Viêm mũi dị ứng khi nào cần điều trị?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Viêm mũi dị ứng khi nào cần điều trị?
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến hiện nay. Bệnh gây nên nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của bệnh nhân. Do vậy bệnh nhân cần được điều trị viêm mũi dị ứng sớm để đạt hiệu quả cao và hạn chế tổn thương do bệnh gây nên.

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là bệnh lý đường hô hấp khá phổ biến hiện nay, bệnh gây nên bởi sự phản ứng quá mức của cơ thể đối với các tác nhân không gây hại, biểu hiện cụ thể trên đường hô hấp. Các triệu chứng có thể gặp phải trên bệnh nhân viêm mũi dị ứng như cay mũi, ngứa mũi, hắt hơi, cay mắt, đỏ mắt, chảy mũi, ngứa họng,...

Bệnh viêm mũi dị ứng thường được phân loại dựa trên tác nhân gây bệnh. Do đó trên thực tế ta hay bắt gặp hai thể của bệnh là bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa (đặc điểm thời tiết từng mùa) và bệnh viêm mũi dị ứng không theo mùa (các tác nhân xuất hiện bất kỳ theo thời gian).

2. Khi nào nên điều trị viêm mũi dị ứng?

Nhìn chung cũng như các bệnh lý khác, khi bệnh viêm mũi dị ứng càng để lâu thì các tổn thương do bệnh gây nên trên đường hô hấp sẽ càng trầm trọng. Thậm chí có các trường hợp sẽ dẫn đến polyp ở mũi, tổn thương nghiêm trọng niêm mạc mũi, gây biến chứng viêm họng, hoặc thậm chí là hen suyễn.

Do đó, bệnh nhân nên điều trị viêm mũi dị ứng càng sớm càng tốt để có thể ngăn ngừa tối đa các tổn thương xảy ra. Đồng thời, việc điều trị viêm mũi dị ứng sớm khi các tổn thương chưa nghiêm trọng cũng khiến tác dụng điều trị được phát huy tốt hơn, bệnh nhanh được đẩy lùi hơn và các phương pháp lựa chọn cũng là các phương pháp thân thiện hơn, đơn giản hơn.

3. Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng

Hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau được sử dụng trên thực tế để điều trị viêm mũi dị ứng bao cho bệnh nhân gồm điều trị không dùng thuốc, điều trị dùng thuốc, liệu pháp miễn dịch, và phẫu thuật. Mỗi phương pháp sẽ có các ưu nhược điểm khác nhau và phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

- Điều trị không sử dụng thuốc: Chủ yếu là loại bỏ sự tiếp xúc của người bệnh với dị nguyên gây dị ứng. Đây là phương phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng có ý nghĩa quan trọng vì nó điều trị nguyên nhân gây bệnh và phòng chống khả năng tái phát bệnh ở bệnh nhân.

- Điều trị bằng thuốc: Hiện nay người ta sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng Histamin, thuốc co mạch, thuốc corticoid để điều trị viêm mũi dị ứng. Với hiệu quả phát huy nhanh và tiện lợi khi sử dụng nên phương pháp này được dùng rất phổ biến.

Tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc có thể gây tăng nguy cơ tác dụng phụ, lờn thuốc,... và thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng nên không có khả năng phòng chống tái phát cho người bệnh.

- Liệu pháp miễn dịch: Là phương pháp khiến cơ thể bệnh nhân thích ứng hơn với tác nhân gây dị ứng từ đó làm giảm biểu hiện bệnh. Tuy nhiên có thể gây nguy hiểm và chỉ nên được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ chuyên môn.

- Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân có polyp ở mũi, thoái hóa cuốn mũi, dị dạng ở mũi,...

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng thông thường sẽ được điều trị theo các bước từ điều trị không dùng thuốc, sau đó đến điều trị dùng thuốc, rồi điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Điều trị viêm mũi dị ứng được chỉ định rất hạn chế.

Có thể thấy rằng, bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên được điều trị sớm nhất có thể để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa các tổn thương do bệnh gây nên. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không nên tự ý sử dụng bất kỳ phương pháp nào để điều trị viêm mũi dị ứng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn sau quá trình thăm khám, chẩn đoán cụ thể.


Tác giả: QN