Các triệu chứng dị ứng về đêm thường gặp như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mắt,... khiến giấc ngủ ban đêm trở nên khó khăn và kém chất lượng hơn, thậm chí có người gần như không thể ngủ được.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới các phản ứng dị ứng về đêm này như tiếp xúc với phấn hoa, nấm mốc, ô nhiễm không khí hay bụi bẩn trước khi đi ngủ; tắc nghẽn mũi do nằm xuống,... Cụ thể:
- Phòng ngủ nhiều bụi hoặc nấm mốc: Tình trạng dị ứng về đêm của bạn có thể trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm khi có thêm các tác nhân gây dị ứng trong nhà. Ví dụ, nấm mốc có thể phát triển trên tường của những ngôi nhà cũ hoặc sau khi bị hư hại do nước, dẫn đến phản ứng dị ứng nếu không được loại bỏ. Hay mạt bụi có thể có ở mọi nơi bám trên đồ vật trong phòng ngủ như chăn ga, vỏ gối, thảm trải sàn,... nếu không được giặt giũ và vệ sinh thường xuyên.
Ngay cả trên quần áo, nếu ở ngoài về và quần áo có bám bụi bẩn, phấn hoa thì bạn cũng dễ dàng gặp phải các triệu chứng dị ứng.
Đọc thêm:
+ 6 loại thuốc kháng histamine tự nhiên mà người bị viêm mũi dị ứng không nên bỏ qua
+ Cảm thấy ngứa râm ran, cảm giác như kim châm ở mặt là do đâu?
- Tư thế nằm: Ở một số người, việc nằm xuống có thể khiến chất nhầy trong mũi chảy xuống cổ họng gây kích ứng niêm mạc họng dẫn tới ho, ngứa họng, thở khò khè nhiều hơn so với khi đứng thẳng. Chúng ta dễ dàng bắt gặp tình trạng này ở người đang bị cảm lạnh thông thường, viêm mũi dị ứng,...
- Thú cưng: Một chất gây dị ứng phổ biến khác khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong phòng ngủ đó là lông thú cưng và tế bào da chết của chúng. Do tế bào da chết của thú cưng có thể lưu lại trong không khí lâu hơn và tích tụ lại trên thảm, giường của bạn.
- Máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm có thể hữu ích cho tình trạng khô xoang mũi, nhưng chúng có thể góp phần gây ra các nguyên nhân khác khiến các triệu chứng dị ứng trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Mạt bụi cần độ ẩm để phát triển, vì vậy máy tạo độ ẩm giúp bổ sung độ ẩm đó vào không khí. Ngoài ra, bào tử nấm mốc sinh ra trong máy tạo độ ẩm có thể bay vào không khí nếu bạn không vệ sinh hoặc thay bộ lọc thường xuyên.
Nếu tình trạng dị ứng về đêm không được giải quyết, bạn có thể gặp phải các vấn đề khác vào ban ngày do chất lượng giấc ngủ kém vào đêm hôm trước như ngủ rũ ban ngày, mệt mỏi quá mức, ảnh hưởng tới công việc và học tập, kém tập trung,...
Đối với một số cá nhân, các loại thuốc họ dùng để giảm dị ứng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ. Một số loại thuốc không kê đơn (OTC), bao gồm thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi được chọn lọc, có thể gây ra tình trạng gián đoạn giấc ngủ.
Những nguyên nhân gây dị ứng như mạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng,... có thể kích hoạt cơn dị ứng bùng phát. Điều quan trọng là xác định và tìm ra tác nhân gây ra các triệu chứng dị ứng là gì. Sau đó vệ sinh phòng ngủ sạch sẽ, bao gồm:
- Lau chùi bụi bẩn thường xuyên, sử dụng khăn ẩm hoặc máy hút bụi có bộ lọc HEPA.
- Giặt ga trải giường, vỏ gối và chăn đều đặn bằng nước nóng để loại bỏ vi khuẩn và mạt bụi.
- Hạn chế thú cưng vào phòng ngủ nếu có.
- Sử dụng máy lọc không khí để giảm lượng alergen (chất gây dị ứng) trong không khí.
