Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng viêm mãn tính xảy ra ở lớp lót bên trong khớp gây sưng, đau và cứng khớp. Hơn nữa viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác của cơ thể như da, mắt, mạch máu và thậm chí là cả tim, phổi nếu như khong được quản lý đúng cách.
Không có phương pháp điều trị dứt điểm viêm khớp dạng thấp nhưng có những can thiệp giúp giảm nhẹ cũng như phòng ngừa được các cơn bùng phát. Có nhiều giả thiết về nguyên nhân khiến viêm khớp dạng thấp dễ tồi tệ hơn vào mùa lạnh.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết về sự thay đổi áp suất khí quyển giảm khiến các mô nở ra và tăng áp lực lên khớp dẫn tới các cơn đau và cứng khớp nghiêm trọng. Bên cạnh đó cách mà cơ thể người bệnh viêm khớp dạng thấp phản ứng về nhiệt độ lạnh cũng có sự khác biệt. Khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, quá trình lưu thông máu chậm hơn dẫn tới co thắt cơ bắp và gây đau.
Một số giả thuyết khác có thể kể đến như nhiệt độ thấp làm dịch khớp đặc hơn, khớp cứng hơn, khó cử động hơn. Hoặc giả thuyết về việc tập luyện hay vận động bị hạn chế trong mùa đông cũng khiến các triệu chứng viêm khớp dạng thấp dễ trầm trọng hơn.
Theo một nghiên cứu nhỏ năm 2013 thì nhiệt độ thấp hơn trong mùa đông có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn tới người bị viêm khớp dạng thấp trong độ tuổi từ 50 - 65.
Các bác sĩ đều khuyên rằng bên cạnh việc tập thể dục thường xuyên thì nghỉ ngơi nhiều hơn khi viêm khớp dạng thấp bùng phát cũng quan trọng không kém.
Tập thể dục quá nhiều với cường độ mạnh - đặc biệt trong đợt bùng phát viêm khớp dạng thấp khiến tình trạng viêm và triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Nghỉ ngơi đủ giúp giảm cảm giác mệt mỏi. Điều quan trọng là bạn cần lắng nghe cơ thể trong những ngày nhiệt độ xuống thấp.
Các bài tập yoga trong nhà nhẹ nhàng có thể là một lựa chọn thay thế không tồi.
Trầm cảm theo mùa đều có thể gặp phải ở mọi đối tượng. Với người bị viêm khớp dạng thấp, cảm giác sưng đau khó chịu đeo bám đôi khi khiến họ trở nên cáu kỉnh và căng thẳng hơn. Nhưng bạn cần nhớ rằng, căng thẳng cũng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát và nghiêm trọng thêm các triệu chứng cũng như tình trạng khác mà bạn gặp phải chẳng hạn như đau cơ xơ hóa.
Tập thể dục thường xuyên cùng với các kỹ thuật giúp tâm trạng thả lỏng, thư giãn khác là lựa chọn phù hợp để kiểm soát căng thẳng cũng như giảm viêm. Điều quan trọng là dành thời gian mỗi ngày để sắp xếp cảm xúc của bản thân.
Đọc thêm:
+ Trầm cảm ở người cao tuổi: Khủng hoảng khi sức khỏe tinh thần và thể lực đều sa sút
+ Mách bạn 10 loại thực phẩm giúp giảm căng thẳng mệt mỏi an toàn, hiệu quả
Mùa đông khiến nhiều người tăng cân do cảm giác ngon miệng hơn với các món nhiều dầu mỡ như chiên rán, nướng. Tuy nhiên với người bị viêm khớp dạng thấp thì kiểm soát cân nặng giúp giảm áp lực cho khớp để bệnh tiến triển chậm hơn.
Bên cạnh đó, giảm cân cũng giúp giảm đau ở mặt khớp sau, hông và đầu gối.
Nhiệt độ thấp khiến quá trình lưu thông máu chậm hơn, với người có các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng xẩu tới các cơ quan nội tạng, bao gồm cả tim và phổi như người bị viêm khớp dạng thấp thì bảo vệ sức khỏe tim mạch mùa lạnh đặc biệt cần thiết.
Trên thực tế, theo Tổ chức viêm khớp Hoa Kỳ thì bệnh tim là nguyên nhân gây tử v.ong số một ở người bị viêm khớp dạng thấp. Ngoài việc quản lý tốt bệnh thì bạn có thể làm những việc khác giúp giảm nguy cơ bệnh tim như:
- Không ra ngoài khi nhiệt độ xuống quá thấp
- Mặc quần áo ấm, giữ nhiệt, che chắn kín lưng, ngực, bụng, đầu, các chi
- Kiểm soát huyết áp ổn định
- Giảm mức cholesterol
- Thêm các bài tập củng cố tim mạch vào thói quen tập thể dục
- Có chế độ ăn ít chất béo
- Bỏ hút thuốc lá.
