Đôi khi, chính những thói quen tưởng chừng vô hại lại có thể kích hoạt các cơn viêm khớp bùng phát gây sưng tấy, đau nhức và góp phần vào việc viêm nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Hoạt động thể chất thường xuyên là cần thiết để duy trì sức khỏe, bao gồm cả người bị viêm khớp dạng thấp. Tập thể dục hợp lý giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp cũng như sức khỏe xương và khớp khi bị bệnh. Việc không tập thể dục thường xuyên có thể làm tăng độ cứng của khớp, giảm phạm vi chuyển động và có thể dẫn đến sự yếu đi của cơ bắp xung quanh khớp. Điều này có thể làm tăng cảm giác đau và khó chịu, làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh.
Đọc thêm:
- Ngạc nhiên với 7 lợi ích sức khỏe của việc đi bộ lùi
- 15 loại thực phẩm theo mùa giúp kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp (RA)
Nghỉ ngơi cũng cần thiết để phục hồi cơ thể khỏi những cơn đau dữ dội và mệt mỏi đặc trưng của RA. Nhưng nghỉ ngơi không thể trở thành một lối sống và điều quan trọng là bạn cần cân đối giữa mức độ vận động và thời gian nghỉ ngơi khi bị viêm khớp dạng thấp.
Một số thực phẩm và chất phụ gia được cho là có thể thúc đẩy tình trạng viêm của cơ thể - điều này đặc biệt gây khó chịu cho người đang bị bùng phát cơn đau do viêm khớp dạng thấp.
Các thực phẩm gây viêm có thể kể đến như đường, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, axit béo omega-6, carbohydrate tinh chế, bột ngọt (MSG), gluten, aspartame và rượu. Hãy thảo luận với bác sĩ về chế độ ăn cho người bị viêm khớp. Các thực phẩm chống viêm thường được khuyến khích trong chế độ ăn khi bị bệnh, bao gồm:
- Các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá trích, cá saba chứa omega-3 có tác dụng giảm viêm.
- Hạt lanh, hạt chia cũng là nguồn cung cấp omega-3 tốt.
- Rau xanh lá đậm như cải bó xôi, cải kale chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin E.
- Quả bơ, quả ô liu chứa chất béo không bão hòa đơn có lợi cho việc giảm viêm.
- Quả mâm xôi, quả dâu tây, quả việt quất giàu chất chống oxy hóa giúp chống viêm.
- Gừng và nghệ có khả năng chống viêm tự nhiên.
- Hạt ý dĩ, quinoa chứa nhiều chất xơ và protein thực vật.
- Dầu ô liu nguyên chất giàu polyphenols có tác dụng chống viêm.
- Các loại hạt như hạt điều, hạt hạnh nhân chứa chất béo không bão hòa đa và vitamin E.
Vận động quá sức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh viêm khớp dạng thấp. Đối với những người mắc bệnh này, việc luyện tập vừa phải là quan trọng để duy trì khả năng vận động và giảm đau. Tuy nhiên, vận động quá mức hoặc tập luyện không đúng cách có thể làm tăng triệu chứng viêm, gây đau và sưng khớp thậm chí còn làm tổn thương khớp nặng nề hơn. Khi luyện tập cần lắng nghe tín hiệu đau của cơ thể và dừng lại khi cần thiết.
Bài tập cho người viêm khớp dạng thấp nên bao gồm các bài tập nhẹ nhàng, không gây áp lực lớn lên khớp. Các bài tập kéo giãn, tập dưỡng sinh, yoga hoặc bơi lội thường được khuyến khích vì chúng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện sự linh hoạt và giảm cứng khớp mà không làm tổn thương các khớp. Ngoài ra, các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ cũng có ích.
Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp và cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm của bệnh. Ngoài ra, hút thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp và làm tăng nguy cơ biến chứng.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp luôn được khuyến cáo bỏ hút thuốc để cải thiện tình trạng sức khỏe và hiệu quả điều trị.
