Tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi không phải là một phẫu thuật điều trị, tuy nhiên đây lại là một phẫu thuật tạo hình có ý nghĩa quan trọng đối với các bệnh nhân ung thư lưỡi. Phẫu thuật tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi sẽ giúp bệnh nhân hồi phục tối đa các chức năng của lưỡi đã bị mất đi do phẫu thuật, đồng thời đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh.
Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau được ứng dụng trên lâm sàng để giúp tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi như ghép vạt da, ghép vạt cơ hoặc ghép các vạt tự do,...
Có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên không phải trong trường hợp nào cũng cần thiết phải tái tạo lưỡi mới cho bệnh nhân ung thư lưỡi.
Trước tiên, phẫu thuật tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi thường là phương pháp đi kèm với phẫu thuật điều trị nhằm giải quyết các khuyết hổng thể tích và hình dạng của lưỡi do phẫu thuật để lại. Cho nên chỉ đối với các bệnh nhân có phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi bằng cắt bỏ một phần lưỡi mới cần thiết tái tạo lưỡi cho bệnh nhân.
Tiếp theo, vấn đề xử lí tạo hình, tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi cũng rất khác nhau giữa các bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ tổn thương do phẫu thuật để lại.
Trong trường hợp bệnh nhân có mức tổn thương lưỡi nhỏ hơn 50%, bệnh nhân vẫn có khả năng nói, nuốt, vị giác và thẩm mỹ tương đối tốt, thì việc tái tạo lại lưỡi mới trên diện rộng là không thật cần thiết. Khi này bệnh nhân có thể chỉ cần thực hiện che mặt cắt bằng vạt da đơn thuần vẫn sẽ có thể đảm bảo bệnh nhân có thể thực hiện tốt các chức năng cần thiết.
Còn đối với các trường hợp bệnh nhân có mức tổn thương lớn hơn 50%, hầu hết các chức năng do lưỡi đảm nhận đều bị ảnh hưởng nặng nề hoặc không thể thực hiện được bởi phẫu thuật điều trị. Khi này các bác sĩ sẽ tiến hành tạo hình lưỡi cho bệnh nhân để giúp bệnh nhân hồi phục chức năng.
Phẫu thuật tạo hình, tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi có thể sẽ được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật điều trị hoặc cũng có thể sẽ được tách ra thành một ca phẫu thuật riêng biệt.
Đối với các trường hợp lưỡi bị tổn thương ít (nhỏ hơn 50%) bệnh nhân có thể sẽ gặp một số khó khăn trong thời gian đầu sau phẫu thuật về phát âm, nuốt và nhai thức ăn,... Tuy nhiên hầu hết những vấn đề này đều có thể giải quyết khi bệnh nhân quen dần với kích thước và hình dạng mới của lưỡi.
Đối với các trường hợp tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi trên diện rộng, các nghiên cứu cũng đã cho thấy sự hồi phục chức năng của bệnh nhân sau phẫu thuật là rất khả quan.
Với các trường hợp này, bệnh nhân vẫn có thể phát âm tương đối tốt và chỉ gặp vấn đề đối với một số âm yêu cầu sự phối hợp phức tạp của lưỡi, khả năng nuốt và nhai thức ăn cũng không bị ảnh hưởng nhiều, sự thay đổi về vị giác là rất ít nhờ vào cơ quan cảm thụ vị giác tại phần lưỡi còn lại và trong khoang miệng hoạt động bù trừ.
Có thể thấy rằng, phẫu thuật tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao chất lượng sống của người bệnh. Tuy nhiên việc chỉ định tái tạo lưỡi cho bệnh nhân ung thư lưỡi cần cân nhắc kỹ lưỡng dựa vào tình hình cụ thể của người bệnh và phương pháp điều trị được áp dụng để điều trị.