Tìm hiểu về các phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu về các phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng
Tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng có xu hướng tăng cao do khí hậu khắc nghiệt và tình trạng ô nhiễm môi trường. Bằng cách thực hiện các phương pháp xét nghiệm, bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm mũi dị ứng chính xác và có phương án điều trị phù hợp.

Viêm mũi dị ứng khá phổ biến và nó ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi. Là một bệnh toàn thân nhưng có biểu hiện tại mũi, viêm mũi dị ứng là do niêm mạc mũi nhạy cảm với các dị nguyên gây bệnh, khiến các phản ứng quá mẫn tại mũi xảy ra và xuất hiện các triệu chứng dị ứng xoang mũi.

Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm mũi dị ứng bao gồm:

- Thường xuyên bị ngứa mũi, sổ mũi, nhất là vào buổi sáng.

- Khi khám những bệnh nhân viêm mũi dị ứng thường phát hiện thấy tháp mũi bị sung huyết, sàn mũi nhiều nhầy trong, niêm mạc mũi nhợt nhạt, cuốn mũi phù nề, có ánh tím.

Để chẩn đoán xác định bệnh đồng thời tìm ra nguyên nhân gây dị ứng thì cần làm một số xét nghiệm như: các xét nghiệm về da, dùng dị nguyên kích thích trực tiếp, các phương pháp xét nghiệm định lượng kháng thể dị ứng... Dưới đây là những phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng có thể được thực hiện khi tới khám tại các cơ sở y tế để xác định chính xác căn bệnh và có cách điều trị thích hợp.

1. Khai thác tiền sử dị ứng

Khai thác tiền sử dị ứng của bệnh nhân là phương pháp rất quan trọng và là lựa chọn đầu tiên trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng giúp các bác sĩ định hướng đến một loại hoặc một nhóm dị nguyên là nguyên nhân gây bệnh.

Mục đích của khai thác tiền sử dị ứng bao gồm:

- Xác định liệu yếu tố di truyền có ảnh hưởng hay không?

- Các yếu tố môi trường xung quanh có phải là nguyên nhân dị ứng hay không?

- Xác định sơ bộ các yếu tố dị nguyên là nguyên nhân gây bệnh.

2. Các xét nghiệm da nhằm chẩn đoán viêm mũi dị ứng

Xét nghiệm da là một trong những điều cơ bản và đầu tiên để đánh giá dị ứng. Đây là một phương pháp xét nghiệm được dùng để xác định về mặt lâm sàng về sự mẫn cảm của cơ thể với một dị nguyên. Phương pháp chẩn đoán viêm mũi dị ứng này được thực hiện bằng cách đưa một hay nhiều dị nguyên vào da, sau đó đánh giá kích thước, đặc điểm của nốt sẩn phù và phản ứng viêm tại chỗ.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm mũi dị ứng này chỉ được tiến hành ở ngoài giai đoạn cấp của bệnh với điều kiện bệnh nhân không được dùng thuốc ức chế viêm dị ứng trước đó. Có hai phương pháp xét nghiệm da bao gồm trực tiếp và truyền mẫn cảm thụ động. 

Xét nghiệm da trực tiếp là phương pháp mà các chuyên gia sẽ đưa dị nguyên vào cơ thể qua da. Còn đối với phương pháp truyền mẫn cảm thụ động, huyết thanh của người bệnh sẽ được tiêm vào da của một người khác, sau đó dị nguyên nghiên cứu sẽ được tiêm vào ngay chỗ đã tiêm huyết thanh.

Đối với những dị nguyên cho kết quả dương tính trong xét nghiệm da có thể được xác định là nguyên nhân gây bệnh với điều kiện kết hợp khai thác tiền sử dị ứng có kết quả phù hợp. Nếu kết quả chưa phù hợp hoặc có nghi ngờ cần cho test kích thích để chẩn đoán viêm mũi dị ứng một cách chính xác.

3. Phết tế bào mũi

Phết tế bào mũi cũng có giá trị trong chẩn đoán viêm mũi dị ứng khi trong chất tiết niêm mạc có sự hiện diện Eosinophil. Kết qủa được coi là dương tính khi tỉ lệ bạch cầu Eo >1%.

4. Test kích thích

Test kích thích được dùng để chẩn đoán viêm mũi dị ứng. Chúng là loại xét nghiệm có khả năng chẩn đoán sinh học các phản ứng dị ứng. Cơ sở của loại test này là tái tạo lại phản ứng dị ứng bằng cách đưa dị nguyên nghi ngờ vào cơ thể nhằm tạo lại bệnh cảnh lâm sàng như thật nếu phản ứng dương tính xảy ra.

Có nhiêu loại test kích thích khác nhau được dùng như test nhỏ mũi, test nóng, test lạnh ... Trong đó, test nhỏ mũi được áp dụng để phát hiện dị nguyên chẩn đoán viêm mũi dị ứng mà không gây nguy hiểm cho người bệnh. Test nhỏ mũi được thực hiện bằng cách nhỏ một giọt dị nguyên vào một bên mũi. Phản ứng dương tính sẽ xảy ra nếu các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi xuất hiện.


Tác giả: Anh Dũng