Tùy từng nguyên nhân gây đau nhức khớp đột ngột là bệnh gì mà điều trị sẽ có sự khác biệt. Có những nguyên nhân có thể điều trị giảm nhẹ tại nhà, tuy nhiên có những nguyên nhân tiềm ẩn nghiêm trọng hơn cần can thiệp điều trị y tế càng sớm càng tốt, giảm nguy cơ biến chứng sức khỏe.
Trước tiên, đau nhức khớp đột ngột có thể xảy ra ở một hoặc nhiều khớp trên cơ thể, chẳng hạn như đau khớp hông, đau khớp gối, đau nhức khớp cổ tay hoặc đau nhức khớp toàn thân. Đây có thể do tình trạng mới mắc phải hoặc do bệnh lâu năm bùng phát gây ra các cơn đau khớp đột ngột. Ngoài việc đột ngột bị đau nhức khớp thì người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khớp khác đi kèm như nóng ấm vùng khớp bị đau, sưng khớp hoặc cứng khớp dẫn tới giảm phạm vi chuyển động.
Đau nhức khớp đột ngột là bệnh gì? Ảnh: ST
Đọc thêm:
+ 6 cách giảm đau tay do viêm khớp dạng thấp khi giao mùa
+ Buổi sáng ngủ dậy bị sưng tay do đâu? Có phải bệnh khớp không?
- Bệnh viêm khớp: Có một số loại viêm khớp có thể gây ra các triệu chứng cấp tính chẳng hạn như đau khớp đột ngột - thay vì các triệu chứng mãn tính, cụ thể:
+ Viêm khớp dạng thấp: Xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công ngược lại các mô gấp dẫn tới phản ứng viêm ở màng bao hoạt dịch gây đau khớp. Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bắt đầu bằng các triệu chứng viêm nhẹ ở một vài khớp. Theo thời gian nếu không được điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng tới phạm vi khớp rộng hơn và đau nhức tăng lên. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp bao gồm: Đau khớp khi nghỉ ngơi và đau khớp khi vận động; sưng và nóng khớp; việc di chuyển khó khăn hơn do khớp bị sưng; mệt mỏi; sốt nhẹ và mất cảm giác thèm ăn.
+ Viêm khớp cấp: Đặc trưng với các cơn đau khởi phát nhanh chóng hoặc đột ngột. Cơn đau khớp và cứng khớp sau thời gian nghỉ ngơi hoặc không hoạt động, đặc biệt là vào buổi sáng, kéo dài khoảng một giờ; sưng, đỏ và nóng ở các khớp bị ảnh hưởng. Viêm khớp cấp xảy ra do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức gây ra, thường tấn công nhiều khớp (và có thể là các hệ thống khác trong cơ thể) cùng một lúc. Việc chẩn đoán và điều trị sớm là điều cần thiết để ngăn ngừa loại viêm khớp này trở thành tình trạng mãn tính.
+ Viêm khớp nhiễm khuẩn: Là tình trạng nhiễm khuẩn khớp do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra, trong đó vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất. Phạm vi khớp bị ảnh hưởng có thể khác nhau tùy từng độ tuổi, chẳng hạn trẻ em thường ảnh hưởng ở vùng khớp hông trong khi đó người trưởng thành thường ảnh hưởng ở các khớp tay, chân nhất là khớp đầu gối. Dấu hiệu viêm khớp nhiễm khuẩn gồm: Sốt, cảm thấy khó chịu nói chung; đau sưng khớp, sờ vào có cảm giác ấm nóng; giảm phạm vi chuyển động ở khớp bị đau.
Viêm khớp nhiễm khuẩn là trường hợp cần được chăm sóc y tế khẩn cấp, bệnh có thể gây ra tình trạng sốc nhiễm trùng, có thể dẫn tới tử vong. Ước tính tỷ lệ tử vong thay đổi từ 4% đến 42% dựa trên các yếu tố bao gồm vị trí nhiễm trùng, nguyên nhân và độ tuổi của bệnh nhân.
Viêm xương khớp thường gặp ở người lớn tuổi (Ảnh: ST)
+ Viêm khớp phản ứng: Viêm khớp phản ứng xảy ra do phản ứng với nhiễm trùng, thường là nhiễm trùng do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục hoặc do thực phẩm. Các vi khuẩn có thể gây ra tình trạng này bao gồm Chlamydia, Shigella, Campylobacter, Yersinia và Salmonella. Các triệu chứng thường xuất hiện khoảng một đến sáu tuần sau khi hồi phục sau nhiễm trùng.
Các triệu chứng chính là đau khớp và cứng khớp, đặc biệt là ở đầu gối và mắt cá chân ở một bên cơ thể. Triệu chứng khác có thể gặp như: Tiểu rát, tiểu nhiều lần; nhiễm trùng mắt; mệt mỏi; giảm cân; tiêu chảy; phát ban da; dày móng. Các triệu chứng thường biến mất sau vài tháng nhưng đôi khi có thể kéo dài tới một năm.
