Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ thường gặp

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ thường gặp
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng, trong đó có các chị em phụ nữ. Thậm chí, phụ nữ còn là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này do những yếu tố liên quan đến hormone. Dưới đây là một số biểu hiện viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ.

Yếu tố giới tính có tác động nhất định đến sự hình thành và phát triển của viêm khớp dạng thấp. Do đó, phụ nữ được xem là đối tượng hàng đầu có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Vậy yếu tố hormone có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh viêm khớp dạng thấp? Triệu chứng bệnh ở phụ nữ sẽ có khác biệt ra sao so với các đối tượng khác? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ

Nhìn chung, dấu hiệu bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ không khác nhiều so với các đối tượng khác. Bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ cũng được đặc trưng bởi những triệu chứng sau đây:

Các triệu chứng ở khớp

Bao gồm tình trạng đau, sưng và cứng khớp. Chúng thường bắt đầu ở các khớp ngoại biên nhỏ chẳng hạn như khớp ở ngón tay hoặc ngón chân. Các cơn đau của bệnh viêm khớp dạng thấp có xu hướng đối xứng nên chúng thường ảnh hưởng đến cả 2 bên cơ thể.

Chị em phụ nữ còn phải chịu đựng các cơn cứng khớp kéo dài hơn 30 phút vào đầu ngày. Chỉ khi người bệnh xoa bóp và xoay khớp, thì các cơn co cứng này mới thuyên giảm.

Các triệu chứng ở da

Là một trong những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bệnh viêm khớp dạng thấp. Do đó, các chị em có thể dựa vào các dấu hiệu trên da để nhận diện bệnh của mình. 

Cụ thể, viêm khớp dạng thấp sẽ gây ra các hạt nhỏ bên dưới hoặc nổi lên hẳn bề mặt da. Các hạt nhỏ này thường khá cứng, không gây đau và thường xuất hiện tại những vùng chịu áp lực. Do đó, chị em phụ nữ nên chú ý khi phát hiện các hạt nhỏ ở khuỷu tay của mình.

Triệu chứng toàn thân

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể được phát hiện nhờ những dấu hiệu trên cơ thể. Ví dụ, bệnh gây ra tình trạng khô mắt, giảm thị lực, rát miệng, kích ứng và nhiễm trùng nướu. Bệnh khiến cho chị em luôn có cảm giác như đang mắc cảm cúm, mệt mỏi, chán ăn và sút cân.

Nguy hiểm hơn, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng của tim và phổi. Chính vì vậy mà các hiện tượng như tức ngực, khó thở hay viêm phổi xảy ra thường xuyên hơn.

Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra không ít phiền toái cho sức khỏe và tâm lý của các chị em. Nguy cơ mắc bệnh và khả năng phát triển của bệnh phụ thuộc rất lớn vào quá trình thay đổi hormone. Do đó, chị em phụ nữ nên lưu ý theo dõi sức khỏe thường xuyên để có kế hoạch điều trị phù hợp.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Nguyên nhân là do hormone giới tính ít nhiều có mối quan hệ với sự phát triển của căn bệnh này. Nồng độ hormone có sự thay đổi theo các giai đoạn trong cuộc đời người phụ nữ. Theo đó, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có sự biến đổi theo các mốc thời gian này. Cụ thể như sau:

Mang thai: Phụ nữ đã từng mang thai ít có khả năng mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hơn so với những người khác. Nếu mắc bệnh trước khi mang thai, người bệnh sẽ gặp ít triệu chứng của bệnh hơn trong thai kỳ.

Sau sinh: Phụ nữ có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn trong năm đầu tiên sau khi sinh. Bởi đây là giai đoạn người phụ nữ có sự thay đổi lớn và nhanh về nồng độ hormone trong cơ thể.

Đang cho con bú: Việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể hạn chế sự phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Thời kỳ mãn kinh: Nồng độ estrogen có xu hướng giảm sau tuổi 40. Do đó, phụ nữ có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn sau tuổi 40. Quá trình mãn kinh sớm cũng khiến là nguyên nhân khiến các chị em gặp các vấn đề với căn bệnh này. Đồng thời, diễn biến của bệnh viêm khớp dạng thấp sau quá trình mãn kinh cũng thường xảy ra nhanh và phức tạp hơn.

Một số căn bệnh làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể của người bệnh. Do đó, chúng là tác nhân gây bệnh hoặc thúc đẩy sự phát triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Các căn bệnh thường gặp ở phụ nữ có thể kể đến: lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang…

Ngoài ra, tác dụng của các loại thuốc chống estrogen cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ. Các loại thuốc này thường được chị em sử dụng để điều trị vô sinh, ung thư vú, loãng xương…


Tác giả: Thùy Dung