Bị ung thư lưỡi có phải do di truyền?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Bị ung thư lưỡi có phải do di truyền?
Ung thư lưỡi là một căn bệnh ác tính có sự xuất hiện của một khối u phát triển trên mặt hoặc đằng sau lưỡi phía gần với cổ họng. Nguyên nhân thực sự của bệnh là gì và bị ung thư lưỡi có phải do di truyền?

Theo các kết luận nghiên cứu khoa học, bệnh ung thư thường do tự phát đơn lẻ, không có cơ sở di truyền. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc hội chứng ung thư có yếu tố di truyền vẫn chiếm 8-10%. Vậy bệnh nhân bị ung thư lưỡi có phải do di truyền hay không?

1. Tìm hiểu ung thư di truyền như thế nào

Ung thư di truyền là do đột biến gen khác nhau dẫn đến những loại ung thư khác nhau. Trong đó, đột biến gen BRCA1 và BRCA2 phổ biến cho các bệnh ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng...

Nếu trong gia đình của bạn có nhiều hơn một người thân, họ hàng bị ung thư lưỡi, ung thư vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt.. bạn nên đi kiểm tra xem liệu có ai mang gen đột biến không. Bởi số lượng người trong gia đình, họ hàng mắc bệnh ung thư càng lớn thì tỷ lệ di truyền càng cao. Đặc biệt những người có quan hệ huyết thống bậc một như mẹ, chị em gái, con gái.

2. Bị ung thư lưỡi có phải do di truyền?

Trên thực tế có 8% tỷ lệ số người bị ung thư mắc bệnh do di truyền. Các loại ung thư ở vùng đầu cổ thường gặp do di truyền gồm: ung thư Amidan, ung thư hạ họng, ung thư hạch vùng cổ, ung thư vòm họng, ung thư sàng hàm, thanh quản, ung thư lưỡi.

Ung thư lưỡi xảy ra khi có một hoặc nhiều tế bào bất thường phát triển ở trong lưỡi. Đây là bệnh ung thư phổ biến nhất trong số các bệnh ung thư thường gặp ở khoang miệng, thuộc các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ.

Ung thư lưỡi không di truyền nhưng các gen đột biến gây ung thư có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số gen đột biến có khả năng gây bệnh ung thư lưỡi là P53, Bcl-2,… Vì vậy, những người có người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh, chị, em bị ung thư lưỡi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người bình thường.

Chính vì yếu tố di truyền trên, nếu có người thân bị ung thư lưỡi, bạn nên đi xét nghiệm gen di truyền ung thư để phát hiện nguy cơ mắc bệnh.

3. Xét nghiệm gen di truyền ung thư

Các xét nghiệm gen di truyền ung thư giúp kiểm tra DNA và các thành phần của nó. Để từ đó phát hiện những đột biến trong các nhiễm sắc thể, protein và gen. Việc xét nghiệm gen di truyền ung thư là để đảm bảo trong cơ thể không có các tế bào bất thường và phát hiện sớm các tế bào ung thư cần chú ý để điều trị kịp thời.

Xét nghiệm gen di truyền ung thư được thực hiện bằng việc lấy mẫu máu, nước bọt và các mẫu xét nghiệm do bác sĩ chỉ định để phân tích, tìm ra các tế bào có nguy cơ đột biến di truyền nhằm ngăn chặn và điều trị chúng.

Ung thư, đặc biệt ung thư lưỡi vô cùng nguy hiểm, chính vì vậy việc rà soát lại danh sách người thân, họ hàng để biết nguy cơ ung thư di truyền của bản thân là rất quan trọng.

4. Các nguyên nhân khác cần cảnh giác ngoài yếu tố di truyền

Ngoài yếu tố di truyền, các nguyên nhân gây bệnh ung thư lưỡi vẫn chưa được xác định nhưng có rất nhiều yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ, bao gồm:

- Thuốc lá là một trong những yếu tố hàng đầu tăng cao nguy cơ mắc ung thư vùng đầu mặt cổ, bao gồm cả ung thư lưỡi. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư lưỡi cao hơn rất nhiều so với những người bình thường. Nguy cơ mắc bệnh ở những người hút thuốc cao gấp khoảng 6 lần so với những người bình thường.

- Uống nhiều rượu bia có liên quan đến khoảng 70 – 80% ca bị ung thư lưỡi.

- Chế độ ăn, sinh hoạt không khoa học, ăn uống thiếu nhiều chất như vitamin A, E, D, sắt…

- Nhiễm virus HPV.

- Nhiễm chất phóng xạ.

- Vệ sinh răng miệng kém, nhai trầu...


Tác giả: Thúy Nga