Ngứa họng do dị ứng không khí lạnh, viêm mũi: Làm cách nào để giảm nhẹ?

Ngứa họng do dị ứng không khí lạnh, viêm mũi: Làm cách nào để giảm nhẹ?
Dị ứng thời tiết lạnh, viêm mũi dị ứng, chảy nước mũi sau, chứng dị ứng miệng,... đều có thể gây ngứa họng.

Có nhiều nguyên nhân và nhiều dạng dị ứng gây ngứa họng cùng các triệu chứng đặc trưng khác nhau. Dưới đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng ngứa họng và cách loại bỏ triệu chứng cổ họng bị ngứa do dị ứng.

1. Nguyên nhân dị ứng gây ngứa họng

Các triệu chứng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của bạn tạo ra kháng thể để chống lại các tác nhân vô hại mà nó cho là môi đe dọa với cơ thể bạn. Các phản ứng quá mẫn này thường liên quan tới kháng thể immunoglobulin (IgE) làm tăng sản xuất chất nhầy trong đường mũi và xoang và gây chảy nước mũi sau. Chảy nước mũi sau khiến chất nhầy chảy vào phía sau cổ họng. Tình trạng viêm do phản ứng của kháng thể IgE có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy trong cổ họng.

Dị ứng cũng có thể xảy ra bởi các chất dị ứng trong môi trường, kể cả các loại thực phẩm như mạt bụi, phấn hoa, bào tử nấm mốc, lông chó mèo, không khí lạnh, thuốc, vết côn trùng cắn, trứng, sữa, đậu phộng, hạt, động vật có vỏ, lúa mì,...

Việc hít phải các chất ô nhiễm cũng có thể gây phản ứng dị ứng ngứa họng, phổ biến là: khói đốt, thuốc trừ sâu, không khí ô nhiễm, sản phẩm vệ sinh,...

Dị ứng gây ngứa họng: Làm cách nào để giảm nhẹ? - Ảnh 2.

Dị ứng có thể gây ngứa họng và nhiều triệu chứng khác (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

7 cách dùng lá hẹ tươi giảm triệu chứng ho, viêm họng

Vừa đau họng vừa đau tai là bệnh gì?

2. Triệu chứng ngứa họng do dị ứng

Các triệu chứng ngứa họng do dị ứng thường xảy ra cùng lúc với các triệu chứng dị ứng khác, bao gồm:

- Hắt hơi

- Ho

- Ngứa mắt, ngứa mũi, ngứa miệng

- Mệt mỏi

- Thở khò khè

- Thở hụt hơi

- Tắc, nghẹt mũi

- Đau đầu

- Chảy nước mũi sau

- Sổ mũi

- Buồn nôn và nôn (thường liên quan tới dị ứng thực phẩm).

Ngứa họng do dị ứng thường có cảm giác khác với các tình trạng bệnh lý khác ảnh hưởng tới cổ họng của bạn, cụ thể:

- Cổ họng có thể có cảm giác ngứa, nhột tựa như phải khụt khịt mũi liên tục

- Cổ họng ngứa không đi kèm với đau rát giống như đau họng do cúm, cảm lạnh thông thường hay nhiễm trùng khác có thể ảnh hưởng tới đường thở.

3. Điều trị dị ứng gây ngứa họng

Có nhiều phương pháp điều trị giảm nhẹ triệu chứng ngứa họng do dị ứng, bao gồm cả điều trị tại nhà. Một số biện pháp nhắm vào hệ miễn dịch của bạn như thuốc kháng histamine, trong khi số khác lại có mục đích giảm sự khó chịu ở cổ họng của bạn.

- Thuốc kháng histamine

Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn hoạt động của histamines - hóa chất tạo ra các triệu chứng dị ứng. Thuốc kháng histamine thường không cần kê đơn và có thể mua tại hiệu thuốc. Tuy nhiên nếu tình trạng dị ứng của bạn thường xuyên xảy ra (dị ứng quanh năm) và cần phải sử dụng thuốc không kê đơn trong thời gian dài thì bạn nên thăm khám bác sĩ để nhận được lời khuyên dùng thuốc phù hợp.

Dị ứng gây ngứa họng: Làm cách nào để giảm nhẹ? - Ảnh 3.

Ngứa họng do dị ứng có thể được điều trị giảm nhẹ tại nhà (Ảnh: Internet)

- Viên ngậm/thuốc ho

Viên ngậm và thuốc ho tan dần trong miệng giúp giảm kích ứng họng và giảm cảm giác ngứa ngáy. Các loại viên ngậm này thường chứa các thành phần tinh dầu như bạc hà. Lưu ý không cho trẻ nhỏ dùng viên ngậm ho bởi dễ gây hóc ở trẻ, không dùng sản phẩm chứa menthol cho trẻ dưới 6 tuổi.

- Kẹo cứng

Các loại kẹo cứng giúp tăng tiết nước bọt khi ngậm cũng là một giải pháp để làm "ẩm" cổ họng đang ngứa ngáy do dị ứng gây ra.