Cả đau cơ xơ hóa và viêm khớp dạng thấp đều có triệu chứng giống nhau bao gồm đau nhức và mệt mỏi cũng như rất dễ bùng phát khi thời tiết lạnh. Tuy nhiên viêm khớp dạng thấp tuy gây đau nhưng có thể được giảm nhẹ bằng các nhóm thuốc khác nhau.
Còn đau cơ xơ hóa có thể gây đau liên tục. Bạn cần nắm rõ các triệu chứng bùng phát để thăm khám sĩ nếu cần thiêt. Hơn nữa, viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ phát triển đau cơ xơ hóa. Theo Tổ chức Viêm khớp Hoa Kỳ thì có khoảng 20 - 3-% số người bị đau cơ xơ hóa và viêm khớp dạng thấp đồng thời.
Một số triệu chứng khác của đau cơ xơ hóa mà bạn có thể tham khảo như:
- Đau đầu
- Trầm cảm
- Hội chứng ruột kích thích
- Nhạy cảm với thay đổi của âm thanh và ánh sáng
- Khó ngủ.
Nhiệt độ thấp hơn khiến cơ thể không có cảm giác khát nước nhiều như mùa hè nhưng điều này không phải là lý do mà người bị viêm khớp dạng thấp có thể uống ít nước hơn.
Uống đủ nước ngoài việc khiến bạn cảm thấy tỉnh táo và giảm mệt mỏi mà còn tăng cường quá trình trao đổi chất, bôi trơn khớp và góp phần giảm triệu chứng cứng khớp có thể gặp phải.
Áo khoác, mũ, găng tay, khăn quàng cổ, tất chân là những thứ bắt buộc mà người bị viêm khớp dạng thấp cần trang bị trong mùa lạnh.
Điều hiển nhiên là bạn cần giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh nếu bạn sống chung với một căn bệnh khớp mãn tính nhưng các bác sĩ muốn nhấn mạnh tới việc giữ ấm các khớp ngay cả khi bạn ở trong nhà hoặc ra ngoài.
Tắm nước nóng có thể giúp giảm đau cơ và khớp. Bạn có thể bổ sung một số loại tinh dầu như bạc hà, cam quýt,... để giúp thư giãn hơn. Tuy nhiên cần lưu ý nếu như bạn bị viêm khớp dạng thấp và lupus ban đỏ đồng thời - hội chứng chồng lấp.
Lupus ban đỏ có thể khiến phát ban da hoặc loét nên bạn cần thăm khám bác sĩ để có lời khuyên phù hợp.
Theo nghiên cứu năm 2015 thì mức độ thấp của vitamin D có thể đóng vai trò trong việc bạn nhạy cảm như thế nào với một cơn đau do viêm khớp. Hơn nữa với mật độ ánh nắng mặt trời thấp hơn ở những tháng mùa đông bạn nên nói chuyện với bác sĩ về việc có cần bổ sung vitamin D từ thực phẩm chức năng hay không.
Một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều trị viêm khớp dạng thấp chính là sử dụng thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, uống đúng giờ, loại nào cần uống trước, loại nào cần uống sau và thăm khám định kì theo lịch hẹn.
Mục đích của tái khám là để đánh giá tình trạng tiến triển bệnh và có cần chỉ định đơn thuốc mới hay dừng thuốc nào không. Bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp không nên tự ý dùng lại đơn thuốc cũ khi tái phát cơn đau mà không có chỉ dẫn của thầy thuốc.
Nhìn chung, vào mùa lạnh người bệnh viêm khớp dạng thấp gặp nhiều trở ngại hơn trong sinh hoạt nhưng đều có thể phòng ngừa và giảm nhẹ triệu chứng được. Chú ý theo dõi các triệu chứng và báo cáo cho bác sĩ chủ trị của mình khi có bất kì đợt bùng phát nào để điều chỉnh đơn thuốc phù hợp. Biểu hiện của các triệu chứng bùng phát viêm khớp dạng thấp có thể bao gồm:
- Tăng đau và cứng khớp
- Đỏ hoặc đổi màu vùng khớp có thể quan sát được bằng mắt thường
- Sau các hoạt động bình thường bạn cảm thấy mệt mỏi hơn hoặc không có khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày
- Gia tăng căng thẳng.
Ngoài ra, nếu bạn dùng thuốc nhưng các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên trầm trọng hơn thì cũng cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Nguồn dịch: 13 Things to Know About Living with Rheumatoid Arthritis