Tìm hiểu chung về bệnh viêm mũi dị ứng khi mang thai

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu chung về bệnh viêm mũi dị ứng khi mang thai
Viêm mũi dị ứng là một vấn đề khá phổ biến trong thai kỳ và khiến bà bầu gặp phải nhiều khó khăn. Mọi người cần hiểu rõ về căn bệnh viêm mũi dị ứng khi mang thai để có thể kiểm soát nó tốt hơn, tránh được các rủi ro cho mẹ và bé.

1. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng khi mang thai

Viêm mũi dị ứng khi mang thai là tình trạng bà bầu bị viêm niêm mạc mũi do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.

Triệu chứng đặc trưng của viêm mũi dị ứng khi mang thai là:

- Ngứa mũi.

- Ngạt mũi.

- Sổ mũi.

- Hắt hơi.

Đi kèm với các triệu chứng của viêm mũi trên, bà bầu còn có thể gặp phải những triệu chứng dị ứng khác như đỏ và ngứa mắt, đỏ và phát ban da, ngứa da,....

2. Nguyên nhân

- Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng khi mang thai là do cơ thể xảy ra các phản ứng khi gặp phải các tác nhân gây dị ứng, làm cho niêm mạc mũi bị kích thích, gây viêm. Các tác nhân gây dị ứng phổ biến là phấn hoa, mạt bụi, nấm mốc, lông động vật,....

- Những bà bầu có cơ địa dị ứng thì cũng dễ bị viêm mũi dị ứng khi mang thai hơn. Đây là lý do viêm mũi dị ứng cũng thường gặp ở những người bị viêm da cơ địa, mề đay mạn tính, hen phế quản,....

- Khi mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi, trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố gây dị ứng, nên dễ bị viêm mũi dị ứng hơn.

3. Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm mũi dị ứng, các bác sĩ thường phải thực hiện các xét nghiệm da hoặc xét nghiệm máu. Tuy nhiên, chẩn đoán viêm mũi dị ứng khi mang thai hiếm khi sử dụng phương pháp xét nghiệm da. Bởi xét nghiệm dị ứng da có thể gây sốc phản vệ.

Sốc phản vệ khi mang thai, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến giảm máu và oxy đến tử cung, có thể gây hại cho thai nhi. Do đó, xét nghiệm dị ứng thường được hoãn lại trong thai kỳ, chỉ khi thật cần thiết bác sĩ mới thực hiện xét nghiệm máu sẽ an toàn hơn.

4. Điều trị

- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý là phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng khi mang thai an toàn nhất. Mỗi ngày rửa mũi khoảng 2 - 3 lần sẽ giúp cải thiện tạm thời các triệu chứng khó chịu, làm sạch mũi và giúp mũi phục hồi nhanh hơn.

- Khi sử dụng các thuốc như thuốc xịt mũi, thuốc kháng histamin thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Vì nếu chọn sai thuốc, sử dụng sai liều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, thậm chí có thể gây dị tật bẩm sinh.

- Liệu pháp miễn dịch chỉ nên sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng khi mang thai nếu bà bầu đang được điều trị dở dang trước thai kỳ. Tuy nhiên, liều tiêm có thể cần phải giảm xuống 50% để đảm bảo không ảnh hưởng đến em bé.

5. Viêm mũi dị ứng khi mang thai có nguy hiểm không?

Viêm mũi dị ứng khi mang thai thường chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu cho bà bầu như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi,... chứ không gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt và điều trị sớm, các biến chứng của viêm mũi dị ứng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé. Các biến chứng đáng lưu ý là bệnh viêm xoang, hen suyễn và viêm tai giữa. Mặt khác, viêm mũi dị ứng kéo dài có thể khiến bà bầu khó thở, mất ngủ dẫn đến kiệt quệ cả thể chất và tinh thần, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ, và ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi.

6. Phòng tránh

- Tìm hiểu những tác nhân gây dị ứng cho cơ thể và tránh xa chúng.

- Giữ cho nơi sống và làm việc sạch sẽ, thoáng mát, không có bụi và nấm mốc.

- Vệ sinh răng miệng và vệ sinh cơ thể sạch sẽ, thường xuyên.

- Tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, hải sản, đậu phộng. Nếu muốn thử 1 món mới thì nên ăn với lượng ít.

- Không nên nuôi thú cưng trong nhà.

- Giữ ấm khi chuyển mùa, đặc biệt là giữ ấm mũi, cổ và bàn chân.

- Tạo thói quen đeo khẩu trang khi dọn dẹp và khi đi ra ngoài đường.

Viêm mũi dị ứng khi mang thai tuy không gây nguy hiểm nhưng cần được kiểm soát tốt để giảm thiểu những phiền phức, khó chịu cho bà bầu. Bởi khó ngủ khi bị viêm mũi dị ứng có thể làm sụt giảm nhanh chóng sức khỏe của mẹ và bé, khiến bà bầu dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn.

Mặt khác, cần hết sức lưu ý khi lựa chọn phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng khi mang thai để tránh làm ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất, mọi người nên có kế hoạch phòng và đối phó với nguy cơ dị ứng trước khi có ý định mang thai.


Tác giả: Mai Nhung