Biểu hiện khác nhau giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh gout thông qua tính chất cơn đau

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Biểu hiện khác nhau giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh gout thông qua tính chất cơn đau
Nhiều bệnh nhân thường nhầm lẫn triệu chứng viêm khớp dạng thấp với triệu chứng của bệnh gout. Nguyên nhân là cả 2 căn bệnh này đều được đặc trưng bởi tình trạng sưng, đau tại các khớp ngón tay và ngón chân.

Do có các triệu chứng tương đối giống nhau nên viêm khớp dạng thấp thường bị nhầm lẫn với bệnh gout. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kĩ thì người bệnh hoàn toàn có thể phân biệt được 2 căn bệnh này. Cùng tìm hiểu về triệu chứng viêm khớp dạng thấp và bệnh gout qua bài viết dưới đây.

1. Triệu chứng giống nhau giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh gout

Người bệnh thường nhầm lẫn giữa triệu chứng viêm khớp dạng thấp và gout do biểu hiện của 2 căn bệnh này tương đối giống nhau. Cụ thể, viêm khớp dạng thấp và gout thường có chung những triệu chứng sau đây:

- Điểm giống nhau:

- Tình trạng đau xảy ra tại một hay nhiều khớp, khiến người bệnh gặp khó khăn trong vận động.

- Vị trí đau thường là các khớp ngón tay, cổ tay, ngón chân…

- Các cơn đau thường diễn ra liên tục và kéo dài trong một thời gian.

- Người bệnh có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, sút cân…

- Thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong đó, biến dạng khớp là biến chứng nguy hiểm và thường gặp nhất.

- Kết quả xét nghiệm cho thấy dịch khớp có nhiều bạch cầu.

2. Biểu hiện khác nhau thông qua tính chất các cơn đau

Người bệnh có thể phân biệt triệu chứng viêm khớp dạng thấp và gout thông qua các biểu hiện bệnh. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường biểu hiện như sau:

- Gây ra các cơn đau tại các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân hay đầu ngón tay và ngón chân. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện ở nhiều khớp giống nhau, mang tính đối xứng.

- Đau không đi kèm với tình trạng sưng tấy hoặc nóng khớp.

- Được đặc trưng bởi các cơn cứng khớp vào sáng sớm. Các cơn đau thường xuyên và âm ỉ hàng ngày, thời gian đau kéo dài từ 30 phút đến hơn 1 tiếng.

- Biểu hiện toàn thân thường là mệt mỏi, chán ăn và có dấu hiệu gần giống với bệnh cảm cúm.

- Triệu chứng viêm khớp dạng thấp sẽ hình thành nên các hạt dưới da của người bệnh. Các hạt này sẽ nổi gồ lên khỏi mặt da, sờ hơi cứng, khích thước từ 0,5 đến 2cm và không gây đau. Vị trí hình thành hạt là phía trên xương trụ gần khớp khuỷu hoặc trên xương chày gần khớp gối.

Trong khi đó, người mắc bệnh gout sẽ phải đối diện với các triệu chứng như:

- Bệnh gout thường gây ra các cơn đau nhức tại khớp ngón chân cái, cổ tay, cổ chân và đầu gối. Cơn đau thường xảy ra đột ngột, dữ dội, kèm với đó sưng nóng, xung huyết ở một khớp và không đối xứng.

- Đặc trưng bởi các cơn đau về đêm và kéo dài từ 3 đến 10 ngày rồi tự động thuyên giảm.

- Các dấu hiệu toàn thân là của bệnh thường là mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc sốt cao.

- Ở giai đoạn mãn tính, bệnh gout sẽ khiến các hạt tophi hình thành. Các hạt tophi thường nằm tại các vị trí như khớp khủy tay, ngón tay, ngón chân, mu bàn tay.

3. Kết quả cận lâm sàng của viêm khớp dạng thấp và bệnh gout

Kết quả cận lâm sàng là kết quả từ các kỹ thuật như xét nghiệm máu, xét nghiệm hình ảnh. Kết quả này giúp bác sĩ xác định người bệnh gặp vấn đề với viêm khớp dạng thấp hay gout. Các thông tin từ xét nghiệm viêm khớp dạng thấp được thể hiện như sau:

Đối với bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp, kết quả cho thấy:

- Xét nghiệm máu cho thấy lượng hồng cầu giảm, bạch cầu tăng hoặc giảm, máu lắng tăng. Phản ứng Waaler- Rose, phản ứng Latex (RF) dương tính.

- Dịch khớp có nhiều bạch cầu đa nhân trung tính, ít lympho.

- Kết quả chụp X- quang giai đoạn đầu thể hiện tình trạng mất vôi xương ở khoảng gần khớp, có hiện tượng sưng mô mềm. Trong giai đoạn sau, khoảng cách giữa 2 đầu xương bị thu hẹp lại, trục khớp lệch. Đồng thời, xuất hiện hiện tượng hủy sụn khớp và bờ xương nham nhở. Ngoài ra, khớp đốt ngón tay không có tổn thương, khe khớp hẹp dần gây ra tình trạng dính khớp.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh gout, kết quả xét nghiệm cho thấy:

- Chỉ số bạch cầu tăng, tình trạng máu lắng tăng khi xét nghiệm máu.

- Chỉ số axit uric tăng cao thậm chí vượt khỏi ngưỡng an toàn (nam giới > 420 μmol/l, nữ giới > 360 μmol/l)

- Phát hiện dịch khớp có nhiều bạch cầu. Trong bạch cầu, có hiện tượng các tinh thể urat bị ứ đọng tại các khớp. Khi cấy dịch khớp không phát hiện vi khuẩn.

- Chụp X-quang cho thấy mức độ tổn thương của khớp và hình ảnh tinh thể urat lắng đọng. Khi ở giai đoạn nghiệm trọng bệnh gây ra hiện tượng hẹp khe khớp, đầu xương bị khuyết hình hốc và gai xương.

Tuy có một số biểu hiện trùng khớp nhưng về bản chất bệnh viêm khớp dạng thấp và gout lại không hề giống nhau. Do đó, người bệnh cần chú ý các triệu chứng viêm khớp dạng thấp đặc trưng để tránh nhầm lẫn trong điều trị. 


Tác giả: Thùy Dung