Biến chứng của viêm khớp dạng thấp ở trên da là gì?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Biến chứng của viêm khớp dạng thấp ở trên da là gì?
Nếu không được cải thiện đúng và kịp thời, biến chứng của viêm khớp dạng thấp không chỉ dừng lại ở việc giảm chức năng vận động, teo cơ, tàn phế mà còn ảnh hưởng xấu đến da.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh viêm đặc hiệu xảy ra ở các khớp gây tổn thương màng hoạt dịch, sụn khớp và đầu xương dưới sụn, diễn biến mạn tính dẫn đến tình trạng dính và biến dạng khớp.

Viêm khớp dạng thấp không có biểu hiện viêm khớp và sự có mặt của yếu tố dạng thấp trong máu. Đây là một trong các bệnh khớp viêm mạn tính thường gặp nhất ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, chiếm khoảng 0,5-2 % dân số.

Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn khá điển hình ở người, dưới dạng viêm mãn tính ở nhiều khớp ngoại biên với biểu hiện khá đặc trưng: sưng, đau khớp, cứng khớp buổi sáng và đối xứng hai bên. Ngoài ra, còn có các biểu hiện toàn thân (mệt mỏi, xanh xao, sốt gầy sút…) và tổn thương các cơ quan khác trên cơ thể.

1. Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp trên da

Viêm khớp dạng thấp chủ yếu ảnh hưởng đến khớp. Nhưng nó, và nhiều loại thuốc được dùng để điều trị nó, cũng có thể ảnh hưởng đến da. Vậy những biến chứng của viêm khớp dạng thấp trên da là gì?

1.1. Khối u tại các khớp

Khoảng 1 trong 5 người bị viêm khớp dạng thấp có các khối u ở khớp. Những khối mô cứng này có kích thước từ cỡ hạt đậu đến lớn như quả bóng bàn. Chúng có thể phát triển dưới da trên các khu vực xương như khuỷu tay, mắt cá chân hoặc ngón tay. Các khối u tại các khớp cũng có thể hình thành trên các cơ quan như phổi.

Đối với một số người, điều trị bằng cách dùng DMARDs (thuốc chống thấp khớp) hoặc tiêm steroid có thể thu nhỏ các khối u này. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để loại bỏ chúng nếu chúng bị nhiễm trùng hoặc trở nên đau đớn.

1.2. Phát ban và loét da

Tuy rằng tình trạng này là hiếm, nhưng ở một số người, phát ban là một dấu hiệu cho thấy họ có viêm mạch, đây là tình trạng bị viêm ở các huyết mạch nhỏ và vừa.

Chỉ có khoảng 1 trong 100 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị viêm mạch. Các mạch máu bị ảnh hưởng phổ biến nhất là các động mạch mang máu đến da, dây thần kinh và các cơ quan nội tạng.

Khi các mạch nhỏ ở đầu ngón tay và xung quanh móng bị ảnh hưởng, kết quả có thể là các nốt nhỏ trên đầu ngón tay, vết loét nhỏ hoặc đỏ xung quanh móng.

Nếu nó xảy ra trong các mạch máu lớn hơn, nó có thể gây phát ban đau đớn , thường ở chân. Trong trường hợp nghiêm trọng, vết loét có thể hình thành và có khả năng chúng có thể bị nhiễm trùng.

2. Biến chứng do tác dụng phụ của thuốc điều trị

Các vấn đề về da những người mắc viêm khớp dạng thấp thường có liên quan đến các loại thuốc họ dùng để giảm triệu chứng hoặc kiểm soát bệnh của mình. Các vấn đề về da liên quan đến thuốc bao gồm:

Phát ban da

- Điều này có thể xảy ra nếu bạn dùng các loại thuốc như:

+ Celecoxib (Celebrex),

+ Diclofenac (Voltaren),

+ Hydroxychloroquine (Plaquenil),

+ Ibuprofen (Arava),

+ Methotrexate (Rheunatrex, Trexall),

+ Minocycline (Minocin),

+ Naproxen Sulfasalazine (Azulfidine),

+ Tolmetin (Tolectin).

- Phát ban da có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng với thuốc. Vì vậy, bạn nên cho bác sĩ biết nếu da của bạn bị nổi ban hoặc bắt đầu ngứa.

- Tùy thuộc vào loại phát ban bạn có và mức độ nghiêm trọng của nó, bác sĩ có thể giảm liều hoặc ngừng thuốc hoàn toàn. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần một loại thuốc khác, chẳng hạn như corticosteroid hoặc thuốc kháng histamine, để ngăn chặn phản ứng.

Dễ bầm tím

Một số loại thuốc viêm khớp làm cho bạn dễ bị bầm tím hơn vì chúng làm mỏng da hoặc cản trở quá trình đông máu. Chúng bao gồm aspirin và steroid như prednison.

Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời

- Cyclosporine (Sandimmune , Neoral),

- Diclofenac (Voltaren),

- Diflunisal (Dolobid),

- Ketoprofen Methotrexate (Rheumatrex, Trexall),

- Naproxen (Naprosyn),

- Piroxicam (Feldene).

Nếu bạn dùng thuốc này, hãy tránh ánh nắng trực tiếp, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Tránh tắm nắng.

Khi ở ngoài trời, hãy mặc quần áo bảo hộ, chẳng hạn như áo sơ mi dài tay, quần dài và mũ rộng vành. Sử dụng kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên để bảo vệ chống lại tia UVA và UVB.

Nguồn dịch: https://www.webmd.com/rheumatoid-arthritis/guide/rheumatoid-arthritis-skin-problems#2


Tác giả: Thúy Nga