Phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách tránh xa những thói quen xấu này

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách tránh xa những thói quen xấu này
Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng xấu không nhỏ đến sức khỏe của người mắc phải. Phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách tránh xa các thói quen như xì mũi mạnh, ngoáy mũi liên tục, lạm dụng thuốc xịt mũi...

Viêm mũi dị ứng là một căn bệnh dễ tái phát, thường kéo dài và có thể xảy ra quanh năm hoặc chỉ một thời gian nhất định trong năm. 

Viêm mũi dị ứng có thể biến chứng thành viêm xoang, polyp mũi, viêm tai giữa, làm nặng thêm bệnh suyễn…  Do đó, mọi người cần chủ động trong việc phòng và điều trị bệnh ngay từ đầu để tránh trường hợp bệnh chuyển nặng, làm tăng nguy cơ biến chứng.

Những thói quen xấu cần tránh để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng

Việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe tai- mũi – họng để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng tưởng chừng rất đơn giản và phổ biến, thế nhưng trong thực tế vẫn còn rất nhiều sai lầm là nguyên nhân gây ra bệnh. Dưới đây là những thói quen xấu cần tránh để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng.

6 thói quen xấu cần tránh để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng

1. Dùng tay ngoáy mũi

 Dùng tay ngoáy mũi là thói quen của rất nhiều người. Hành động này đã góp phần đưa vi trùng vào mũi và làm tổn thương niêm mạc mũi từ đó gây ra bệnh viêm mũi dị dứng.

2. Xì mũi nhiều và mạnh

 Việc xì mũi nhiều có thể làm thủng màng nhĩ. Ngoài ra xì mũi mạnh cũng có thể gây tổn thương niêm mạc mũi dẫn đến tình trạng viêm nhiễm. Một lưu ý cần ghi nhớ là không được xì một lúc 2 mũi để ngăn các tác hại xấu đến mũi của bạn. Do vậy bạn không nên xì mùi nhiều để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng và tổn thương niêm mạc mũi.

3. Sử dụng thuốc chống nghẹt mũi liên tục, kéo dài

Rất nhiều người có thói quen sử dụng thuốc chống nghẹt mũi liên tục, lạm dụng các thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch khi mới chỉ có nhiều dịch mũi. Do tác dụng giảm nhanh triệu chứng của các loại thuốc có tác dụng co mạch như Otrivin, Rhinex… nên bệnh nhân thường sử dụng kéo dài hơn so với chỉ định của bác sĩ. 

Lúc đầu, thời gian tác dụng của thuốc kéo dài khiến mũi hết nghẹt, nhưng càng dùng lâu thì tác dụng của thuốc càng rút ngắn lại khiến người bệnh phải sử dụng nhiều lần hơn. Về lâu dài niêm mạc mũi bị tổn thương khó hồi phục, dẫn đến dễ mắc bệnh viêm mũi dị ứng.

4. Đặt cây xanh cạnh giường ngủ

Không ít người cho rằng để cây xạnh cạnh giường ngủ sẽ vừa mát mắt lại thanh lọc không khí. Nhưng vào ban đêm cây sẽ tiến hành hô hấp, hấp thụ khí oxy và giải phóng carbon dioxide. Điều này sẽ tạo ra môi trường thiếu oxy và khó ngủ sâu khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy. Ngoài ra, có một lượng lớn nấm mốc ẩn trong đất của cây xanh gây ra bệnh viêm mũi dị ứng nếu hít phải.

5. Rửa mũi quá nhiều và không đúng cách

Hiện nay rất nhiều người đã có thói quen rửa mũi bằng bơm tiêm hàng ngày hoặc 2 lần mỗi ngày khi bị bệnh viêm mũi dị ứng. Mặc dù rửa mũi là phương pháp thông dụng để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng tuy nhiên rửa sai cách có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tuy nhiên, bơm tiêm chỉ được dùng để rửa mũi khi không có tình trạng ngạt mũi xảy ra. Nếu mũi đang bị viêm khiến nghẹt mũi mà bơm nước muối sinh lý vào một bên thì dung dịch sẽ không thể chảy ra ở bên còn lại được. Nước muối và chất nhầy sẽ chảy ra hai bên tai khiến bệnh viêm mũi dị ứng nặng hơn và có thể viêm tai do dịch mủ.

6. Nhỏ nước tỏi vào mũi

Nhiều người thường truyền nhau thói quen phòng, chữa bệnh viêm mũi dị ứng bằng cách nhỏ nước tỏi nướng vào mũi. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Trong củ tỏi có chứa chất Allicin có thể diệt được vi khuẩn, nấm giúp hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, việc nhỏ nước tỏi nướng vào mũi rất nguy hiểm vì nó gây nóng, rát và làm phù nề niêm mạc mũi, khiến bệnh viêm mũi dị ứng trở nên nghiêm trọng.

Làm thế nào để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng

Để phòng tránh bệnh viêm mũi dị ứng, điều cần thiết và quan trọng nhất là phải tránh các tác nhân có thể gây bệnh như:

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và khi làm việc trong môi trường ô nhiễm.

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa. Giặt chăn màn, vỏ gối hàng tuần và phơi dưới ánh nắng trực tiếp.

- Tránh nuôi và tiếp xúc với các con thú như chó, mèo, những vật có lông…

- Tránh tiếp xúc với gió lạnh, khói, bụi, hơi hóa chất các loại.

- Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải.



Tác giả: Anh Dũng