh nhân ở giai đoạn tiến triển khoảng 63% và ở giai đoạn cuối chỉ còn khoảng 36%. Vì vậy, ngay khi có các biểu hiện bệnh bất thường ở vùng lưỡi, đặc biệt là các đốm trắng, vết loét lâu lành cần đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị bệnh.