- Bù nước

Nếu bạn không uống đủ nước, bạn sẽ không tiết đủ lượng nước bọt cần thiết và khiến tình trạng ngứa họng do dị ứng tệ hơn. Dựa vào màu sắc nước tiểu bạn có thể biết được mình có đang uống đủ nước hay không. Nước tiểu màu vàng nhạt cho thấy bạn đã uống đủ nước, ngược lại nước tiểu màu sẫm cho thấy đã tới lúc uống thêm một vài cốc nước rồi.

Ngoài nước lọc thì bạn cũng có thể bổ sung thêm nước cho cơ thể bằng các loại nước trái cây, súp hoặc trà nóng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng không nên bù nước bằng các loại nước trái cây có tính axit bởi các loại nước này cũng có thể khiến họng bạn thêm kích ứng hơn.

- Mật ong

Một thìa mật ong có thể giúp dịu cơn ngứa họng tạm thời. Bạn có thể uống mật ong trực tiếp hoặc pha cùng trà hoặc nước ấm. Lưu ý, không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc.

- Súc miệng bằng nước muỗi

Cho 1/2 thìa muối vào một cốc nước ấm rồi súc miệng và nhổ ra mỗi giờ một lần cho tới khi cảm giác ngứa họng giảm xuống và nên súc miệng ngay khi có dấu hiệu kích ứng họng đầu tiên xảy ra.

- Độ ẩm không khí

Không khí khô lạnh có thể gây ra tình trạng dị ứng thời tiết lạnh và gây ra cảm giác ngứa họng. Việc làm ẩm không khí mà bạn hít thở vào bằng máy bù ẩm khi ở trong nhà và đeo khẩu trang, quấn khăn che miệng khi ra ngoài sẽ giúp giảm tình trạng kích ứng này. Máy lọc không khí với màng lọc than hoạt tính cũng có thể hữu ích trong việc loại bỏ các tác nhân gây dị ứng trong không khí hiệu quả, tránh cho tình trạng ngứa họng nói riêng và dị ứng nói chung nghiêm trọng hơn.

Dị ứng gây ngứa họng: Làm cách nào để giảm nhẹ? - Ảnh 4.

Chú ý tới độ ẩm không khí trong nhà khi bạn dị ứng với không khí khô lạnh (Ảnh: Internet)

4. Phòng ngừa ngứa họng do dị ứng

Để phòng ngừa ngứa họng do dị ứng thì việc kiểm soát và quản lý dị ứng vô cùng quan trọng. Bạn cần giảm - tránh tiếp xúc với các chất dị ứng và có biện pháp bảo vệ đường mũi họng hiệu quả:

- Tránh các chất có thể khiến xoang bị khô như caffeine và rượu

- Sử dụng máy tạo độ ẩm, máy bù ẩm và đừng quên vệ sinh sạch sẽ để tránh tạo môi trường sinh sôi cho nấm mốc

- Uống đủ nước mỗi ngày tùy theo thể trạng và mức độ vận động

- Tránh xa các loại ô nhiễm, nên ở trong nhà vào những ngày có chỉ số ô nhiễm không khí cao, không khí lạnh khô tăng cường, sương mù, giờ cao điểm,...

- Đeo khẩu trang khi dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt là khi dọn thảm, sofa, chăn ga gối

- Sau khi ở bên ngoài trở về nên thay quần áo, rửa tay với xà phòng dưới vòi nước sạch

- Tránh đưa tay chạm lên mắt, mũi, miệng

- Sử dụng nước muối để xịt mũi nếu cần di chuyển để giữ ấm cho xoang

- Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ăn uống lành mạnh, duy trì tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc.

5. Khi nào ngứa họng do dị ứng cần khám bác sĩ?

Nếu bạn vẫn bị ngứa họng ngay cả khi áp dụng các biện pháp giảm triệu chứng tại nhà và tình trạng ngứa họng có xu hướng tệ hơn, ảnh hưởng tới sinh hoạt thì bạn cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ.

Dị ứng gây ngứa họng: Làm cách nào để giảm nhẹ? - Ảnh 5.

Ngứa họng có thể là một phản ứng dị ứng của sốc phản vệ, cần nhanh chóng di chuyển tới cơ sở y tế để được cấp cứu (Ảnh: Internet)

Các dấu hiệu dưới đây cũng cho thấy bạn cần tới các cơ sở y tế sớm:

- Kích ứng họng, ngứa họng không cải thiện trong vòng 5 ngày

- Sốt từ 38,3 độ C trở lên kéo dài trong vài ngày

- Có lẫn máu trong nước bọt hoặc đờm/chất nhầy

- Mất nước

- Khó thở

- Chảy dãi quá nhiều, đặc biệt là trẻ nhỏ

- Sưng phù cơ thể, đau khớp.

Nhìn chung dị ứng có thể gây ngứa họng cùng các triệu chứng khó chịu khác cho bạn. Tuy nhiên tình trạng này sẽ thuyên giảm dần khi áp dụng các biện pháp điều trị đúng cách. Nếu nghi ngờ ngứa họng do các tình trạng sức khỏe khác như COVID-19, cúm, viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn,... bạn nên gọi cho bác sĩ để được tư vấn sớm.

Nguồn dịch: Allergies That Cause an Itchy Throat


Tác giả: Allen