- Giữ độ ẩm không khí ở mức khoảng 40 - 50% để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc. Nếu sử dụng máy bù ẩm hãy đảm bảo vệ sinh thường xuyên để hạn chế nấm mốc - một tác nhân gây dị ứng về đêm - phát triển.
- Tránh sử dụng thảm hoặc các vật dụng khó lau chùi trong phòng ngủ.
- Đảm bảo thông gió tốt cho phòng ngủ.
- Kiểm tra và vệ sinh các ống dẫn khí nếu bạn sử dụng hệ thống điều hòa không khí hoặc thiết bị sưởi ấm.
- Tắm trước khi đi ngủ để loại bỏ phấn hoa hoặc alergen khác có thể bám trên cơ thể bạn.
Một số cách có thể giảm nhẹ triệu chứng dị ứng mà bạn có thể áp dụng để giảm nhẹ và loại bỏ dị ứng về đêm như:
- Rửa mũi bằng nước muối: Trong mùa dị ứng thì rửa mũi bằng với nước muối bằng các dụng cụ rửa mũi chuyên dụng là rất cần thiết, đặc biệt là với người bị viêm mũi dị ứng theo mùa. Rửa mũi bằng nước muối giúp loại bỏ phấn hoa, bụi bẩn và các chất gây kích ứng khác khỏi đường hô hấp trên. Thực hiện đều đặn có thể giúp làm giảm tắc nghẽn mũi, làm sạch dịch nhầy và giảm viêm nhiễm trong mũi, do đó làm giảm các triệu chứng dị ứng về đêm.
- Thuốc xịt mũi steroid: Thuốc xịt mũi steroid giúp ngăn hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân gây dị ứng và có thể mất một thời gian chờ nhất định (vài ngày) để có hiệu quả. Đây cũng là loại thuốc được đánh giá là có hiệu quả nhất trong thuốc xịt điều trị viêm mũi dị ứng. Ngoài việc giảm các triệu chứng dị ứng về đêm và phản ứng viêm tại chỗ, lượng thuốc hấp thu vào tuần hoàn cũng khá thấp (khoảng từ 2 - 10%) nên ít gây ra các tác dụng phụ.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin giúp giảm các triệu chứng dị ứng về đêm như ngứa ngáy, mẩn ngứa, chảy mũi, hắt hơi liên tục. Thuốc kháng histamin tùy từng thế hệ (H1, H2) mà có thể gây ra một số tác dụng phụ lên hệ thần kinh hay tiêu hóa. Theo dõi các phản ứng bất thường khi uống thuốc kháng histamin để điều chỉnh phù hợp.
- Thuốc xịt thông mũi: Thuốc xịt thông mũi giúp giảm nghẹt mũi nhưng không được khuyến nghị dùng trong thời gian dài mà chỉ nên dùng dưới 3 ngày bởi lạm dụng có thể khiến nghẹt mũi nghiêm trọng và kéo dài hơn trong tương lai.
Lưu ý rằng, các loại thuốc này chỉ giúp giảm triệu chứng dị ứng chứ không giúp điều trị căn nguyên bệnh nên việc xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng trước khi đi ngủ để giảm rủi ro gặp phản ứng dị ứng về đêm là rất quan trọng.
Ngoài ra, khi uống thuốc dị ứng, cần tránh các chất kích thích như rượu bia, chất kích thích; sử dụng đúng liều lượng được ghi trên nhãn sản phẩm hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu các triệu chứng dị ứng về đêm không được cải thiện hoặc tiến triển nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới giấc ngủ và sinh hoạt vào ban ngày, hãy thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bởi dị ứng có thể nghiêm trọng có thể dẫn tới sốc phản vệ - là tình trạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Các triệu chứng đáng chú ý bao gồm: Giảm huyết áp, tiêu chảy hoặc nôn mửa, khó thở, mất ý thức, mề đây phù nề toàn thân, sưng họng hoặc lưỡi.
Nguồn dịch tham khảo:
1. 5 Reasons Allergies Are Worse at Night and What You Can Do
2. Don’t Let Allergies Wreck Your Sleep