+ Bệnh gút: Bệnh gút là một tình trạng viêm cực kỳ đau đớn do sự tích tụ các tinh thể axit uric trong các khớp. Sự tích tụ này xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong cơ thể hay còn gọi là tăng axit uric máu. Bệnh gút thường ảnh hưởng đến một khớp tại một thời điểm, phổ biến nhất là khớp ngón chân cái. Với người bị gút, cơn gút cấp có thể dẫn tới các cơn đau nhức khớp đột ngột và dữ dội, đau nhức kèm theo sưng tấy đỏ, ấm nóng tại vùng khớp đó, đạt đỉnh điểm ở 12 - 24 giờ sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện.
- Viêm cơ xơ hóa: Là một rối loạn đau có thể ảnh hưởng đến các khớp và cơ. Đau thường bắt đầu ở một vùng, như cổ và vai, và lan rộng theo thời gian. Bạn có thể có nhiều khả năng bị đau xơ cơ nếu mắc một tình trạng mãn tính khác như viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp hoặc hội chứng ruột kích thích. Triệu chứng viêm cơ xơ hóa chủ yếu gồm: Đau và nhạy cảm toàn thân, bao gồm cả đau khớp; mệt mỏi; các vấn đề về trí nhớ; khó khăn để vào giấc hoặc duy trì giấc ngủ.
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính: Còn gọi là viêm cơ não tủy, đặc trưng bởi việc lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, mất sức, uể oải không cải thiện được ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ, kéo dài trên 6 tháng mà không liên quan tới các bệnh lý khác.
Hầu hết tất cả những người bị hội chứng mệt mỏi mãn tính đều xuất hiện tình trạng đau, khó chịu từ đau đầu, chuột rút nhẹ cho đến đau dữ dội, đau nhức chung ở cả cơ và khớp. Ngoài đau nhức cơ thể, người bệnh có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ, vấn đề với trí nhớ, khó chịu sau khi gắng sức, nhịp tim nhanh,... Nếu một người bị mệt mỏi sau khi gắng sức thì đau nhức khớp đột ngột hay các triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện sau hoạt động gây ra tình trạng này.
- Bệnh lupus: Bệnh lupus bùng phát cũng có thể dẫn tới các cơn đau nhức khớp đột ngột ở ngón tay, ngón chân, cổ tay, mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay,...kèm theo tình trạng sưng nóng và cứng khớp. Mức độ đau sẽ tùy thuộc vào từng cá nhân và các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bởi bệnh, bao gồm khớp, da, thận, não, tim và phổi.
Đau nhức khớp đột ngột có thể xảy ra ở nhiều vị trí khớp khác nhau trên cơ thể (Ảnh: ST)
- Bệnh viêm ruột: Bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng có thể gây viêm ở đường ruột, nhưng cũng liên quan đến một dạng viêm khớp. Viêm có xu hướng chỉ ảnh hưởng đến một vài khớp lớn, chẳng hạn như đầu gối. Thông thường, đau ảnh hưởng đến một bên cơ thể nhiều hơn bên kia. Đau khớp và cứng khớp do viêm khớp ở bệnh IBD thường xảy ra vào buổi sáng, khi các triệu chứng đường tiêu hóa trở nên tồi tệ hơn bình thường.
- Bệnh cúm: Các triệu chứng của bệnh cúm thường xuất hiện đột ngột. Bạn có thể bình thường trong ngày hôm trước nhưng hôm sau đã phát triển các triệu chứng rầm rộ. Virus cúm gây viêm trong cơ thể, có thể dẫn đến sốt, đau họng, đau đầu cũng như đau nhức khớp đột ngột và đau mỏi cơ thể. Điều này được giải thích là do khi bạn bị cúm, các tế bào bạch cầu sản xuất kháng thể để chống lại virus đang nhân lên trong cơ thể. Điều này kích hoạt tình trạng viêm khiến người bệnh cảm thấy đau nhức.
- COVID-19: Đau nhức cơ thể là tình trạng phổ biến trong quá trình nhiễm COVID-19. Nếu sẵn bị viêm khớp, cơn đau khớp có thể sẽ tệ hơn. Còn nếu không có tiền sử bị viêm khớp, người mắc COVID-19 có thể sẽ cảm thấy đau cơ thay vì đau khớp trong quá trình nhiễm COVID-19. Một số người bị đau khớp sau khi nhiễm COVID-19. Hội chứng đau sau nhiễm virus có thể gây đau khớp sau khi một cá nhân đã hồi phục sau nhiễm virus, bao gồm COVID-19. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi họ đã hồi phục sau lần nhiễm ban đầu.