Cơn viêm khớp dạng thấp có thể bùng phát do căng thẳng. Căng thẳng về tinh thần có thể làm tăng sản xuất các hormone như cortisol, có thể góp phần tăng viêm và đau nhiều hơn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của viêm khớp dạng thấp như đau, sưng và cứng khớp.
Ngoài ra, căng thẳng còn có thể làm giảm khả năng của cơ thể trong việc quản lý cơn đau và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, điều quan trọng trong việc hồi phục và quản lý bệnh. Do đó, các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, tập thể dục nhẹ nhàng và liệu pháp tâm lý có thể hỗ trợ những người bị viêm khớp dạng thấp trong việc quản lý bệnh của họ.
Theo Healthline, mất nước không liên quan trực tiếp tới các đợt bùng phát viêm khớp dạng thấp nhưng uống đủ nước có thể giúp các khớp của bạn dễ chịu hơn, giảm viêm và trơn tru hơn. Nhiều trường hợp bị viêm khớp dạng thấp cũng báo cáo rằng họ cảm thấy các khớp và cơ bắp xung quanh trở nên cứng hơn, mệt mỏi và uể oải hơn khi không uống đủ nước. Thêm vào đó, khi mất nước, cơ thể bạn có thể không sản xuất đủ chất lỏng hoạt dịch - chất lỏng dày nằm giữa các khớp hoạt động như một lớp đệm và giúp ngăn ngừa ma sát khi bạn di chuyển.
Nói cách khác, nước đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các bộ phận khác nhau của cơ thể hoạt động tốt nhất. Việc thiếu chất lỏng có thể làm tăng tình trạng viêm và làm giảm lượng chất lỏng hoạt dịch giữa các đệm khớp.
Bảo vệ khớp là một lưu ý quan trọng cho bất cứ ai bị viêm khớp dạng thấp giúp giảm đau, ngăn ngừa biến dạng, ổn định khớp và giảm căng thẳng cho khớp. Bạn có thể bảo vệ khớp bằng nẹp bảo vệ khớp hoặc các thiết bị chuyên dụng. Việc không bảo vệ khớp đúng cách có thể khiến tình trạng viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh nha chu và viêm khớp dạng thấp. Các nghiên cứu cho thấy các triệu chứng và các yếu tố khác của bệnh nha chu (chẳng hạn như chảy máu nướu, viêm nướu và độ sâu của túi răng) nặng hơn ở những người cũng mắc bệnh RA. Điều này có nghĩa là nếu RA của bạn nghiêm trọng hơn thì có khả năng bệnh nha chu của bạn cũng sẽ trầm trọng hơn và ngược lại.
Vì vậy mà việc duy trì vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của cả hai tình trạng này.
Nhiều người cho rằng khi các khớp cảm thấy tốt hơn thì có thể dừng thuốc và không cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, khi bạn ngừng dùng thuốc, bệnh của bạn sẽ quay trở lại bởi viêm khớp dạng thấp là một bệnh mãn tính và bác sĩ của bạn sẽ cố gắng kê đơn thuốc ít nhất có thể để duy trì.
Điều quan trọng cần lưu ý là bạn không bao giờ nên ngừng thuốc mà không nói chuyện với bác sĩ trước. Nếu lý do khiến bạn dừng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp là do tác dụng phụ, hãy nói chuyện này với bác sĩ chủ trị để được điều chỉnh thuốc hoặc liều phù hợp.
Tóm lại, bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch mãn tính, có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng ở khớp và các cơ quan khác nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Các yếu tố như việc không tuân thủ điều trị, chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, hút thuốc lá và các tình trạng nhiễm trùng có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Việc nhận thức được những điều này và chủ động trong việc quản lý bệnh có thể giúp kiểm soát triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế sự tiến triển của bệnh. Người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp, đồng thời duy trì lối sống tích cực để đối phó hiệu quả với viêm khớp dạng thấp.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 12 Things That Can Make Rheumatoid Arthritis Worse
2. RA and Periodontal Disease: What's the Link?