Tìm hiểu chung về viêm mũi dị ứng do thời tiết

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu chung về viêm mũi dị ứng do thời tiết
Viêm mũi dị ứng do thời tiết thường xảy ra khi khí hậu thay đổi, vào những lúc giao mùa. Bệnh tuy không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và cuộc sống hàng ngày của những người mắc bệnh.

Bệnh viêm mũi dị ứng do thời tiết có thể xảy ra khi nhiệt độ thay đổi thất thường vào những thời điểm giao mùa hoặc do gió mang các tác nhân dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn. Ngoài ra, môi trường thay đổi cũng là yếu tố thuận lợi để bào tử nấm mốc và các loại ký sinh trùng phát triển gây bệnh.

1. Viêm mũi dị ứng do thời tiết là gì?

Viêm mũi dị ứng là một bệnh viêm nhiễm khiến niêm mạc mũi tổn thương từ đó gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt… Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng do thời tiết là bởi sự thay đổi của khí hậu vào những thời điểm giao mùa trong năm, do phấn hoa theo gió mùa bay vào không khí…

Bệnh viêm mũi dị ứng do thời tiết có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc phải nhất. Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, hệ miễn dịch của người bệnh sẽ giải phóng hoạt chất histamine vào trong máu để chống lại dị nguyên, từ đó gây ra những dấu hiệu thường gặp.

2. Triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng do thời tiết

Viêm mũi dị ứng do thời tiết thường xảy ra từng đợt với các triệu chứng điển hình như:

- Ngứa mũi: Đây thường là triệu chứng sớm giúp báo hiệu bệnh. Người bị viêm mũi dị ứng sẽ thấy ngứa cả 2 bên hốc mũi, đôi khi ngứa lan vào xoang hàm, lan xuống họng và lên mắt. Tùy từng người mà sẽ có những mức độ ngứa khác nhau.

- Hắt hơi liên tục: Người bị viêm mũi dị ứng sẽ có những dấu hiệu hắt hơi từng tràng, liên tục nhiều lần liền và không thể kiềm chế được.

- Nghẹt mũi: Bệnh nhân có thể thấy nghẹt tùy lúc, tùy từng bên mũi. Đôi khi người bệnh có thể cảm thấy tắc ở cả 2 bên mũi nhưng triệu chứng này có thể không biểu hiện rõ ràng.

- Chảy nước mũi, sổ mũi: Đây là triệu chứng đặc trưng và là dấu hiệu nhận diện quan trọng. Sau khi ngứa mũi, hắt xì hơi nhiều lần, người bệnh sẽ bị chảy nước mũi. Dịch nhầy loãng và trong, không có màu, không có mùi, có khi chảy thành giọt. Tình trạng này thường nặng hơn vào sáng sớm và tối muộn.

Viêm mũi dị ứng do thời tiết là bệnh diễn biến theo mùa. Chúng thường xảy ra trong khoảng 7 đến 15 ngày, đôi khi có kèm theo các dấu hiệu khác như chảy nước mắt, viêm kết mạc, dị ứng đường hô hấp dưới gây khó thở, hen phế quản. Sau cơn dị ứng bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện gì bất thường.

3. Phương pháp điều trị

- Sử dụng thuốc kháng histamine

Những người bị bệnh viêm mũi dị ứng do thời tiết có thể được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng histamine để đối phó bệnh. Loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn cản cơ thể sản sinh ra histamine gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng.

Một số thuốc kháng histamine có thể được kể đến bao gồm:

- Fexofenadine (Allegra).

- Diphenhydramine (Benadryl).

- Desloratadine (Clarinex) .

- Loratadine (Claritin).

- Levocetirizine (Xyzal).

- Etirizine (Zyrtec).

Cần ghi nhớ rằng nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc khác, hãy thông báo với bác sĩ để đảm bảo không xảy ra bất kỳ tương tác thuốc hay tác dụng phụ nào có thể gây nguy hiểm.

- Sử dụng thuốc có chứa decongestant

Ngoài thuốc kháng histamine, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc có chứa decongestant. Những loại thuốc này có tác dụng thông mũi, giải trừ nghẹt mũi và giúp thông xoang, giảm các triệu chứng khó chịu của bệnh.

Thông thường, bệnh nhân chỉ nên sử dụng chúng trong thời gian ngắn, đặc biệt không quá 3 ngày. Việc sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng hồi ứng - hay còn gọi là tình trạng lạm dụng thuốc quá mức, nếu ngưng sử dụng thì triệu chứng lại càng trở nặng. Một số dạng thuốc có chứa decongestant có thể nhắc đến là:

- Oxymetazoline (thuốc xịt mũi).

- Pseudoephedrine.

- Phenylephrine.

- Cetirizine với pseudoephedrine.


Tác giả: Anh Dũng