- Bệnh bạch cầu đơn nhân: Đau nhức khớp là một trong những triệu chứng của bệnh bạch cầu đơn nhân (mono), do virus Epstein-Barr gây ra. Các triệu chứng khác cũng bao gồm sốt, đau cơ và mệt mỏi. Hầu hết mọi người đều hồi phục sau nhiễm trùng đơn nhân cấp tính trong vài tuần. Tuy nhiên, mệt mỏi và đau khớp là phổ biến sau khi hồi phục, đôi khi kéo dài sáu tháng hoặc hơn thế nữa.
- Bệnh brucella: Xảy ra do các loài vi khuẩn gram âm Brucella gây nên. Bệnh lây lan qua tiếp xúc với động vật hoặc sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng bệnh bắt đầu như là một bệnh sốt cấp tính có ít hoặc không có dấu hiệu khu trú và có thể tiến triển đến giai đoạn mạn tính với sốt tái diễn, yếu cơ, đổ mồ hôi, nhức mỏi cơ và đau cơ, mất cảm giác thèm ăn và đau đầu.
- Viêm gan B và C: Viêm gan B và C là các bệnh về gan do virus (HBV và HCV) gây ra. Mặc dù các tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến gan, đau khớp cũng là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh. Theo Very Well Health, trong một nghiên cứu, đau khớp được báo cáo ở 97% bệnh nhân viêm gan B và 90% bệnh nhân viêm gan C. Ngoài ra, 26% bệnh nhân viêm gan B và 40% bệnh nhân viêm gan C phát triển chứng viêm khớp.
Đau nhức khớp đột ngột có thể kèm theo sưng cứng khớp và giảm phạm vi chuyển động cơ thể (Ảnh: ST)
- Bệnh Lyme: Bệnh Lyme có thể gây đau khớp ở giai đoạn đầu, khoảng 3 đến 30 ngày sau khi bị ve cắn. Điều này xảy ra cùng với các triệu chứng khác, chẳng hạn như ban đỏ loang (phát ban dạng mắt bò), ban đỏ lan chậm trên cơ thể trong nhiều ngày và phạm vi lan rộng có thể lên đến 12 inch (tầm 30cm kèm ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết.
Nếu không được điều trị, bệnh Lyme có thể dẫn đến một dạng viêm khớp trong vòng một đến vài tháng sau khi nhiễm trùng. Điều này xảy ra khi vi khuẩn Lyme xâm nhập vào mô khớp và gây viêm. Nếu không được điều trị, viêm khớp Lyme có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các khớp.
- Thiếu hụt vitamin D: Thiếu hụt vitamin D được phát hiện có liên quan đến đau khớp. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu nồng độ vitamin D ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp (RA). Họ phát hiện ra rằng tình trạng thiếu hụt vitamin D phổ biến hơn ở những bệnh nhân RA và đó có thể là một trong những lý do khiến tình trạng này phát triển hoặc trở nên tồi tệ hơn.
Đau nhức khớp đột ngột không phải lúc nào cũng nghiêm trọng nhưng có thể là nguyên nhân đáng lo ngại và cần chăm sóc y tế sớm, chẳng hạn như bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn,... Hãy thăm khám bác sĩ sớm nếu tình trạng đau, sưng hoặc cứng khớp không có dấu hiệu giảm nhẹ sau 3 ngày hoặc tái phát nhiều lần trong tháng, kèm theo cảm giác ấm nóng khi chạm vào khớp đồng thời phạm vi chuyển động tại khớp bị ảnh hưởng.
Nghiêm trọng hơn, nếu như bị đau nhức cơ thể đột ngột kèm theo khó thở, môi và móng tay chuyển màu xanh tím, lú lẫn, đau và tức ngực, khó khăn trong việc tỉnh táo, mất nước thì bạn cần được cấp cứu ngay lập tức.
Tại cơ sở y tế, bác sĩ có thể chẩn đoán bằng các thăm khám kiểm tra tại chỗ và chỉ định xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh nếu cần thiết.
Để giảm nhẹ đau nhức khớp tại nhà, bạn có thể thử chườm nóng hoặc chườm lạnh từ 10 - 20 phút mỗi lần để làm dịu cơn đau và giảm sưng viêm đồng thời hạn chế vận động mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước và kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh - mặc dù không tác động trực tiếp tới việc giảm nhẹ cơn đau khớp nhưng nó có thể hữu ích với sức khỏe tổng thể. Nếu cơn đau nhức khớp đột ngột trở nên dai dẳng hoặc nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể điều trị bằng thuốc NSAID hoặc corticosteroid theo đơn có nồng độ cao hơn để giảm các triệu chứng.
Nhìn chung, đau nhức khớp đột ngột có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là bệnh mới xuất hiện hoặc bệnh cũ tái phát gây đau. Quan trọng nhất là quan sát các bất thường sức khỏe kèm theo để thăm khám sớm, tránh biến chứng nghiêm trọng do không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Ảnh: Kim Phụng SKHN
Ảnh: Kim Phụng SKHN
Nguồn dịch tham khảo:
1. All my joints hurt suddenly: 10 potential causes
2. Causes of Sudden Onset Joint Pain
3. Causes of sudden onset joint pain and fatigue